Hạnh phúc của người họa sĩ tật nguyền

01/11/2004 22:20 GMT+7

Báo Thanh Niên ngày 14/3/2004 đăng bài " Xe lăn... vượt khó! " nói về họa sĩ Hồ Hoàn Kiếm quê Bạc Liêu, hiện ở Cần Thơ, bị mảnh bom Mỹ găm vào sống lưng, liệt đôi chân từ năm 1968 khi anh mới 13 tuổi. Bằng nghị lực, anh đã học và trở thành một con người đa tài: họa sĩ, dịch giả, làm thơ, sáng tác nhạc... , tự nuôi thân và giúp đỡ sinh viên nghèo. Sau bài báo ấy, hạnh phúc đã đến với anh...

Một ngày sau khi báo phát hành, đang công tác ở Đồng Tháp, tác giả bài báo nhận được điện thoại từ TP Hồ Chí Minh, bên kia đầu dây là một giọng nữ nhỏ nhe: "Anh có số điện thoại của anh Kiếm không? Khi nào anh về Cần Thơ thì làm cầu nối giùm để em nói chuyện với anh Kiếm...". Tôi nhận lời và sau đó không lâu, người phụ nữ kể trên (chị Ch., nhà ở huyện Củ Chi - TP Hồ Chí Minh) đã có buổi nói chuyện với Hồ Hoàn Kiếm, con người khuyết tật song tài hoa. Kể từ đó, hai người thư đi tin lại liên tục.

Chiều chủ nhật 24/10, không hề hẹn trước, tôi đến gallery 330B Nguyễn Văn Cừ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tìm anh Kiếm. Vào nhà, ngoài anh ra còn có một phụ nữ khá xinh, tuổi ngoài 40. Tôi cứ ngỡ đây là vợ mới cưới của anh nên chẳng vòng vo: “Sao ông cưới vợ mà không cho hay?” Anh cười lớn: “Thôi ba đứa tụi mình đi uống cà phê, chuyện còn dài”.

Nhà cách quán một đoạn. Anh ngồi xe lăn cho chị đẩy, tôi đi sau nhìn theo mà lòng mãn nguyện "mai mối thế này thì cần gì ăn đầu heo". Vào quán, khi biết tôi mang theo máy ảnh, chị âu yếm nói với anh: "Ảnh có mang máy hình nè anh ơi, tụi mình chụp làm kỷ niệm đi". Tôi bấm liền 5 kiểu. Phải nói ảnh rất đẹp và tình tứ. Cà phê mang ra, anh mới chính thức giới thiệu: “Đây Ch., còn đây là tác giả bài Xe lăn vượt khó”. Tôi và chị Ch. cùng à lên. Câu chuyện càng rôm rả hơn. Chị Ch. nói: "Sau cú điện thoại bắc cầu của nhà báo, chúng tôi liên lạc điện thoại, thư từ với nhau thường xuyên hơn. Khi biết ảnh phải khó nhọc nằm ngửa để viết thư hồi âm, tôi đã không cầm được nước mắt". Chị kể tiếp, năm 1974 chồng chị phụ bạc khi chị đang bụng mang dạ chửa, từ đó trở đi chị thù hận đàn ông vô cùng. Con gái chị giờ đã lập gia đình, đã có cháu, song nỗi căm hận phái nam vẫn chưa phai nhạt là bao. "Khi biết anh Kiếm qua trang báo và hôm nay tiếp xúc trực tiếp, tôi mới ngộ ra rằng thời gian qua mình cực đoan quá. Từ chỗ cảm phục nghị lực, nay tôi có thể nói với nhà báo rằng mình yêu nghị lực và tâm hồn Hồ Hoàn Kiếm, cho dù biết rằng anh ấy có thể không còn chức năng làm chồng đi chăng nữa".

Giọng chân tình, anh Kiếm thổ lộ, sau bài Xe lăn... vượt khó đến nay, "ngoài Ch. ra còn có khoảng 8 người bạn nữa thư từ cho tôi, trong đó có Kh.V. quê Điện Biên, H. ở Cần Giuộc (Long An), Ph. làm ở khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM), Kh.H từ Nghệ An vào làm ở khu công nghiệp tỉnh Bình Dương viết thư khẳng định rằng em vào Nam là vì anh. Đặc biệt, cô B.T nhà ở quận 6, mới 27 tuổi, khá xinh, học hết lớp 12 ở nhà phụ cha làm răng. Cô ấy đã xuống Cần Thơ mấy lần rồi và bắt tôi phải giới thiệu với bạn bè rằng đây là bà xã tương lai. Chính với kiểu giới thiệu này mà nhiều người mới đồn rằng tôi đã có vợ".

Uống ngụm cà phê, anh nói tiếp: "Cả cô Ch. đang ngồi đây và các cô gái kể trên, đến giờ tôi vẫn trân trọng. Tôi không dám đùa giỡn với tình yêu và càng không dám lừa phỉnh bất cứ ai. Hiện tại một mình thì không sao, nhưng cưới vợ thì chưa dám, bởi liệu có lo được đầy đủ cho bạn đời không? Phải nói rằng, nhờ có bài báo mà nay tôi có thêm nhiều bạn nữ, cuộc sống vì thế vui hơn, thi vị hơn, đáng yêu hơn".

Nhìn khuôn mặt hạnh phúc của Hồ Hoàn Kiếm, lòng tôi chợt thấy ấm cúng, cầu mong anh có một quãng đời còn lại thật đẹp. Bất giác bên tai tôi lại vang lên câu nói của chị Ch.: "Đàn ông chỉ có bọn sở khanh, bọn lừa thầy phản bạn mới là xấu, số đông vẫn là người tốt đáng kính trọng, cho dù họ tật nguyền, làm những nghề bình thường"...

Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.