Ông già Mông vang danh trên núi

05/12/2007 22:49 GMT+7

Ở Hà Giang, đồng bào các dân tộc anh em tôn kính gọi ông là “ông già Dùng có tài”. Tài năng, tâm đức của ông đã trở thành giai thoại... Cái tài của ông được họ hiểu là "ông bác Dùng nói và làm được, không lừa đồng bào".

Ngày còn làm việc, ông gần dân thương dân đúng nghĩa với từ "đồng bào", máu mủ với mình. Lúc ông hưu, đồng bào thương khóc. Lúc đó ông đã 70. Về vườn, tài sản đáng kể nhất ông sắm được là một chiếc xe máy Tàu, khoảng 12 triệu. Ông là Sùng Đại Dùng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang. "Đồng bào phải tin tôi, tôi là Sùng Đại Dùng"

Năm đó, lâu lắm rồi, đồng bào xã Đường Thương, huyện Yên Minh còn trồng cây thuốc phiện nhiều, đi họp ở Trung ương về, ông Sùng ví von: "Thuốc phiện trồng nhiều quá, máy bay Liên Hiệp Quốc bay ngang còn nhìn thấy, nói Việt Nam phải bỏ cây thuốc phiện đi". Khi đó, Trung ương đã chỉ thị xuống Hà Giang là phải chấm dứt việc trồng cây thuốc phiện - loại cây một thời được coi là sinh kế của bà con. 


Ông Sùng Đại Dùng bên lá cờ Tổ quốc - ảnh: T.G

Ông Dùng buồn lắm: "Cả tỉnh còn mỗi Yên Minh, nó hiên ngang mang thuốc phiện ra chợ Lũng Hồ bán công khai. Toàn xã trồng thuốc phiện. Mỗi hộ một người nghiện. Chồng bí thư xã nghiện. Xã đội trưởng cũng nghiện". Nói như ông Dùng thì "huyện cử bao nhiêu cán bộ xuống Yên Minh thì đều bị đánh bật ra hết". Ông Dùng đề nghị tỉnh giao cho Mặt trận Tổ quốc xuống "đỡ đầu" cho xã này. Trước đó, qua nhiều sự việc thực tế thì đồng bào đã biết đến ông Dùng là một người rất có uy tín với người Mông. Thế nhưng chưa đủ. Bởi thuyết phục được đồng bào bỏ cây thuốc phiện, bỏ thói quen hút và sinh sống dựa vô cây thuốc phiện là rất khó. Ông xuống tận bản, phải ngồi uống rượu với đồng bào suốt đêm. Ông dẫn ra nhiều thực tế như việc Đồng Văn, Mèo Vạc đã bỏ được cây thuốc phiện rồi. Ngay cả nhà ông, bố đẻ ông cũng nghiện thuốc phiện, thế mà vẫn bỏ được.

Ngồi họp bản, uống rượu ngô giữa nhà sàn, ông Dùng tuyên bố: "Đồng bào phải tin tôi, tôi là Sùng Đại Dùng, tôi không lừa đồng bào, không lừa Chính phủ đâu". Thấy xuôi tai, đồng bào mới hỏi: "Bác Dùng nói thế là được, nhưng bác Dùng có đảm bảo cuộc sống cho chúng tôi nếu bỏ thuốc phiện không?". Một câu hỏi thực tế nhưng khó trả lời, thế mà ông Dùng cương quyết: "Tôi nói là tôi làm! Bỏ thuốc phiện đồng bào không có ăn thì cứ tìm ông Dùng mà ăn".

Ông Sùng Đại Dùng sinh năm 1931 ở xã Ma Lé, Đồng Văn, nay thuộc tỉnh Hà Giang. Năm đó, ông tròn 60 tuổi nhưng chưa nghỉ hưu. Tỉnh cần những "tri châu" có uy tín như ông để nói và làm cho đồng bào nghe lọt.

