Chúng ta chỉ mạnh về ý tưởng

23/11/2008 22:22 GMT+7

Từ 5 giờ chiều đến 11 giờ (giờ địa phương) ngày 24.11, tại New York diễn ra Gala trao giải Emmy quốc tế - sự kiện lớn nhất của truyền hình thế giới. Quyền trưởng ban VTV6 (Đài truyền hình VN) Tạ Bích Loan được mời chấm vòng Final hạng mục Chương trình giải trí không có kịch bản chi tiết (gồm game show, talk show, reality show), để xác định những tác phẩm được đề cử trao giải.

Có tất cả 9 hạng mục chính trong giải Emmy truyền hình quốc tế, gồm: Chương trình nghệ thuật, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Chương trình trẻ em và thanh niên, Hài, Tài liệu, Phim truyện nhiều tập, Chương trình giải trí không có kịch bản chi tiết, Phim truyền hình/seri phim ngắn. Băng đĩa tham dự được gửi cho giám khảo các nước, họ sẽ cho điểm rồi gửi nhận xét và bảng điểm của mình cho Ban tổ chức.

* Xin cho biết, chị đã chấm điểm theo tiêu chí nào?

- Theo đúng 2 tiêu chí mà Ban tổ chức quy định: Ý tưởng sáng tạo (có độc đáo và giàu trí tưởng tượng không, mục đích của chương trình có rõ ràng và dễ hiểu không, có lôi cuốn được sự chú ý không) và cách thể hiện (năng lực sản xuất: kịch bản, đạo diễn, quay phim, trang phục, biên tập...) có chuyển tải được ý tưởng chương trình đến người xem một cách hiệu quả không.

* Tác phẩm nào khiến chị đặc biệt ấn tượng?

- Hầu hết tác phẩm vào đến vòng Final đều rất hay, có tính sáng tạo cao. Caiga Quien Caiga (Argentina) là chương trình tin tức được thể hiện vô cùng sôi động, hài hước, hấp dẫn. Đặc biệt, tôi đã cho chương trình của The Big Donor show (Đài PBO - Hà Lan) số điểm cao nhất. Đó là "cuộc chiến" giữa 3 bệnh nhân trẻ để giành quả thận của Lisa - một cô gái bị bệnh não, biết mình không còn sống bao lâu đã quyết định tặng thận cho người "xứng đáng". 3 bệnh nhân thận sẽ nói về cuộc sống, gia đình, bạn bè mình, cố thuyết phục Lisa rằng "tôi là người duy nhất xứng đáng". Khán giả ở nhà có thể tư vấn cho Lisa qua tin nhắn...

* Đưa những người đang cận kề cái chết vào một cuộc tranh giành, ý tưởng này có vẻ "tàn nhẫn" quá?

- Giữa ranh giới sự sống và cái chết, con người bộc lộ mình đầy đủ nhất. Giữa chương trình có một đoạn phỏng vấn 3 người chơi, rằng nếu là người được cho thận, bạn có nhường cho người khác không. Một người kiên quyết nói không, một người không trả lời, một người bảo: "Thế nào cũng được".

 
Chị Tạ Bích Loan - Ảnh: Nghĩa Phạm
Mới xem thì có vẻ "tàn nhẫn", nhưng đó là một chương trình hết sức nhân bản, kêu gọi mọi người thấu hiểu và giúp đỡ các bệnh nhân thận đang xếp hàng ngày càng đông chờ được cho thận, đầy kịch tính, nghẹt thở, và đầy nước mắt. Nó khiến người ta hiểu rằng, mỗi giây phút của cuộc sống đều đáng quý và chúng ta sẽ phải sống cho xứng đáng.

Hầu hết chương trình vào đến vòng này đều có tính nhân bản và tính giáo dục rất cao. Như Yêu từ cái nhìn thứ hai (Đài SBS - Hà Lan) mở ra cho người xem thế giới tâm hồn của người khuyết tật - những người khó có cơ hội được "yêu từ cái nhìn thứ nhất". Trong tình yêu, họ đầy tự trọng, có thể vì họ luôn phải cân nhắc rất nhiều điều. Những hạn chế về thể chất làm họ đôi khi phải kỹ lưỡng hơn, nhưng không hề làm họ bị hạn chế về giấc mơ và sự lãng mạn.

* Có tác phẩm nào khiến chị tặc lưỡi "ồ, cũng bình thường thôi" không?

- Có đấy. Đó là game show Power of 10 của Columbia. Nó na ná như Chung sức ở ta.

* Sau khi chấm giải, chị suy nghĩ gì về trình độ làm truyền hình ở ta so với thế giới?

- Chúng ta có nhiều ý tưởng sáng tạo. Lúc xem chương trình Thủ tướng tương lai của Canada, tôi cứ tiếc mãi. Trước đây VTV6 cũng đã có ý tưởng làm chương trình Nếu tôi là thủ tướng, nhưng cứ lần lữa mãi rồi... thôi. Cái hay ở chương trình của Canada là họ mời 4 cựu thủ tướng đặt câu hỏi với người chơi, điều này chúng tôi chưa nghĩ tới.

* Chỉ mạnh về ý tưởng thì hẳn là chưa đủ?

- Đúng vậy. Tính chuyên nghiệp trong sản xuất chương trình của chúng ta quá yếu, trong khi khâu này chiếm 50% điểm. Bởi vậy, nếu dự thi các giải truyền hình quốc tế (mà chúng ta vốn rất ít  tham dự) có lẽ cũng chỉ ở những giải nào chú trọng phần ý tưởng.

* Xin cám ơn chị.

Emmy quốc tế là giải thưởng hằng năm của Mỹ do Viện Hàn lâm Quốc tế Nghệ thuật và Khoa học Truyền hình giới thiệu. Viện thành lập năm 1959, với sự tham gia của thành viên từ gần 70 nước và hơn 400 công ty, đại diện cho những công ty sản xuất - phát hành và truyền thông lớn nhất thế giới. Giải Emmy quốc tế nhằm phát hiện những chương trình truyền hình xuất sắc, tôn vinh kỹ năng đặc biệt và những sáng tạo độc đáo của những cá nhân và công ty sản xuất các chương trình truyền hình ở ngoài nước Mỹ.

Phạm Thu Nga (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.