Nguyễn Thị Minh Ngọc: Chờ duyên, duyên đã đến

09/12/2004 09:02 GMT+7

Có khi người ta gọi chị là Ngọc "khùng" vì chị dám làm những điều đáng ra không nên với nhiều người, dám sống cuộc sống của chính mình, yêu như "điên" với tình yêu bắt gặp, yêu dại khờ, yêu thủy chung... và mặt đối mặt với cuộc sống; đó chính là Nguyễn Thị Minh Ngọc, cái tên rất quen thuộc trong giới sân khấu, trên văn đàn.

Viết văn...

Chị viết văn, vì "tất nhiên" phải viết, vì chị là người văn. Trong văn, chị "đốt" mình vào đó, tự sự chính cuộc đời mình qua những trang viết. Văn và nhân vật của chị cũng truân chuyên như chị. Viết văn, là niềm yêu thích của cô nữ sinh ngày nào, các bài viết đăng trên báo, truyện ngắn với bút danh Ngọc Minh từ thập niên 60 đã vận chị vào văn, tuổi 15 với truyện ngắn Trái khổ qua đăng trên tạp chí Văn đã xuất hiện một Minh Ngọc đầy bứt phá với vẻ riêng của mình. Với Minh Ngọc, dù hoạt động rất sôi nổi ở sân khấu kịch nhưng viết văn vẫn là việc luôn ưu tiên vì khi viết văn "mình mới thực sự là mình, sống cho mình. Văn là nhịp cầu thông thương, cám ơn lắm những cốt truyện và tôi mong rằng qua tác phẩm sẽ nói giùm những người không nói được" - Minh Ngọc thổ lộ.

Các tập truyện của chị đã xuất bản: Ngọn nến bên kia gươm, Một mình bước tới, Cạn duyên, Người mẫu, Trinh tiên, Năm đêm với bé Su, Vì sao con ra đời, Đồng sàng... và tập truyện ngắn Chờ duyên xuất bản năm 2004. Chị đang ấp ủ các cuốn tiểu thuyết Người đàn ông thất lạc, Tôi chối từ tôi... (đã viết được ba chương giờ phải gác lại chờ khi có thời gian). Chị luôn cám ơn cha chị - một người yêu sách, đi đến đâu, lưu lạc đến tỉnh nào thì gia tài vẫn chỉ là sách, sách qua những con chữ đã thấm vào chị để giờ đây chị cứ phải khoắc khoải với nghiệp văn chương.

Với điện ảnh...

Khởi duyên với một số kịch bản phim tài liệu Thời gian và vĩnh cửu, Thành Tôn người nghệ sĩ ... và bén duyên với điện ảnh qua Hải Nguyệt - bộ phim truyện nhựa của đạo diễn Trần Mỹ Hà, từ đó đến nay, chị vẫn là người ghé qua điện ảnh như là một cuộc lãng du trong nghiệp viết của mình. Với chị, điện ảnh là một thế giới đầy ma lực, thật hấp dẫn nhưng để có được sự cộng hưởng thì phải nhờ đến sự... rủ rê của bạn bè. Minh Ngọc nói với tôi: "Với điện ảnh, mọi người vẫn xem chị là người ngoại đạo, nhưng rồi chị đã viết và đang viết thêm vài kịch bản để cùng làm với những người bạn điện ảnh của mình. Chị rất muốn dành thì giờ cho điện ảnh nhưng sân khấu lại níu kéo...". Tôi vẫn thường thấy chị trong rạp chiếu phim với tư cách khán giả, dù bất cứ phim gì, tài liệu, phim

Xem ra, cái sự "khùng" của chị cũng có ích cho đời, mỗi năm chị có đến vài vở diễn gây chấn động sân khấu bởi những ý tưởng dàn dựng mới mẻ, đôi ba vở kịch mang lại doanh thu cho sân khấu, một vài truyện ngắn được chọn đăng trong Tuyển tập truyện ngắn hay, những lần xuất ngoại để giới thiệu sân khấu Việt Nam với thế giới.

Minh Ngọc trên sàn diễn của
Đại học UIC (Mỹ)

truyện... nếu đúng ngày rảnh rang với sân khấu, chị dẹp viết và đi xem phim. Chị có niềm tin gì với điện ảnh? "Tôi tiếc cho điện ảnh đã mất khá nhiều thời gian, nhưng tôi tin rằng Việt Nam rồi sẽ có những kịch bản mang một màu sắc trẻ, mới, sáng tạo. Tôi vẫn đợi chờ một tác phẩm mang đúng ý nghĩa của bốn chữ điện ảnh Việt Nam".

