Anh văn chuyên ngành không đơn thuần là ngoại ngữ

10/10/2006 22:01 GMT+7

“Việc giảng dạy Anh văn chuyên ngành (AVCN) chưa thực sự được chú trọng nếu không muốn nói là bị bỏ lửng, phương pháp giảng dạy của giáo viên thì... nhàm chán”.

Đó là "lời phán xét" khá thẳng thắn của phần đông SV trong cuộc điều tra gần đây từ nhóm sinh viên (SV) ngành Công nghệ cắt may của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Người học: có gì học đó

“AVCN với dân "ai ti" (IT) bọn mình cực kỳ quan trọng, vì toàn bộ hệ thống máy móc, các chương trình học, thậm chí nhiều chuyên đề như: Chương trình dịch, Mã hóa dữ liệu, Phân tích thiết kế thuật toán, đồ họa máy tính... rất khan hiếm tài liệu tiếng Việt, nên nếu không muốn phải ngồi chơi xơi nước thì chỉ còn cách lo mà học Anh văn cho sớm", Lại Văn Kiên - một SV khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Giao thông vận tải (HN) tâm sự. Không khác mấy, là "dân kỹ thuật" thường xuyên phải "vật lộn" trực tiếp với máy móc nơi phân xưởng, Nguyễn Hữu Hoàng Lâm - cựu SV khoa Kỹ thuật điện - điện tử, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng phải công nhận tầm quan trọng cực kỳ của môn AVCN bởi "nếu không giải mã được những thông số bằng tiếng Anh trên máy thì chỉ còn cách bó tay".

 Trong khi đó, ở chương trình AVCN của khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với 8 bài trong quyển English For Linguistics and Literature, tập 2, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM, các SV chuyên ngành Ngôn ngữ học phải bùi ngùi cảm thụ chung văn học Anh với SV văn khoa trong những bài đầu, phần còn lại giáo viên đành tự động cắt giảm chương trình do "kiến thức ngôn ngữ học quá trừu tượng".

Giáo viên dạy AVCN chủ yếu dựa vào giáo trình, nhưng giáo trình lại đến từ nhiều nguồn khác nhau: sản phẩm "tự tạo" của trường, kết quả nghiệm thu được nâng cấp lên từ công trình nghiên cứu khoa học của SV, nhưng chủ yếu là các tài liệu phát tay. Nhìn xấp tài liệu rời rạc không rõ xuất xứ mới thực sự thấu hiểu lời khẩn cầu thiết tha của không ít SV ngành công nghệ cắt may: "cần có tài liệu chuẩn và sát thực tế hơn, chúng em học chuyên ngành may nhưng kiến thức lại nghiêng nhiều về dệt".

Giáo viên chuyên ngữ hay chuyên ngành?

“Thực sự dạy AVCN áp lực lắm. Từ khi biết mình được giao lớp là ăn ngủ không yên, phải tìm đọc thêm nhiều tài liệu bằng tiếng Việt, chạy đôn chạy đáo đi hỏi các chuyên gia trong ngành để cố gắng tạo được bài giảng "giống" chuyên ngành nhất. Từ điển AVCN là vật dụng tất yếu, nhưng không phải cứ đọc là hiểu, nhiều thuật ngữ quá chuyên sâu như "âm vị", "hình vị", "tuyến tính"... của chuyên ngành ngôn ngữ học, hay các từ chỉ thiết bị của ngành Thư viện thông tin mà không có hình ảnh minh họa thì chỉ hiểu lờ mờ thôi. Đã vậy mà mỗi năm lại được phân dạy một chuyên ngành khác nhau nên kinh nghiệm tích cóp... không kịp" - cô D.T. một giảng viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM bộc bạch.

Kể cũng dễ hiểu, bởi hầu hết giáo viên dạy AVCN đều là những giáo viên chuyên ngữ - đơn thuần dạy tiếng Anh. Vốn từ vựng tiếng Anh chuyên ngành nói theo thuật ngữ khoa học là những từ ngữ thuộc về lớp từ vựng nghề nghiệp, tức sẽ không thể hiểu rõ ngọn ngành, thậm chí chỉ là biết đến nếu không phải người trong ngành. Về vấn đề này, ông Thân Trọng Minh - trưởng ban tiếng Anh về đào tạo giảng viên của Trung tâm Đào tạo Khu vực SEAMEO Việt Nam cho rằng: "AVCN thực sự không đơn thuần là môn ngoại ngữ, bởi ngoài kỹ năng sư phạm, khả năng ngoại ngữ là tiếng Anh, thì giáo viên rất cần có kiến thức về chuyên ngành. Mục tiêu chính của dạy và học AVCN vẫn là khả năng ngoại ngữ, nhưng để đạt được hiệu quả đó thì rất cần ở người dạy những hiểu biết về chuyên ngành. Vì vậy thay vì sử dụng giáo viên chuyên ngữ như hiện nay thì nên chăng là tận dụng và chọn lọc những giáo viên chuyên ngành có trình độ ngoại ngữ và một số các kỹ năng ngôn ngữ nhất định để tham gia giảng dạy AVCN".

Thiết nghĩ ngoài giải pháp trên, tại sao không mời thêm các chuyên gia đang làm việc ở các công ty nước ngoài, trong đúng lĩnh vực đó về dạy cho sinh viên năm cuối. Đội ngũ này vừa có khả năng ngoại ngữ lại đang sử dụng anh ngữ theo đúng chuyên ngành đó hằng ngày?

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.