Nói là làm


Vợ chồng ông cựu quan chức tỉnh trong gian nhà được mua thanh lý - ảnh: T.G

Vận động đồng bào bỏ cây anh túc, ông Dùng nghĩ đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Khỏi họp bàn hội thảo nhiều, thấy trồng cải dầu hợp với vùng núi đá, ông về thuyết phục tỉnh. Rồi ông qua Trung Quốc mua hạt cải dầu cho bà con trồng. Bà con không tin là cây cải dầu sống tốt. Khỏi nói nhiều, ông cho trồng thử. Cải dầu tốt um, cao ngang đầu người, 1 kg hạt cải dầu đổi được hẳn 1 kg gạo trắng. Đồng bào sướng quá, làm theo. Ba năm sau, Đường Thương xanh mướt một màu cải dầu. Cứ như lời hứa, năm nào ông Dùng cũng cho đánh ô tô chở gạo lên cho đồng bào để đổi lấy hạt cải. Đồng bào ấm no. Ông tiến tới giải quyết "mấy thằng nghiện".

Ông Dùng làm cán bộ tỉnh, không có nhiều thời gian để "cai nghiện" trực tiếp cho họ mặc dù một tháng ông xuống xã ba lần; ông bèn đi tìm người tài có khả năng giúp mình. Có ông cán bộ người Mông ở Quản Bạ, am hiểu pháp luật lại có trình độ chính trị, nói được giọng dân bản xứ, ông Dùng tìm tới: "Chú về giúp tôi, tôi thuê chú tháng 500.000 đồng ngoài lương hưu". Ông cán bộ người Mông đồng ý. Ông Dùng kể: "Nói được bọn nghiện khó lắm. Đôi lúc tôi phải dọa, nếu không nghe tao bắt đi cải tạo" 

Ông tiếp tục làm dân vận theo cách này: Tách những hộ tiến bộ, bỏ được thuốc phiện ra họp hành, vận động riêng, để họ ủng hộ ông. Rồi Hội Phụ nữ ông cũng cho họp riêng. Với "bọn ngoan cố", ông tập trung lại tỉ tê riêng, "mua bánh, mời chúng uống rượu, nói cho chúng nghe". Một thời gian sau, Đường Thương hết nghiện. Thành công đến mức, tỉnh không tin, phải xuống xem tận nơi, mà xuống được xã phải xẻ núi, làm hẳn con đường mới xe hơi mới vô được. Tận mắt nhìn thấy, tỉnh đưa Đường Thương thành "mô hình cai nghiện chuẩn".

Ông Dùng nói: "Mình là cán bộ do dân đào tạo, trưởng thành nhờ dân".

Có lần, hai vợ chồng ông đi Hà Nội xin "viện trợ" được 500.000 đồng mang lên Mèo Vạc cho đồng bào, họ dọn cơm rượu ra mời ông ăn. Ông nói: "Nếu mày lấy tiền xin được để nấu cơm cho ông ăn thì ông không ăn đâu". Họ bảo "không". Ông phải kiểm tra bằng cách kêu họ lấy tiền ra, đếm đủ trước mặt rồi ông mới ăn. 

"Thương hiệu  Sùng Đại Dùng"


Bà con dân tộc miền núi có được cuộc sống ấm no, nhiều người nhớ “ông bác Dùng” lắm 

Làm dân vận, ông Dùng còn nổi tiếng về việc đi xin được nhiều tiền hàng cứu trợ cho tỉnh và phát biểu nhiều câu hay, dân dễ hiểu, dễ làm; nhiều chuyện trở thành giai thoại.

Tỉnh Hà Tuyên tách, về Hà Giang nghèo làm việc, ông nói đùa: "Cái Ủy  ban Dân tộc miền núi chán lắm, phải đi u-oát lên Hà Nội họp". Thực tế lúc đó Hà Giang không có xe hơi, ông bàn với tài xế mình, "đi, lên Trung ương xin xe với bác". Lần đó, ông Dùng gặp ông Đỗ Mười, ôm chầm. Lúc ra, ông hồ hởi: "Được rồi cháu ạ, mấy ông cho cái Vôn-ga đen. Nó đi rửa rồi, mai đến lấy". Sớm mai ra, ông Dùng nhận xe, kêu đánh liền qua cơ quan Mặt trận Tổ quốc gửi vì sợ "mấy ổng đổi ý không cho nữa". 