Đến sân khấu

Chị như "khùng", chị vật lộn cả tinh thần lẫn thời gian, thân thể của chị như nhấn chìm với nó. Gặp chị trên sân khấu rạp Công Nhân, giọng chị hào sảng, rõ ràng khi chỉ bảo các học trò của mình diễn xuất nhưng nhìn trong cặp mắt chị tôi bắt gặp một ánh mắt dại đi..., có lẽ vì mắt chị buồn, buồn vì cuộc đời chị truân chuyên, tâm hồn chị như mây bềnh bồng, như sương khói lặng lờ hay vì đêm qua chị thức với những trang viết của mình, viết ra những nếm trải cay - đắng - ngọt - bùi. Người đàn bà đa đoan này vẫn thường bị bạn bè trêu chọc rằng chị là người của giờ thứ 25, người của sự bận rộn...

* Viết văn, viết kịch, dựng vở, đóng phim, đóng kịch và là một cô giáo của bao thế hệ học trò, ngần ấy công việc với một người phụ nữ thật là khó khăn?

- Có một lần, tôi là nạn nhân của sự thất hứa và điều đó đã làm tôi đau khổ vô cùng. Vì thế, tôi không bao giờ thất hứa với ai khi đã nhận lời, nhận lời quá nhiều cũng vì tính tôi luôn cả nể, đã nhận thì làm cho trọn. Mỗi đêm, tôi ngủ hai ba tiếng dù tôi rất mệt, tôi sợ nằm rồi sẽ ngủ, ngủ thì ai trả nợ những trang viết mà tôi đã hứa. Có lúc mệt quá, tôi cũng tự hỏi rằng: ai, có ai bắt mình phải làm như thế đâu. Mẹ tôi lo cho sức khỏe của tôi, và tôi tự nhủ rằng phải gắng sức. Mỗi lần được xa Sài Gòn một ngày là tôi mừng lắm, dù trong những ngày xa Sài Gòn tôi vẫn làm việc nhưng không có cảm giác rằng mình mắc nợ ai cả.

* Trong tác phẩm mới nhất, Giữa hai bờ sương khói, chị viết một câu chuyện xuất phát từ suy nghĩ tại sao giới trẻ Việt Nam lại ít hiểu biết về sử nước nhà. Thông qua tác phẩm chị mong rằng giới trẻ biết đến sử Việt Nam, nhưng những vở kịch, các tác phẩm điện ảnh như thế còn quá ít...

- Chúng ta không thiếu những người viết sử, nhưng để những tác phẩm được dàn dựng đúng với chất sử của nó thì quả là còn phải trông đợi khi chúng ta không có nhiều tiền để làm. Tôi đang cùng với nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh viết kịch Khói sông Gianh để tưởng nhớ những hương hồn đã khuất.

* Chị đã đi nhiều nước, đem sân khấu Việt Nam đến với thế giới qua những chuyến lưu diễn và chị lại "dắt mối" sân khấu thế giới đến với Việt Nam. Thế nhưng, sân khấu của mình so với họ vẫn là một khoảng cách khá xa?

- Khoảng cách chỉ nằm trong phần dàn dựng, còn về câu chuyện mỗi nước đều có một văn hóa đặc thù riêng. Không như điện ảnh, kịch là tiếng nói của chính người xem nó vì thế chỉ chúng ta xem thì mới có thể cảm nhận sâu sắc được vấn đề của mình.

Và Ngọc diễn

Xem Ngọc diễn, nhiều người cứ ngỡ rằng nhân vật đó chính là số phận, cuộc đời của Ngọc. Chị đã gửi vào đó tất cả nội tâm của mình. Chị bảo "được diễn đối với tôi như là một sự giải thoát, giải thoát chính mình và khi nhìn khán giả bên dưới... tôi khóc, khóc cho nhân vật mình, cho số phần của tôi và tôi tự hỏi tôi đang làm gì đây, xẻ tấm thân này để người ta mua vé vào xem". Thật ngậm ngùi...

Sự gắng sức của chị đã mang đến cho sân khấu một số lượng tác phẩm đáng kể, trên dưới 100 vở kịch, cải lương được chị viết và dàn dựng với nét độc đáo riêng, một lối đi mới vừa được khai phá qua những tác phẩm Người hảo tâm thành Tứ Xuyên, Người đàn bà thất lạc... trong đó không ít tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng, huy chương. Trong năm 2004, trên các sân khấu TP.HCM chị là tác giả của các vở diễn Hãy khóc đi em, Vàng hay bạc nhái, Hãy yêu nhau đi, Sắc xuân gửi lại, Giữa hai bờ sương khói (Huy chương vàng Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2004)... Chị cho rằng những thành công của mình được là nhờ tổ nghiệp, tổ đãi. Sau những chuỗi ngày lận đận với tình duyên, trong những ngày này dù muộn màng nhưng Minh Ngọc đang rất hạnh phúc khi ngồi tẩn mẩn xếp những cánh thiệp cưới để cùng "người duyên" đến được bến bờ vào tháng 1/2005. Chị bảo rằng "Lấy chồng vì yêu, và cũng là dịp để "tị nạn" công việc". Dù có muộn màng, nhưng mong rằng với chị hạnh phúc sẽ không còn vời xa.

Trâm Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.