Câu cá ở hồ Dầu Tiếng

11/07/2013 10:41 GMT+7

Câu cá vừa là thú vui nhưng cũng là nghề mưu sinh chính của hàng trăm hộ dân dọc lòng hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh).

Câu cá vừa là thú vui nhưng cũng là nghề mưu sinh chính của hàng trăm hộ dân dọc lòng hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh).

Hồ Dầu Tiếng rộng gần 27.000 ha, nơi có nguồn thủy sản tự nhiên phong phú cho tỉnh Tây Ninh và là nơi quan trọng để phát triển ngư nghiệp. Theo Chi cục Thủy sản Tây Ninh, qua khảo sát phát hiện trong hồ Dầu Tiếng có hơn 50 loài cá trong đó có 10 loại có giá trị kinh tế như: cá thác lác, cá lăng, cá lóc, cá cơm… Nguồn cá phong phú chính là một thuận lợi cho người dân trong việc cải thiện cuộc sống và phát triển mạnh mô hình câu cá.

Tạo nguồn thủy sản ở hồ Dầu Tiếng

Giữa trưa ngày đầu tháng 7.2013, chúng tôi tìm đến hồ Dầu Tiếng (H.Dương Minh Châu), nơi những người dân sống bằng nghề câu cá rất phát triển. Nở nụ cười tươi khi một con cá rô phi vừa dính câu, anh Trần Thanh Bình (ngụ xã Phước Minh, H.Dương Minh Châu) cho biết: “Câu cá vừa là một thú vui vừa là nguồn sống của vợ chồng tôi từ mấy năm nay rồi”. Anh Bình kể, hằng ngày anh cùng đứa con trai đi câu cá (chủ yếu là cá rô phi) về bán, kiếm được từ 100.000 -250.000 đồng. “Đi câu thì mình vừa thỏa thú vui giống dân nhà giàu mà không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên trong hồ. Nhiều lúc thấy người ta kích điện mà nóng hết cả ruột”.

Câu cá ở hồ Dầu Tiếng
Người dân câu cá tại lòng hồ Dầu Tiếng - Ảnh: Giang Phương

Còn anh Nguyễn Văn Công (ngụ xã Suối Đá, H.Dương Minh Châu) cho biết thêm, đã gần 5 năm nay, hồ Dầu Tiếng là nơi nuôi sống gia đình anh bằng nghề này. “Ở lòng hồ này, cứ lấy sức mình ra là ai cũng sống được miễn sao mình phải biết bảo vệ cái mà mình đang bắt đi thôi”. Anh Công giải thích: “Câu cá thì năng suất không thể sánh được bằng lưới hay các phương pháp khác nhưng sẽ an toàn sinh thái trong hồ”.

Ông Trần Văn Trưng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tây Ninh cho biết: “Việc khai khác thủy sản trên lòng hồ Dầu Tiếng chỉ cấm đối với những trường hợp khai thác kiểu tận diệt như ghe cào, kích điện hoặc các loại lưới nhỏ (đặc biệt các loại dớn)”.

Ông Trưng cũng cho biết thêm, nhằm bổ sung và phục vụ nhu cầu nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản, cải thiện đời sống của ngư dân sống xung quanh hồ; sắp tới Chi cục Thủy sản  tiến hành đấu thầu thả cá giống xuống lòng hồ Dầu Tiếng. Theo kế hoạch, Chi cục thả bổ sung thêm 750.000 con cá giống gồm: cá tra, cá chép, mè hoa, trám cỏ xuống hồ này vào cuối năm. Được biết, từ đầu năm 2005 đến nay, đã có gần 8 triệu con cá giống được thả xuống hồ Dầu Tiếng.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, hiện Sở đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm cá giống thả vào hồ Dầu Tiếng (kinh phí 480 triệu đồng). Vừa qua, Sở cũng đã cho phối hợp kiểm tra và đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ngư dân sử dụng ngư cụ cấm khai thác thủy sản trong hồ Dầu Tiếng. Riêng trong tháng 6, đã tiêu hủy 400m lưới dớn, giữ 07 ghe khai thác sai quy định.

Đầu tư thành khu nghỉ dưỡng tương lai

Theo Sở VH-TT-DL Tây Ninh, trong tương lai, hồ Dầu Tiếng sẽ được đầu tư thành khu nghỉ dưỡng. Hồ Dầu Tiếng có 3 bán đảo: suối Bà Chiêm, Đồng Kèn, Tà Dơ. Riêng Suối Nhím là đảo tách riêng trong lòng hồ Dầu Tiếng. Do đó, cảnh quan môi trường tại khu vực này là điều kiện thuận lợi kêu gọi đầu tư xây dựng một môi trường du lịch chuyên nghiệp và có khả năng cạnh tranh trong khu vực về ngành du lịch.

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.