Giới trẻ Việt Nam hưóng tới tương lai

27/11/2006 14:50 GMT+7

“Ngay cả tính theo chuẩn mực toàn cầu thì sự phát triển của Việt Nam cũng quả là phi thường. Bạn sẽ khó lòng tìm được bất cứ ai ở Việt Nam nói rằng cuộc sống của họ không tốt hơn cách đây 10 năm”, Carrie Turk- kinh tế gia của Ngân hàng thế giới (WB) phát biểu.

Với tựa đề Giới trẻ Việt Nam hưóng tới tương lai, hãng truyền thông BBC hôm 27/11 đã bắt đầu đăng tải bài viết đầu tiên cho loạt bài mang tên Hy vọng tràn trề. Chúng tôi xin lược dịch giới thiệu với độc giả.

Ở tuổi 30, Alan Dương làm chủ một chuỗi cửa hàng bán quần áo cao cấp ngay ở trung tâm Hà Nội.

Là một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, cô nói tiếng Anh lưu loát, có mặt ở các hội chợ thương mại trên khắp thế giới. Cô chính là một phần của một thế hệ mới các doanh nghiệp Việt Nam: hiện đại và thành đạt.


Alan Dương (Ảnh: BBC)

Alan thuộc nhóm 60% trong số 83 triệu người Việt Nam, những người được sinh ra sau chiến tranh. Và cô dường như chẳng bị ảnh hưởng gì bởi một quá khứ đầy đau thương của dân tộc.

“Việt Nam có một tương lai cực kỳ tươi sáng. Đó là một nơi tuyệt vời đề làm ăn và đó cũng là một nơi rất thú vị để tận hưởng cuộc sống cũng như để làm việc”, Alan nói.

Cảm giác lạc quan của cô được thể hiện rõ qua các con số. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ gần 8% trong suốt 5 năm qua, một kỳ công ở châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Vào thời điểm 1993, có đến 58% dân số Việt Nam được xem là sống dưới mức nghèo khổ theo tiêu chuẩn quốc tế. Con số đó được rút gọn chỉ con chưa đầy 20% trong năm 2004.

“Nếu so với thời điểm lúc tôi ở đây vào giữa thập niên 90, Việt Nam  giống như đã biến thành một quốc gia hoàn toàn khác”, kinh tế gia của Ngân hàng thế giới (WB), Carrie Turk, phát biểu.

Khi mới đến Việt Nam, bà Turk phải bay sang Bangkok để mua những thứ đơn giản như các vật dụng vệ sinh . Nhưng bây giờ Hà Nội đã trở thành một cái “vựa” của những đồ dùng xa xỉ, của những quá cà phê internet không dây cũng như những nhà hàng đẳng cấp thế giới.

“Ngay cả tính theo chuẩn mực toàn cầu thì sự phát triển của Việt Nam cũng quả là phi thường. Bạn sẽ khó lòng tìm được bất cứ ai ở Việt Nam nói rằng cuộc sống của họ không tốt hơn cách đây 10 năm”, bà nói.

Những người rất nghèo như Nguyen Thi Ha cũng không bị gạt ra ngoài. Cô sống với chồng tại một ngôi làng cách Hà Nội 30km.

Cứ mỗi vài tuần, Ha lại đến trung tâm Hà Nội để bán những quả đu đủ và chuối mà cô trồng ở quê nhà, thu được khoảng 400.000 đồng sau mỗi chuyến đi.

“Tôi rất hy vọng vào tương lai. Cuộc sống hiện tại của tôi vẫn còn vất vả lắm nhưng nếu so với quá khứ thì nó đã tốt hơn rất nhiều. Bây giờ chúng tôi đã sắm được tivi. Sắp tới, tôi còn muốn bắt điện thoại nữa”, cô nói.

Chuyển tiếp từ nhà nước sang tư nhân

Việt Nam vừa mới tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Hà Nội cũng như vừa được chấp nhận gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO). Những điều này càng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào nền kinh tế phồn vinh của Việt Nam.

Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam thực sự đã chuyển mình, lúc đầu còn với tốc độ chậm nhưng tốc độ đó ngày càng trở nên nhanh chóng hơn.

Nguyen Vinh Tiên, một kiến trúc sư 33 tuổi, đã theo dõi những thay đổi này rất kỹ lưỡng.

Chỉ cách đây vài thập niên thôi, tất cả mọi thứ đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Ngay cả ở thời điểm giữa thập niên 90, khi Tiên bắt đầu làm việc, anh chủ yếu làm cho chính phủ vì cơ hội hiếm khi nào lọt vào tay khu vực tư nhân.

“Giờ đây, thị trường tư nhân đã trở nên thực sự mạnh mẽ”, Tien cho biết, không quên chỉ ra những khách sạn, nhà máy, khu công nghiệp mà anh đã góp phần để xây dựng nên.

Việt Nam không chỉ thay đổi về mặt kinh tế. Đất nước này cũng thay đổi cả về mặt xã hội.

Công việc kinh doanh thời trang của Alan Dương không thể nào thực hiện được nếu nó diễn ra cách đây khoảng 20 hay 30 năm. “Lúc đó, người mẫu từng bị nhiều người Việt Nam đánh đồng với những cô gái bán thân”, Allan nói.

Tham vọng của mọi người cũng thay đổi nhiều. “Cách đây không lâu, các bậc phụ huynh thường muốn con cái của họ làm việc cho các công ty nhà nước nhưng bây giờ thì thế hệ trẻ mong muốn được làm việc cho những tổ chức quốc tế năng động”, Nguyen Vinh  Tien nhận xét.

Các rắc rối nhỏ

Đối với những người nghèo, sự thay đổi kinh tế trong thời gian gần đây đồng nghĩa với một tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cũng như tỉ lệ di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị.

Pham Thi Diep mới đây đã phải rời quê nhà ở Hà Nam để lên thủ đô bán bánh mì dạo trên đường phố. Cô bảo cô nhớ mấy đứa con ở quê vô cùng nhưng không muốn thay đổi quyết định: “Ít nhất thì nhờ đi bán như thế này tôi mới có thể cho con đi học”.

Trong khi hầu hết những người nghèo đều được hưởng lợi từ môi trường kinh tế mới mẻ nhưng mức độ hưởng lợi của họ khác nhau,  ông Lê Đăng Doanh- một kinh tế gia cao cấp của Việt Nam cho biết.

Ngân hàng Thế giới cho rằng tỉ lệ nghèo khổ ở một số khu vực của Việt Nam giảm chậm hơn so với tốc độ chung của cả nước.

Nhưng bất chấp những trục trặc nhỏ như kể trên, không ai có thể nghi ngờ rằng người Việt Nam đang rất lạc quan về tương lai của mình.

Kiều Oanh (lược dịch từ BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.