Nhiều ‘ông lớn’ nhà nước thua lỗ, mất vốn

25/07/2013 12:13 GMT+7

(TNO) Hiệu quả đầu tư dài hạn thấp, mất vốn, đầu tư chứng khoán đều thua lỗ là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp nhà nước được công bố tại buổi họp báo kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011 sáng 25.7.

>> Nợ công với gánh nặng doanh nghiệp nhà nước
>> Không "nuông chiều" doanh nghiệp Nhà nước
>> 10 năm chưa kiểm kê tài sản tại doanh nghiệp nhà nước

Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước (KTNN), tổng đầu tư tài chính của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) được kiểm toán đến hết năm 2011 là 25.750 tỉ đồng, trong đó đầu tư dài hạn chủ yếu tập trung vào công ty con, công ty liên kết.

Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của một số đơn vị thấp, nhiều công ty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn, đặc biệt các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ. Cụ thể như TCT Xây lắp dầu khí (PVC) lỗ 85,8 tỉ đồng do đầu tư vào công ty liên kết PVC - SG, PVC Land lỗ 66,4 tỉ đồng; Vinaconex: 3 công ty con do Công ty Xuân Mai góp vốn thua lỗ 78,5 tỉ đồng.

Vinafood 2 đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, vận tải biển không hiệu quả… Vinafood 2 đầu tư chứng khoán của Công ty CP Vận tải biển VN 59,5 tỉ đồng, phải trích lập dự phòng 47,7 tỉ đồng và mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (VCB) 52,57 tỉ đồng nhưng giá niêm yết chỉ còn 16,64 tỉ đồng.

Cũng theo KTNN, nguồn vốn chủ sở hữu của các TĐ, TCT là 65.241 tỉ đồng (chiếm 24,7% tổng nguồn vốn), nợ phải trả chiếm 69,94% tổng nguồn vốn cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Đáng chú ý trong số đó là TCT Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) nợ phải trả/tổng nguồn vốn lên tới 97,9%, Cienco 4 là 89,3%, Vinaconex (lãi tiền vay phải trả của các đơn vị được kiểm toán trong năm 2011 là 1.523 tỉ đồng, chiếm 47,5% vốn điều lệ), Vinafood 1 là 68%, PVC là 67%, Vinafood 2 là 65%...

Lương lãnh đạo cao bất hợp lý

KTNN cho biết, việc phân phối quỹ tiền lương giữa các đơn vị trong TĐ, TCT và giữa các bộ phận trong đơn vị chưa tương xứng, bình quân thu nhập các chức danh quả lý thuộc khối văn phòng cao hơn nhiều so với các đơn vị thành viên.

Cụ thể, Vinafood 1 thu nhập bình quân lãnh đạo TCT năm 2011 là 56,5 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng TCT là 28,4 triệu đồng/người/tháng. Trong khi công ty thành viên như Công ty CP xây dựng và chế biến lương thực Vĩnh Hà có thu nhập cao nhất là 6,5 triệu đồng/người/tháng. Vinafood 2 lãnh đạo là 79,7 triệu đồng/người/tháng, khối văn phòng là 32,9 triệu đồng/người/tháng, trong khi Công ty lương thực Đồng Tháp có thu nhập cao nhất trong các đơn vị thành viên là 11,1 triệu đồng/người/tháng. Cienco 4 hội đồng thành viên và các phó tổng giám đốc là 39,9 triệu đồng/người, nhưng người lao động chỉ 5,49 triệu đồng/người.

Đáng chú ý, Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) lỗ 1.671 tỉ đồng, nhưng đơn giá tiền lương vẫn cao. Theo lý giải của đại diện KTNN, tuy lỗ nhưng do năm 2011 Petrolimex thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá nên theo thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB-XH vẫn được áp dụng đơn giá tiền lương theo quy định.

Theo KTNN, nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa tuân thủ đầy đủ quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu, như Petrolimex áp dụng tỷ giá VCB để tính giá cơ sở, mà không sử dụng tỷ giá bình quân của các ngân hàng thương mại theo quy định của NĐ 84. Saigon Petro xây dựng mức thù lao cho đại lý, tổng đại lý không có cơ sở, chênh lệch lớn giữa các giai đoạn, khách hàng.

Đặc biệt, chính sách điều hành giá bán xăng dầu, sử dụng quỹ bình ổn còn bất cập, như lỗ vẫn phải trích lập, nhiều thời điểm quỹ không còn số dư vẫn phải sử dụng quỹ…

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.