Cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác của nhân loại

30/11/2005 23:16 GMT+7

Hãy đánh những cái chiêng kêu thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua sàn lan đi xa. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất! Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ, cho tất cả chỉ còn lắng nghe tiếng chiêng của Đam San!...".

Đó là một trong những đoạn mô tả tiếng cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên trong Sử thi Đam San. Vào những ngày này, âm thanh trầm bổng quyến rũ ấy đã đem lại cho người dân cao nguyên niềm tự hào lớn: Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vừa được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Như vậy, sau tròn một năm Cục Di sản văn hóa, Sở VH-TT các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) và Viện m nhạc lập hồ sơ để trình UNESCO xem xét công nhận, cồng chiêng Tây Nguyên đã vinh dự được đứng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Theo các nhà nghiên cứu, cồng chiêng có một lịch sử lâu đời trên đất nước Việt Nam. Giáo sư tiến sĩ Tô Ngọc Thanh, Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, nếu ở các dân tộc Việt, Thái, Tày, Khơ Mú cồng chiêng mới chỉ được dùng như các nhạc cụ nhịp điệu thì ở dân tộc Mường và các dân tộc Tây Nguyên cồng chiêng được tổ chức thành dàn nhạc, diễn tấu những bản nhạc đa âm với các hình thức hòa điệu khác nhau. Đây chính là giá trị quý báu của nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng.


Cồng chiêng dân tộc Gia Rai trong ngày hội (ảnh: Phạm Huỳnh)

Giáo sư Thanh khẳng định: "Hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất ở vùng Tây Nguyên Việt Nam có lối chơi cồng chiêng mang tính dân chủ cộng đồng rất cao. Ở các nước Đông Nam Á khác, cồng chiêng đều kết thành dàn, trở thành một loại nhạc cụ trong dàn nhạc và do một nghệ sĩ diễn tấu. Riêng ở Tây Nguyên cách diễn tấu cồng chiêng vẫn giữ được nét riêng biệt, tạo nên hàng âm thanh độc đáo. Mỗi người chỉ đánh một cái chiêng, nhiều người mới tạo thành một bản nhạc với tất cả các tiết tấu, hòa thanh phong phú". Theo giáo sư Thanh, thế giới công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản còn do đây là tài sản của cả cộng đồng, thuộc sở hữu toàn dân chứ không phải của một cá nhân hay một nhóm tập thể nhỏ nào.

Cuối năm ngoái, một hội thảo về giá trị văn hóa của các nhạc cụ gõ bằng đồng do Viện Văn hóa - Thông tin tổ chức đã đề xuất ý tưởng phục hồi các xưởng chế tác cồng chiêng ở Tây Nguyên nhằm góp phần bổ sung một lượng nhạc cụ gõ cho đồng bào, bù vào những gì đã mất và là cách tích cực để đẩy mạnh phong trào diễn xướng sử dụng cồng chiêng trong các dân tộc. Đây cũng là một nội dung trong chương trình hành động mang tên Phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng ở không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên từ 2005 đến 2009.

Hoàng Thu - Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.