Patrick Levet - Hiệp sĩ Tây "ba lô" - Kỳ cuối: Mối tình kiếm mã

12/11/2004 00:11 GMT+7

Người đẹp Romania Tại giải vô địch châu u môn Qwan Ki Do tổ chức ở Bucarest năm 1996, Patrick thi đấu thật xuất sắc. Anh đoạt huy chương vàng cả hai nội dung đối kháng vũ khí và công phá.

Thi đi quyền, anh lọt vào chung kết, rồi cuối cùng thất bại. Vẫn nhớ câu châm ngôn Việt Nam "Thắng không kiêu, bại không nản", nhưng anh cảm thấy buồn bực trong lòng. Đã từng 3 lần vô địch châu u về quyền thuật, lần thất bại này làm anh không tự chủ được. Đang miên man với những suy nghĩ không vui, bất chợt có ánh mắt ai như luồng điện "chạm" vào người anh. Ánh mắt ấy đã theo anh đến tận ngày hôm nay.

Gần hai mươi năm hành hiệp, Patrick sớm chia tay với người vợ cũ. Thấy cuộc sống phiêu bạt của anh, bạn bè đều khuyên Patrick phải lấy vợ, xây dựng một mái ấm gia đình. Nhưng chỉ đến khi gặp Danka, anh mới cảm thấy "điểm tựa" đời mình. Danka đem đến cho Patrick một tình yêu vô biên, đầy màu sắc võ hiệp. Lớn lên trong bối cảnh một đất nước Romania đầy xáo trộn, Danka luôn mơ tưởng đến hình ảnh một "siêu nhân". Nhìn Patrick thi triển võ công trên đấu trường, Danka nghe con tim mình rung cảm mãnh liệt. Đến với Patrick, cô biết cuộc đời mình rồi sẽ rong ruổi theo bước chân anh...

Danka là người Romania đầu tiên học võ Vovinam. Cùng Patrick, cô sang Việt Nam năm 1998 thi lam đai nhị. Thầy Nguyễn Văn Chiếu là người trực tiếp chấm thi, và cô được học đặc cách tại Trung tâm Thể dục thể thao Q.8, TP.HCM. Chia sẻ với kế hoạch của Patrick, cô vắt óc tìm phương án du nhập môn Vovinam vào Romania. Với trình độ của mình, Danka thừa sức đứng lớp và đủ khả năng dẫn dắt phong trào. Kẹt nỗi cô đang theo học Đại học Y, chuyên ngành thiết bị y khoa, không thể tùy tiện bỏ ngang. Đợi khi nào tốt nghiệp xong đại học, Danka cũng sẽ dấn thân vào nghiệp võ. Sực nhớ đến người bạn tên Florin rất nhiệt tình và đam mê võ, cô tìm địa chỉ đưa cho Patrick. Từ đầu mối này, Patrick phác họa cách thức cắm trụ Vovinam vào đất nước còn mới mẻ này.

Thật ra Patrick đã quen biết Florin trước đây, nhưng do không liên hệ với nhau, họ đã bặt tin từ lâu. Anh chàng Florin vốn là kỹ sư xây dựng, đang thất nghiệp nằm chờ thời và tạm làm một chân bảo vệ trong sân bay. Patrick đem môn Vovinam giới thiệu với Florin, được anh hồ hởi đón nhận và xin nhập môn. Qua 6 tháng huấn luyện cấp tốc, và 3 chuyến đi lại Việt Nam, Florin đã có những bước tiến dài, có thể làm tốt vai trò phát động phong trào Vovinam trên toàn Romania. Tuy còn bận bịu với chuyện thi cử, Danka đã đóng vai trò tham mưu rất nhiều cho phong trào chung. Cả nhóm đã làm một phim tài liệu 20 phút về Vovinam, được phát nhiều lần trên kênh truyền hình quốc gia. Kết hợp cùng với Abdel Benzaim là học trò võ sư Sudo, họ làm các phim quảng cáo ngắn khoảng 5 giây, với nhiều tiết mục đặc sắc như phản đòn mã tấu, chống dao găm... phát xen kẽ trong chương trình thể thao, cùng với các môn bóng đá, bơi lội..., tạo nên sự quan tâm rộng rãi trong dư luận.

Danka là cô gái thông minh và chịu khó, cô vừa tốt nghiệp đại học với số điểm rất cao. Theo chân Patrick, cô lại đến Việt Nam tiếp tục theo tập Vovinam với quyết tâm trở thành nữ cao thủ trong làng võ thế giới. Cô đang ráo riết luyện tập để chuẩn bị lên đường tham gia đội tuyển Romania dự giải vô địch Vovinam toàn châu u tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha vào tuần tới.

