Tìm kiếm những gương mặt mới

20/11/2006 22:31 GMT+7

Các cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh luôn gây sự chú ý của đông đảo khán giả hâm mộ lẫn những bạn trẻ mong muốn trở thành ngôi sao điện ảnh. Nhưng từ việc đoạt giải đến việc thành "sao" lại là một quá trình dài, đòi hỏi nhiều điều kiện chủ quan và khách quan.

Mải miết đi tìm, rồi... để đó!

Cùng với việc nâng cao số lượng giờ phim Việt trên truyền hình, nguồn diễn viên sẽ ngày càng khan hiếm. Khán giả tất yếu sẽ phải xem các diễn viên quen thuộc "đụng độ" nhau trên các phim. Chính vì thế, những cuộc thi tuyển diễn viên triển vọng thực sự cần thiết trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, khi nhìn lại các cuộc thi này trong thời gian vừa qua, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng mang tính phong trào là chính, chứ yếu tố chuyên môn chưa được đặt lên hàng đầu. Tác dụng rõ nhất của các cuộc thi này là cổ động sự quan tâm và say mê của giới trẻ với điện ảnh cũng như sự quan tâm của công chúng với diễn viên.

Mục tiêu quan trọng nhất của các cuộc thi này phải là phát hiện ra các gương mặt mới và làm thế nào để biến các gương mặt triển vọng đó thành những tài năng thực sự. Vế thứ nhất của yêu cầu này có thể đã được đáp ứng như vế thứ hai thì chưa. Hầu hết các thí sinh đoạt giải đều sau đó đường họ họ đi, kết quả cuộc thi bỏ lại... Dĩ nhiên, họ cũng được tạo điều kiện tham gia diễn xuất, cũng có những người thành danh nhưng phần lớn phải "tự thân vận động" và nỗ lực trau dồi kiến thức, phát huy khả năng của mình hơn là được hỗ trợ đào tạo. Theo đạo diễn Lê Bảo Trung: "Vấn đề là phải tính đến đường dài. Họ cần phải được đào tạo và tạo điều kiện tốt nhất để tiếp xúc nhiều với việc đóng phim thì mới có thể phát triển được. Không thể đòi hỏi họ diễn xuất tốt ngay vai diễn đầu tiên. Nhưng nếu bản thân họ chịu khó và họ nhận được sự hỗ trợ làm nghề thì tôi tin chúng ta sẽ không bỏ sót một nguồn nhân lực đáng quý như vậy".

Quốc Thái (trái) trưởng thành hơn sau nhiều nỗ lực

Khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề nguồn diễn viên, rất nhiều đạo diễn bày tỏ mong muốn sẽ có thêm diễn viên mới xuất hiện thông qua các cuộc thi tuyển diễn viên triển vọng. Bản chất của điện ảnh là sự mới mẻ và khán giả sẽ nhàm chán nếu chỉ quanh đi quẩn lại bấy nhiêu gương mặt "nhàu nát", "cũ xì" màn ảnh. Họ cũng bày tỏ mong muốn những cơ quan đơn vị hữu trách sẽ tạo điều kiện để các thí sinh có thể học tập thêm về chuyên môn.

Ngôi sao ngày mai sẽ được đào tạo

Năm nay, cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh và truyền hình Ngôi sao ngày mai do Hội Điện ảnh TP.HCM tổ chức với hơn 200 thí sinh tham dự,  được tiến hành 3 vòng. Vòng sơ khảo từ ngày 21 đến 22/11/2006, vòng bán kết ngày 29 và 30/11/2006, vòng chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào 16/12/2006. Các thí sinh trả lời những câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức điện ảnh, biểu diễn một tiểu phẩm tự biên dài 5 phút. Đặc biệt, cuộc thi năm nay không có "màn" biểu diễn áo tắm vì "ban tổ chức đặc biệt nhấn mạnh đến khả năng diễn xuất của diễn viên hơn là hình thức đơn thuần".

Trao đổi với chúng tôi, ông Quyền Linh, Phó ban tổ chức cuộc thi cho biết: "Điểm khác biệt lớn nhất của cuộc thi năm nay so với các năm trước là chúng tôi chú ý đến các vấn đề "hậu" thi tuyển. Sau khi chọn được các thí sinh có tiềm năng, chúng tôi sẽ gửi các bạn vào đào tạo tại trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh hoặc tổ chức riêng một lớp học, mời các thầy cô về giảng dạy kỹ năng diễn xuất và các vấn đề khác. Với nét mới này, chúng tôi mong mỏi cuộc thi sẽ có chất lượng thực sự và cung cấp thêm diễn viên cho nền điện ảnh nước nhà". Nếu điều này được thực hiện tốt thì vấn đề mà giới chuyên môn lo ngại về tính phong trào của cuộc thi đã được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn lại một điều đáng quan tâm là đầu ra của lớp học "đặc biệt" này. Đạo diễn Lê Bảo Trung gợi ý: "Nên chăng, Hội Điện ảnh TP.HCM mà cụ thể là ban tổ chức lớp học cần có sự liên kết với các hãng sản xuất phim nhà nước lẫn tư nhân... để có kế hoạch bảo lưu và sử dụng nguồn nhân lực diễn viên này một cách hợp lý và tốt nhất".

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.