Nhà văn Nguyễn Quang, Hội Nhà văn Hà Giang kể: Có lần ông ra Hà Nội xin gạo cứu trợ. Trung ương cho 100 tấn. Cho xong mà họ cứ thấy ông đứng cửa, lẩm nhẩm, tính toán. Hỏi, mời ông vô nhà ông đều không chịu, nói cứ để ông "tính toán" . Hóa ra, ông tính xem để thồ 100 tấn gạo về Hà Giang thì phải dùng bao nhiêu con ngựa, đi hết bao nhiêu ngày đường. Ông nói: "Cho gạo mà không cho xe thì tôi vận động đồng bào dắt ngựa xuống thồ về. 100 tấn gạo về đến Hà Giang mất một tuần, cần đàn ngựa 2.000 con. Thồ về đến nơi thì ngựa và người đã ăn hết gạo rồi". Trung ương cười, nói ông an tâm, cho gạo phải cho xe chở về chứ. Lúc đó ông Dùng mới vui.

Có lần đi nói chuyện với một trường dân tộc nội trú bị "mất đoàn kết" vì nấu ăn riêng, ở riêng theo phong tục cũ, ông Dùng khuyên: "Phải nấu cùng một bếp, ăn chung một bàn, như hai con lợn ăn chung một máng". Học sinh dân tộc hiểu ngay và liên tưởng đến hình ảnh họ hay bắt gặp ở bản, đó là đàn lợn ăn chung, bèn cười ồ lên và làm theo. Lần khác, chi hội phụ nữ hoạt động không hiệu quả, khẩu hiệu hô nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu, ông Dùng đến họp, ví von cho họ hiểu mình đang làm việc theo kiểu: "Chúng ta phải tiến lên, tiến lên như xe đang tụt dốc". Rồi có lần đi tặng quà cho một trường học, quà là cái phích nước, ông giơ lên giữa hội nghị: "Mong tình cảm chúng ta lúc nào cũng nóng như cái phích này". Với anh em báo chí dưới xuôi lên, bạn văn nghệ sĩä Hà Giang vẫn tự hào là Hà Giang mình có ông già Dùng như thế. Sùng Đại Dùng đã là một thương hiệu. Nhà báo Trần Bé, Báo Hà Giang kể: "Cuối đời, về hưu ông mới mua cho mình được cái xe máy, gặp ai là khoe, sướng như thể mình mua được cái xe con vậy!".

Bà Thức, vợ ông kể, sau nhiều lần viết đơn, ông mới được mua thanh lý lại một gian nhà. Ông bà phải phá đá núi mới làm thêm được gian nữa. Thế mà từ khi ông hưu, nhiều lúc đồng bào ở Mèo Vạc, Đồng Văn, thậm chí bên Na Hang, Đạo Viện bên Tuyên Quang vẫn xuống thăm ông, nhờ ông bày cho nhiều chuyện. Khách ở kín nhà, nằm tràn xuống đất mà không đủ chỗ. Bà Thức đi chợ mua cả tạ gạo. Gạo trắng ăn với cải muối, sang thì mới có dĩa đậu phụ, thế là ăn tươi lắm rồi. Mỗi lần như thế, ông cứ động viên bà: "Cứ nấu cho nó ăn, nó từ xa đến".

Hà Giang hôm đó trời không lạnh nhưng âm u. Vách tường nhà bà Thức hoen ố nhiều bởi mưa dầm nhưng chưa đủ tiền sửa. Ông Dùng bước ra sân chỉnh lại lá cờ đỏ sao vàng treo trước cửa. Hôm đó là ngày kỷ niệm Mặt trận dân tộc thống nhất.

 Ký sự nhân vật của Thiếu Gia 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.