Tấm lòng của một bà mẹ đơn thân

08/11/2005 19:59 GMT+7

Mỗi lần có ai khen chị là giỏi giang hay có tấm lòng, thì chị lại mỉm cười và lắc đầu, khoát khoát tay. Chị cho rằng lời khen ấy quá to tát, vì chị chỉ làm những việc mình yêu thích, chẳng hạn đích thân nấu nướng cho thực khách vào quán của mình và trong khả năng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, đặc biệt là trẻ mồ côi...

Người nội trợ giỏi trở thành chủ quán ăn

Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc Huế. Hồi nhỏ, bé Cao Nữ Như Huệ rất khó nuôi, nên được ba mẹ gọi bằng một cái tên khác: Phượng, và kể từ đó cái tên này gắn bó luôn với chị. Ngày trước, mẹ chị thừa hưởng nghề nấu ăn gia truyền của gia đình, nên "ngũ long công chúa" của bà đều được dạy dỗ, uốn nắn từ nhỏ để trở thành những tay nội trợ đảm đang. Tuy nhiên không ai nghĩ rằng sau này một trong những thành viên đảm đang đó sẽ... mở nhà hàng!

Năm 1972, gia đình Phượng rời Huế vào Đà Nẵng. Sau đó, cả nhà lại dời vào Nha Trang, rồi Sài Gòn. Năm 1983, Phượng lấy chồng. Cuộc hôn nhân này cho ra đời một bé gái bụ bẫm. Năm 1991, vợ chồng chia tay nhau, Phượng trở về với cuộc sống độc thân, một mình nuôi con. Lúc này, chị muốn tìm một công việc gì đó, vừa để mưu sinh, vừa để khuây khỏa nỗi buồn tư riêng. Vậy là một quán cà phê "mọc" lên ở ngay ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng, TP.HCM. Tuy chỉ là một quán nhỏ nhưng thu hút khá nhiều khách vì biệt tài pha cà phê khá ngon của chủ quán. Điều thú vị là khách hàng của chị phần nhiều là anh em báo chí... Năm 1997, phong trào bán cơm văn phòng phát triển, chiều lòng các “thượng đế”, chị cũng mở dịch vụ cơm văn phòng. Thời gian đầu, chị chỉ nhờ toàn khách quen. Dần dần, quán có thêm nhiều khách vãng lai và lâu ngày, họ cũng trở thành "mối" của chị. Quán cơm được "khai sinh" tên Khánh Hà, tên của một nữ ca sĩ hải ngoại mà chị yêu thích. Công việc mới có lẽ hợp với chị nên khách càng ngày càng đông. Chị tìm một mặt bằng khác. Kể từ tháng 9/2001, quán của chị trở thành nhà hàng - bar - cà phê trên đường Nguyễn Thị Diệu, Q.3 cho tới nay...

Bà mẹ nhiều con

Người ta thường nói tên của mỗi người có thể ứng vào vận mệnh. Chị mang một cái tên thật hiền: Như Huệ, nghe qua như một pháp danh. Mà thật vậy, chị có tâm từ thiện từ bé. Chị là bà mẹ nuôi của hàng trăm trẻ mồ côi ở Nhà tình thương Diệu Giác, thường dành những ngày chủ nhật để lên chùa, tự tay nấu thức ăn cho các con. Ngoài ra chị còn là mẹ đỡ đầu của hàng chục trẻ mồ côi trên Đà Lạt. Cứ mỗi tháng một lần, chị lại lên xứ sương mù để "tiếp tế lương thực" cho các con. Quán của chị còn là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều sinh viên xa nhà. Hết lớp sinh viên này đến lớp khác, khi các em này tốt nghiệp đại học, tìm được chỗ làm ổn định thì lại đến các em khác thay thế. Cũng có thời gian chị nhận thầu mỗi ngày vài trăm suất cơm trong căn-tin của Công viên nước Water World để tạo điều kiện cho một số em mồ côi hoặc sinh viên xa nhà thêm việc làm, thêm thu nhập...

Và "làm dâu trăm họ"

Giữa thời buổi vật giá leo thang thì việc điều hành một quán ăn khá lớn, gồng gánh lo toan nhiều thứ để duy trì một mức giá cơm văn phòng khá "mềm" phục vụ khách hàng, đa số là công nhân viên là điều không dễ chút nào đối với một thiếu phụ nhỏ nhắn, đơn thân nuôi con như chị. Chỉ gần 15.000 đồng một phần ăn với gạo dẻo, canh ngọt, món kho, món xào, rau cải, trà đá, khăn lạnh... đều do chính chị tự tay đi chợ lựa từng nguyên liệu về nấu nướng. Ngoài các món u, quán của chị chủ yếu phục vụ các món ăn rất bình dân nhưng cũng rất đặc biệt, từ cà ri gà cho tới mắm kho rau sống hay canh mít non nấu tôm. Nhiều khách đến quán vì "ghiền" món rau dền chấm nước tôm hay món mắm ruốc Huế chính hiệu mà chị gửi mua hằng ngày ở chợ Đông Ba. Khách đến quán ngày càng đông, nhưng không phải khách nào cũng... dễ chịu. Nhưng chỉ cần nhớ tới những em sinh viên đang nương nhờ chị, nhớ đến cô con gái sắp trưởng thành, nhớ đến tình cảm của những "thân chủ", nhớ lũ trẻ côi cút vui mừng gọi "mẹ Phượng" thì chị lại cố gắng phấn chấn trong công việc, tạo nguồn thu nhập. "Bà mẹ nhiều con" mảnh mai này quả là giàu nghị lực...

Giang Trúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.