Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga - Kỳ 3: Người chụp ảnh Sơn nữ Phà Ca trong áo quan

21/11/2008 22:58 GMT+7

Như đã viết, người thứ hai bị bắt khẩn cấp trong vụ án Thanh Nga là một thợ chụp ảnh tên T.T.B. Trinh sát phát hiện anh ta có mặt rất sớm trong giờ liệm nghệ sĩ Thanh Nga vào sáng 27.11.1978 tại Bệnh viện Sài Gòn với chiếc máy ảnh lúc nào cũng trên tay.

Trong lúc người ta xé vải để liệm và tiếng khóc của tang quyến đầy phòng liệm, thì rất nhiều lần anh ta đưa máy lên chụp cảnh tang tóc ấy. Tới khi linh cữu vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga được đưa về quàn tại số 81 Nguyễn Văn Trỗi (nay là Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM) anh ta cũng túc trực bên quan tài Thanh Nga dù chẳng ai yêu cầu. Hỏi ban tổ chức lễ tang cũng như người nhà Thanh Nga, không ai biết anh từ đâu đến và tên gì. Cứ thế, anh ta có mặt và chụp hình tự nguyện. Một lần, khi anh ta đưa máy lên bấm, cháu Cúc Cu đứng gần đó bỏ chạy và la lên: "Ông này xạo, đã bắn ba má mà còn làm bộ".

Câu nói của Cúc Cu khiến trinh sát càng để tâm đến anh ta. Họ theo dõi thấy anh ta đến một tiệm ảnh trên đường Lê Lợi, quận 1, rửa ảnh và mang đến nhà bà Bầu Thơ giao, có bức không lấy tiền. Ở đó, cháu Cúc Cu từ trên lầu đi xuống thấy anh ta cũng lại bỏ chạy, càng làm tăng thêm nghi vấn sẵn có. Để thử, cơ quan điều tra cho chụp hình nhiều người để đưa cho Cúc Cu nhận mặt. Cháu vẫn chọn đúng anh chụp hình này, rồi dùng kéo cắt vụn ảnh ra và bảo: Ghét lắm!
Qua các chi tiết đã có, trinh sát đến nhà hai nữ sinh Thu và Bích đối diện với nhà Thanh Nga để thuyết phục các cô đi đến tiệm mà anh ta đang hành nghề (ở đường Lê Lợi), giả vờ làm khách hàng để gặp gỡ tận mặt, nhận diện. Sau đó, một cô bảo: "Trông anh chụp ảnh có dáng người giông giống với tên cầm súng đã bắn Thanh Nga đêm nọ".

 
Thanh Nga (bìa phải) năm 12 tuổi (1954), trong Đội Ca múa của đoàn Thanh Minh - Ảnh: Huỳnh Công Minh

Bị bắt, lúc đầu T.T.B còn ấp úng, về sau khai thật rằng, trong buổi tối 26.11, khoảng thời gian xảy ra vụ thảm sát vợ chồng Thanh Nga, anh ta đến ngủ với người tình ở chung cư H., không tiện nói tên. Sau đó, cơ quan điều tra phải mời "cô ấy" của T.T.B đến để hỏi thêm. Tách hai người ra và đối chiếu lời khai thì thấy nội dung trùng khớp. Trinh sát lại đến tận nơi dọ hỏi hàng xóm khu vực chung cư H., mọi người đều công nhận đêm đó anh thợ chụp hình B. có mặt ở "tổ ấm" kia, đến mờ sáng mới đi ra.

Cơ quan điều tra biết chắc T.T.B không phải thủ phạm, còn việc cháu Cúc Cu mỗi lần thấy B. đưa máy ảnh lên "đèn lóe sáng, cháu thấy như ánh lửa lóe ra từ họng súng nên hốt hoảng bỏ chạy và ngộ nhận B. là kẻ sát nhân, chứ sự thật không phải như cháu Cúc Cu đã nói". Vì vậy, anh thợ chụp ảnh T.T.B được trả tự do và tên anh được loại khỏi vòng nghi vấn. Bấy giờ cuộc điều tra lại hướng đến những người có liên quan mật thiết đến đời sống tình cảm cũng như quan hệ hôn nhân trước kia của Thanh Nga.

