Cần chuẩn bị tiếng Anh trước khi đi du học

15/11/2008 14:59 GMT+7

Có rất nhiều học sinh Việt Nam sang Singapore để học lấy các chứng chỉ ngành nghề, học ĐH với vốn tiếng Anh chưa qua trình độ vỡ lòng.

Dễ dãi

Trường không chú trọng điều kiện đầu vào, công ty tư vấn du học lại càng dễ dãi, học sinh đi du học một cách dễ dàng, để rồi gặp bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười ở xứ người. Tiêu biểu của sự dễ dãi này trước hết phải kể đến trường hợp 13 học sinh ở tỉnh Hải Dương đi học khóa một năm để lấy chứng chỉ về phục vụ ăn uống tại trường Stamford  School of Commercial Studies (SSCS) mà Báo Thanh Niên đã đưa tin hồi tháng 10. Chưa kể đến yếu tố lừa đảo của Công ty tư vấn du học và xây dựng (SACC) khi quảng cáo rằng học sinh theo học khóa này có thể vừa học vừa làm việc có lương, thì điều kiện tuyển sinh đã là một vấn đề lớn. Học sinh chỉ cần có bằng bổ túc trung học phổ thông và biết hay không biết tiếng Anh cũng được.

Sang tới Singapore, các bạn trẻ không thể giao tiếp được gì ngoài thứ ngôn ngữ thân thể. Trường có gửi cho giấy tờ gì thì họ cứ đoán già đoán non chứ không rõ nội dung là gì. Rất nhiều từ ngữ tưởng chừng hết sức đơn giản nhưng cũng phải tra từ điển điện tử bỏ túi mới biết nghĩa. Đến cái tên ga tàu điện ngầm ngay chỗ ở mà họ vẫn không thể nói hay viết ra dù nó rất đơn giản và cứ lên tàu là loa phóng thanh đọc ra rả. Ở lớp thì “Thầy vào lớp phát cho mỗi đứa mấy tờ giấy, viết mấy từ lên bảng rồi chạy sô qua lớp khác. Đoạn quay lại lớp, hỏi mấy câu, bọn em chả nghe được gì cứ “yes yes, no no”, xong cười vui vẻ, ra về”, một du học sinh kể.

Bị buộc thôi học

K., quê ở Long An, đăng ký học khóa thạc sĩ về quản trị kinh doanh (MBA) tại EASB Institute of Management Pte Ltd (EASB) ở Singapore thông qua một công ty tư vấn du học khá nổi tiếng tại TP.HCM. Trọn khóa học gồm 9 tháng học tiếng Anh chuyên ngành và 15 tháng học MBA, với tổng cộng chi phí phải nộp cho EASB là 33.264 SGD. Gia đình K. đã chuyển tiền từ Việt Nam nộp cho trường 17.766 SGD, số còn lại nhà trường cho phép nộp sau đó 6 tháng. K. sang Singapore và trước tiên là học khóa tiếng Anh. Nói là tiếng Anh chuyên ngành nhưng thực ra khóa học bắt đầu với những kiến thức hết sức vỡ lòng như: Hello! How are you? My name is... và cũng chỉ kéo dài trong 6-7 tháng. Thi hết khóa, K. rớt. Gia đình lại chuyển 6.933 SGD nộp cho trường để K. học tiếng Anh tiếp. Khóa học lại bắt đầu với: Hello! How are you? Thi xong lần 2 thì K. được chuyển sang học khóa MBA. Được một tuần, nhà trường thông báo K. không qua được cuộc thi tiếng Anh lần 2 và buộc phải thôi học về nước. K. cắn răng: “Ừ thì về nước, nhưng phải lấy lại tiền khóa MBA”! Giải quyết yêu cầu của K. là 2 nhân viên của bộ phận chăm sóc sinh viên. Hai người này nhất định: “Không trả lại đồng nào hết vì đã nhập học khóa MBA rồi” và yêu cầu K. nộp lại thẻ sinh viên để nhà trường đem lên cơ quan di trú hủy thẻ và visa lưu trú của K. tại Singapore.

Bế tắc, K. tìm đến văn phòng Báo Thanh Niên tại Singapore. Phóng viên Thanh Niên đã đi cùng K. đến trường và gặp cô Agnes Ang, phụ trách việc đăng ký của sinh viên. Cô Ang thừa nhận những điểm lởm khởm trong vấn đề tuyển sinh và bố trí các khóa học trong trường hợp của K. Cô đồng ý về bàn lại với ban quản lý hoặc là chấp nhận cho K. tiếp tục khóa MBA đồng thời tự học tiếng Anh để thi trả nợ, hoặc sẽ xem xét trả lại một số khoản tiền của K. Cuối cùng, trường quyết định trả lại cho K. 9.840 SGD. Khi được hỏi, em đã tốt nghiệp ĐH tại một trường khá có tiếng ở TP.HCM mà sao tiếng Anh kém thế, K. bẽn lẽn: “Em học kỹ thuật mà chị, tiếng Anh đâu có quan trọng!”.

Sự học là tương lai phụ huynh và học sinh phải hết sức cân nhắc và biết lượng sức mình khi đi du học. Đừng chủ quan nếu tiếng Anh còn kém thì nên nghĩ đến việc học nó trước đã. Không thể mong đợi một khóa học vài tháng, thậm chí một hai năm, có thể trang bị đủ khả năng về một ngoại ngữ để bạn bước vào một ngành học chuyên môn.  

 Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.