50 năm - từ "Quán bên đường" trở về "Đắng và ngọt"

16/12/2009 22:59 GMT+7

Đầu tháng 12.2009, NXB Thanh Niên đã phát hành tập thơ Đắng và ngọt của nhà văn lão thành Trang Thế Hy dưới dạng song ngữ (phần tiếng Anh do Nguyễn Tiến Văn chuyển ngữ).

Thế là... gần 90 tuổi nhà văn Nam Bộ này mới có được tập thơ đầu tay, việc này ông cũng không chủ động mà do nhà thơ nữ hậu bối Ngô Thị Hạnh tự “làm cho chú”.

Trước khi tập thơ Đắng và ngọt của nhà văn Trang Thế Hy ra đời thì một nghi án văn học - nghệ thuật cũng đã “âm thầm tồn tại” nhiều năm trong giới văn nghệ miền Nam.

Số là khoảng thập niên 1960 (thế kỷ trước), nhạc sĩ Phạm Duy có một ca khúc phổ từ thơ khá nổi tiếng là bài Quán bên đường. Bài hát nhanh chóng phổ biến bởi có những ca từ rất lạ, rất bình dân:

“Ngày xưa... ngày xửa... ngày xưa. Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe màu tơ. Hai đứa mình còn trẻ thơ. Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ... Em cầm một củ khoai, ghé răng cạp vỏ rơi, xong rồi mình chia đôi. Khoai sùng này lượm mót, sao ngọt lại ngọt ghê!... Nhà em phải chăng là đây? Dè đâu chẳng may là quán. Em bẹo hình hài đem bán... Rồi em hỏi anh: làm chi? Cầm bút để viết ngày đêm, viết gì? Đời thối phải nói là thơm. Ngòi bút là chiếc cần câu nồi cơm. Em hỏi nghệ thuật là chi? Là đui, là điếc, là câm mà đi...”.

Truyện ngắn của ông từng xuất hiện trên tờ Nhân loại (bộ mới, Sài Gòn 1956 -1957). Ông viết ít nhưng văn phong súc tích, trầm lắng và lãng mạn: Nắng đẹp miền quê ngoại (1964), Anh Thơm râu rồng (Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam 1960 -1965), Mưa ấm (tập truyện ngắn 1981), Người yêu và mùa thu (1981), Vết thương thứ mười ba (tập truyện 1989), Tiếng khóc và tiếng hát (tặng thưởng của Hội Nhà văn VN 1994), Nợ nước mắt (tập truyện ngắn - tặng thưởng loại A của Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, 2001)...

Phần nhạc thì đã có tác giả rõ ràng nhưng tác giả của phần thơ lại ghi là “khuyết danh” (trong các tuyển tập nhạc Phạm Duy, in trên giấy rô-ki, trước năm 1975). Sau này, có nhiều người xì xầm rằng tác giả bài thơ là nhà văn Bình Nguyên Lộc, người khác bảo của Minh Phẩm, lại có nhiều ý kiến cho rằng của Trang Thế Hy.

Người viết nhớ có lần nhạc sĩ Phạm Duy đã nói là ông nhận được bài thơ có tựa là Cuộc đời từ nhà văn Bình Nguyên Lộc và đã phổ thành ca khúc Quán bên đường. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã mất tại Mỹ năm 1987, người có tên Minh Phẩm chẳng biết là ai, chỉ còn nhà văn Trang Thế Hy nay đã 86 tuổi (ông sinh năm 1924), đang sống ẩn dật ở quê nhà (xã Hữu Định, Châu Thành, Bến Tre)...