Trong số đó, cơ quan điều tra đặc biệt chú ý nghệ sĩ Thành Được, ông Nguyễn Minh Mẫn và một nữ đồng nghiệp khác của Thanh Nga (xin không nêu tên) đang có tên tuổi lúc bấy giờ trên sân khấu miền Nam. Thêm vào danh sách có: Phước tây lai (Chánh Hồng Phước), Trần Phương Quốc (độc thân, không gia đình, nương thân ở chùa Phật Quang - Bình Thạnh). Nhưng rồi, lần lượt tất cả "7 đối tượng" trên đều được gạt ra khỏi danh sách nghi vấn, tức là khả năng cạnh tranh nghề nghiệp hoặc thanh toán vì mâu thuẫn trong quan hệ tình cảm riêng tư bị xóa. Chỉ còn hai khả năng dẫn đến việc sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, là: chính trị, hoặc bắt cóc tống tiền không thành nên nổ súng giết người. Đến đây, công tác điều tra được tách ra hai bộ phận độc lập.

Bộ phận thứ nhất (chính trị), tập trung theo dõi đường dây hoạt động của một số tổ chức phản cách mạng như Lực lượng Quân sự Thống hợp Liên bang Đông Dương, Mặt trận Phục hưng tổ quốc Việt Nam... Thậm chí có tổ chức đứng ra tự nhận đã ám sát Thanh Nga, nhưng qua điều tra thực tế đã cho thấy không khớp, không đúng, nên bị loại trừ.

Bộ phận thứ hai (hình sự), đã tiến hành nghiên cứu nghiêm túc và tỉ mỉ hiện trường, phân tích từng lời khai của các nhân chứng, thống kê về tính cách, đặc điểm kẻ gây án, cũng như phương thức và thủ đoạn sát nhân để tiến hành cuộc điều tra với kết luận xác đáng nhất. Điều đó đã được nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quyết nêu rõ trong phát biểu về chỉ đạo điều tra vụ án Thanh Nga như sau: "Trước khi xảy ra vụ án đã có một số hành vi đe dọa khủng bố, ném lựu đạn lên sân khấu (lúc Thanh Nga đang diễn), và có thư nặc danh cảnh cáo và yêu cầu Thanh Nga không đóng các vai Trưng Trắc và thái hậu Dương Vân Nga chống xâm lược nữa. Vì thế lúc đầu hướng điều tra tập trung vào các đối tượng chính trị", nhưng về sau "đã nghiêng dần về hướng điều tra hình sự".

Hướng điều tra này liên quan đến vụ án bắt cóc đứa con nhỏ của hai vợ chồng nghệ sĩ Kim Cương trước đó. Chi tiết của vụ án bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương đòi 100 lượng vàng (rốt cuộc gia đình Kim Cương phải bỏ ra 20 lượng vàng - vào năm 1977 - để chuộc) đã được đề cập đến qua loạt bài nhiều kỳ Những vụ án nổi tiếng trong giới văn nghệ sĩ, do hai tác giả Hồng Hạc (một bút danh khác của Giao Hưởng) và Võ Khối viết, đã đăng trên Báo Thanh Niên từ số 156 (3086) ra ngày 4.6.2004, vì vậy không lặp lại nữa.

Ở đây, chúng tôi cung cấp thêm cho bạn đọc những chi tiết liên quan đến vụ án Thanh Nga, như việc bắt cóc cháu Phương - con của vợ chồng BS Nguyễn Lã Hỷ - xảy ra sau ngày Thanh Nga bị sát hại chưa đầy 3 tháng (vào 21.3.1979). Lần theo kẻ chủ mưu của vụ bắt cóc mới này, đã tìm ra thủ phạm nổ hai phát súng giết vợ chồng Thanh Nga như thế nào? (Còn tiếp)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.