Tai nạn giao thông từ người đi bộ... liều lĩnh

22/10/2006 22:23 GMT+7

60 trong số 718 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) 9 tháng đầu năm 2006 ở TP.HCM là do người đi bộ không đúng quy định. Một con số đáng để báo động về tình trạng người đi bộ tùy tiện băng qua đường.

Thói quen xấu

Khoảng 3 giờ ngày 21.9, nhiều người dân trên đường Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp chứng kiến một TNGT hết sức thương tâm. Xe tải mang biển số 57H - 5183 do tài xế Phạm Phú D. điều khiển từ hướng ngã sáu về Nguyễn Thái Sơn, khi đến trước số nhà 613 Nguyễn Kiệm, đã đụng vào bà Nguyễn Thị H. đang bồng cháu Nguyễn Tố N. băng qua đường. Hậu quả là cháu N. chết tại chỗ, bà H. bị thương rất nặng. Trước đó, khoảng 23 giờ ngày 20.9, trước nhà số 49 Trần Quang Diệu, P.13, Q.3, cũng xảy ra một vụ va chạm giữa xe mô tô và khách bộ hành Nguyễn Thị C. đang băng qua đường. Bà C. sau đó chết tại Bệnh viện 115 do chấn thương quá nặng... 

Theo Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, nguyên nhân cả 2 vụ TNGT trên đều do khách bộ hành qua đường không đúng quy định và đó cũng chỉ là 2 trong số 7 vụ TNGT có cùng nguyên nhân trong tháng 9.2006, làm chết 7 người và bị thương 1 người. Còn tính cả 9 tháng đầu năm 2006, đã xảy ra 73 vụ TNGT có nguyên do khách bộ hành qua đường không đúng quy định, làm chết 60 người và bị thương 29 người. "Trên tất cả các tuyến đường ở TP.HCM đều có vạch sơn dành cho người đi bộ qua đường, nhất là ở các giao lộ và trước những khu dân cư, khu sinh hoạt công cộng... Người đi bộ khi băng qua đường phải đi đúng những vạch sơn này mới được ưu tiên. Thế nhưng, trong thực tế hầu hết khách bộ hành lại có tâm lý "người đi xe phải nhường người đi bộ" nên tiện đâu họ qua đường ở đó" - một sĩ quan CSGT TP.HCM nhận xét.

Coi thường mạng sống của chính mình

Theo quy định hiện hành, người đi bộ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 - 20 ngàn đồng đối với một trong các hành vi: đi không đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường; phạt tiền từ 40-80 ngàn đồng đối với hành vi mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông, trèo qua dải phân cách, đi qua đường không đảm bảo an toàn...

Giải thích về việc lưu thông không đúng quy định, nhiều khách bộ hành cho rằng khoảng cách giữa những vạch sơn dành cho người đi bộ qua đường trên nhiều đoạn đường quá xa; lề đường bị người buôn bán lấn chiếm hết nên khách bộ hành phải đi xuống lòng đường... Đây là một thực tế ở TP.HCM và trách nhiệm thuộc về các lực lượng công an, giao thông, trật tự đô thị... Nhưng cũng có một thực tế khác là ý thức của người tham gia lưu thông rất kém.

Từ đầu năm 2003, để đảm bảo an toàn cho người đi bộ khi băng qua đường, TP.HCM đã chi cả chục tỉ đồng xây dựng 8 cầu vượt, hầm dành riêng cho người đi bộ trên những tuyến đường trọng yếu như: trước chợ Văn Thánh (đường Điện Biên Phủ); trước Bệnh viện Từ Dũ (Cống Quỳnh); trước Bệnh viện Ung bướu (Nơ Trang Long); trước Khu du lịch Suối Tiên (xa lộ Hà Nội)... cùng gần 20 chốt đèn tín hiệu ưu tiên cho người đi bộ. Thế nhưng, tiền tỉ bỏ ra mà hiệu quả rất kém. Tại cầu vượt trước cổng Bệnh viện Ung bướu, khoảng 1 tiếng đầu giờ buổi sáng 13.10, chúng tôi ghi nhận hơn 100 trường hợp khách bộ hành băng qua đường ngay dưới chân cầu vượt, trong đó có cả những nhân viên mặc đồng phục bệnh viện.

Phạt nghiêm

"Trên tuyến đường Trường Chinh, chúng tôi đang nghiên cứu, khảo sát để xây dựng ít nhất 3 cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ. Các tuyến đường Điện Biên Phủ, Hùng Vương, các tuyến quốc lộ có mật độ phương tiện cao, tốc độ lưu thông lớn và dân cư đông đúc... cũng sẽ xây dựng nhiều cầu vượt, hầm chui tương tự. Thành phố sẵn sàng đầu tư để đảm bảo an toàn cho khách bộ hành, nhưng thực tế cho thấy cần phải có những biện pháp hữu hiệu buộc khách bộ hành tuân thủ quy tắc an toàn khi tham gia lưu thông" - Phó phòng Quản lý giao thông Sở Giao thông - Công chính TP.HCM Đậu An Phúc cho biết.

Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất là tăng cường xử phạt khách bộ hành lưu thông không đúng quy định, mà trách nhiệm thuộc về CSGT, thì lâu nay chưa được chú trọng. Tuy nhiên, trước tình trạng hàng chục khách bộ hành chết vì TNGT trong 9 tháng đầu năm, thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM cho biết đã chỉ đạo CSGT phải xử phạt nghiêm cả những khách bộ hành lưu thông không đúng quy định.

Đ.T - Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.