Trong “Lời cuối sách” của tập thơ Đắng và ngọt, Trang Thế Hy viết: “Nhan đề chung cho cuốn sách mỏng này do người biên tập chọn để tỏ lòng thiện cảm với cái nhan đề gốc của bài thơ Cuộc đời. Tháng 9.1959, người chủ biên tuần báo Vui sống (Sài Gòn), nhà văn Bình Nguyên Lộc, khi duyệt bài vở cho tờ báo số 9, đã góp ý với cộng tác viên Minh Phẩm - người nộp bài thơ Đắng và ngọt, rằng cái vị của cuộc đời này nó đa dạng và phức hợp lắm chứ không đơn giản như sự nhu hiền đồng thuận tạo hài hòa hay ngạo mạn đương đầu gây đối nghịch giữa hai cái vị đắng và vị ngọt”.

Vậy là đã rõ, Đắng và ngọt là của Trang Thế Hy trao cho Minh Phẩm để nộp bài cho tuần báo Vui sống. Chủ biên tờ báo là nhà văn Bình Nguyên Lộc khi duyệt bài đã sửa cái tựa thành Cuộc đời. Bài thơ được in báo năm 1959. Sang năm 1962, Trang Thế Hy bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam. Đến năm 1964 ông thoát ly vào vùng giải phóng. Cũng dễ hiểu tại sao nhạc sĩ Phạm Duy lại để tên tác giả thơ là “khuyết danh” bởi sự kiểm duyệt lúc đó rất gắt gao, muốn cho tác phẩm được phổ biến sâu rộng trong quần chúng nên dẫu cho nhạc sĩ có biết rõ tác giả thơ là Trang Thế Hy đi chăng nữa cũng không dám công khai tên tuổi của một người “phía bên kia”.

Nhà văn Trang Thế Hy chuyên viết truyện ngắn và ký. Về thơ, Trang Thế Hy làm rất ít, chỉ khoảng mười mấy, hai mươi bài. Tập thơ Đắng và ngọt tập hợp hầu như đầy đủ những bài thơ đó. Để có tập thơ mỏng này, đã có sự hỗ trợ tích cực của giới văn nghệ sĩ, nhất là nhà thơ nữ Ngô Thị Hạnh (sinh năm 1980) như là một sự đền đáp đối với thế hệ hậu bối cho những cống hiến lớn lao của các văn nghệ sĩ lão thành.

Đắng và ngọt


Thơ Trang Thế Hy

Ngày xưa hồi còn thơ/Một chiều nắng nhạt khoe màu tơ/Tôi cùng em hai đứa/Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa/Tóc em chừa bánh bèo/Môi chưa hồng, da mét (con nhà nghèo)/Đầu anh còn hớt trọc/Khét nắng hôi trâu, thèm đi học/Em cầm một củ khoai/Gọt vỏ bằng răng rồi chia hai/Thứ khoai sùng lượm mót/Mà sao nó ngọt ơi là ngọt!

Bây giờ giữa đường đời/Kỷ niệm ngày xưa xa mù khơi/Gặp nhau chiều mưa lạnh/Hai đứa đều sang trong bộ cánh/Dung nhan em còn tươi/Anh mừng tưởng đâu đời em vui/Nào hay đây là quán/Em bẹo hình hài rao lên bán/Giữa thời đông khách mua/Chợ thịt còn sung được nhiều mùa/Nghe nói anh cầm viết/Nghệ thuật là gì em muốn biết/Mùi tanh nói mùi thơm/Cây bút trong tay: cần câu cơm/Đó, em ơi!Nghệ thuật/Nhắm mắt, quay lưng chào sự thật/Rồi đôi ta nhìn nhau/Không ai đánh mà nghe lòng đau/Em mời anh bánh ngọt/Nhớ củ khoai sùng ngày xưa lượm mót/Đường bánh tươm vàng mơ/Như nắng chiều xưa khoe màu tơ/Mới cầm lên chưa cắn/Mà sao nó đắng ơi là đắng!/Xin anh một nụ cười/-Cười là sao nhỉ? Anh quên rồi /Xin em chút nước mắt/-Mạch lệ em từ lâu đã tắt. /Hỏi nhau: Buồn hay vui ?/-Biết đâu ! Ta cùng hỏi cuộc đời…

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.