Những kỷ niệm khó phai

Nét chấm phá về cuộc đời hoạt động võ thuật của Patrick chỉ nói lên một phần nhỏ về những gì anh đã làm được và con đường anh đã đi qua. Anh đã đi từ say mê nét đặc sắc của môn võ Việt Nam, đến cung đoạn thấm sâu dần cái triết lý sống của người Việt, am hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam. Võ có sức thu hút ghê gớm và sự lan tỏa văn hóa là không biên giới. Thế nhưng chính chúng ta đã biết quý trọng nó chưa? Đến nay Vovinam trong nước vẫn chưa thành lập được liên đoàn, và một chỗ đứng tại các sân chơi Sea Games, Asiad... vẫn còn xa tít tắp. Chúng ta bỏ quên nội lực văn hóa của chính mình, và còn biết bao tiềm lực khác còn chưa được đánh thức (?).

Patrick đang ở Việt Nam và dạy tiếng Pháp tại Idecaf (Viện Trao đổi văn hóa với Pháp). Anh đang ngày đêm khổ luyện và không ngừng trau dồi thêm tiếng Nhật. Đất nước mà anh đang nhắm tới này có một nền văn hóa thâm hậu, đem Vovinam qua truyền bá tại quê hương của các Samurai này thật không dễ dàng. Nhưng anh nuôi dưỡng niềm tin mình sẽ thành công, vì Vovinam có nét độc đáo riêng mà không môn võ dân tộc nào có được. Đặc biệt phần triết lý và võ đạo là hết sức uyên thâm, càng thấu hiểu càng tâm đắc. Patrick trầm ngâm: "Qua Nhật, đầu tiên tôi phải kiếm một việc làm, có thể là dạy ngôn ngữ. Tiếp theo sẽ kiếm đất dụng võ để phát triển bằng được môn Vovinam...". Sự khó khăn quá lớn đang chờ đợi Patrick phía trước.

Ngồi uống cà phê cùng anh, thấy anh vuốt vuốt mái tóc và nói đùa: "Patrick đã bạc đầu vì võ, tóc đã phải nhuộm mấy năm nay rồi"! Chuyện võ là chuyện dài một đời, và Patrick cũng đã "nói tốt" quá nhiều về người Việt Nam. "Bây giờ anh hãy thử kể điều gì làm anh buồn nhất". Patrick nở nụ cười hồn nhiên: Tiếp xúc nhiều người, tôi thấy họ cứ nghĩ dân Tây chắc phải giàu lắm. Họ đâu biết ở đất nước chúng tôi cũng còn nhiều người nghèo, thậm chí có người còn phải ăn xin nữa. Và Patrick đã từng khốn khổ vì một tai nạn. Lúc ấy, Patrick mượn chiếc Dream II đi, gửi nhà người quen và bị mất cắp. Patrick phải trả tiền cho chủ xe từ từ. Ban đầu chủ xe la làng, nhưng sau thấy Patrick trả đến 1.700 đô la, thì tin mình là người lương thiện, nói khỏi phải trả nữa. Bây giờ chị Huệ (chủ xe) trở thành bạn thân, Patrick và Danka đang trọ tại khách sạn của chị.

Lúc hết tiền, Patrick bèn đến ở nhà thầy Chiếu, lấy chiếc xe đạp cũ của con thầy làm phương tiện đi lại. "Được thầy nuôi cho ăn cơm, lại chỉ dạy võ tận tình không lấy một đồng học phí. Tấm lòng ấy Patrick luôn khắc ghi". Có lần đi chợ, bị kẻ trộm móc túi, "chôm" cái bóp còn 300 đô la cuối cùng, Patrick liền phóng xe rượt theo. Chạy vòng quanh qua nhiều ngõ ngách ở quận 8, Patrick tóm cổ được tên trộm ngay tại nhà. Nhìn cảnh khổ và nghe lời than vãn, động lòng Patrick "tặng" luôn số tiền trên. "Mình là dân hiệp sĩ mà", anh cười hết sức hài hước.

Câu chuyện miên man bất ngờ gợi nhớ lại bao ký ức tưởng chừng đã lãng quên. Đó là vào năm 1992, chúng tôi có tiếp đón một đoàn võ sư từ châu u qua. Cuộc giao lưu võ thuật được tổ chức tại Hồ Gia Trang. Có một gã thanh niên cột đuôi tóc rất dài, nghe giới thiệu là người Tây Ban Nha, hỏi rất chi tiết, và ghi chép cặn kẽ từng động tác, từng lời thiệu (dùng tiếng Pháp, qua phiên dịch). Lúc ấy võ sư trưởng đoàn Đồng Văn Hùng có nói một câu: "Thằng này ghê lắm, không khéo nó lấy hết võ Việt Nam mình". Đến đây, Patrick như đứng bật dậy: "Trời! Người có đuôi tóc dài ấy chính là Patrick...".

Cao Thụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.