Gánh nặng giáo trình, sách tham khảo của sinh viên

05/10/2005 22:14 GMT+7

Chưa hết niềm vui thi đậu ĐH - CĐ, tân sinh viên lại đối diện với nhiều nỗi lo: học phí, sinh hoạt phí, tiền thuê nhà..., trong đó khoản chi dành cho giáo trình, sách tham khảo cũng là một gánh nặng không nhỏ.

"Bài ca photo"

Thực tế mà sinh viên nào cũng biết, đó là khó có thể sở hữu những quyển giáo trình gốc. Ngọc Tr. (sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM) cho biết: chỉ có học kỳ đầu là cô mua được mấy quyển giáo trình gốc ngoài nhà sách, còn lại toàn dùng sách photo. Rất nhiều sinh viên khác cũng chọn cách photo giáo trình để tiết kiệm chi phí. Gần trường có một tiệm photo, chị chủ tiệm là cựu sinh viên của trường nên hầu hết giáo trình và tài liệu tham khảo của các năm đều có đủ, sinh viên tha hồ chọn lựa, không phải tốn công tìm kiếm đâu xa. Thu H. (sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) còn chăm chỉ lùng sục ở các hiệu sách cũ để kiếm sách tham khảo giá rẻ. H. kể, nhiều bạn trong lớp còn năn nỉ mấy anh chị sinh viên khóa trước nhượng lại sách với giá "hữu nghị" hay thậm chí gặp người tốt bụng thì được tặng luôn, đỡ tốn một khoản không nhỏ.

Đối với những sinh viên y khoa, kỹ thuật thì chi phí dành cho giáo trình, sách vở tương đối nặng. Một sinh viên ĐH Y-Dược TP.HCM nhẩm tính: Học kỳ đầu có trên dưới 10 môn, mỗi môn cần 1 quyển giáo trình chính và 2-3 quyển tham khảo. Trong đó, trung bình 30-40 ngàn đồng cho mỗi giáo trình, sách tham khảo tiếng Việt từ 40-80 ngàn đồng, tiếng Anh thì giá cao hơn. "Tính cả sách gốc lẫn sách photo là hơn cả triệu bạc. Một vài bạn khó khăn hơn thì đành phải xem ké trong thư viện hay mượn bạn bè photo lại...". Với dân công nghệ thông tin, còn một cách là tranh thủ lên mạng download tài liệu.

Với những giáo trình hiếm không thể tìm thấy bên ngoài hay quá đắt thì có thể hiểu được việc photo của sinh viên nhưng đối với những giáo trình quen thuộc, giá không đến nỗi nào mà sinh viên cũng phải sử dụng phương cách này, quả là điều đáng suy nghĩ. Đó là chưa kể với những tài liệu hay sách tham khảo có nguồn gốc nước ngoài, nếu tác giả biết được chuyện photo của sinh viên nhà ta thì sao, đặc biệt là khi Công ước Berne đã có hiệu lực?

Sách trợ giá cho sinh viên: Chưa thấm vào đâu

Một số trường đại học, cao đẳng đang nỗ lực tìm cách trợ giúp sinh viên khi tiếp cận với giá sách. Một phương thức được khá nhiều trường vận dụng là Đoàn trường hay Trung tâm hỗ trợ sinh viên liên kết với các nhà xuất bản lớn tổ chức những ngày hội sách giảm giá từ 10 - 40% cho sinh viên. Có trường còn lập Tủ sách Thanh niên, quyên góp giáo trình và sách từ sinh viên những năm trước để hỗ trợ cho tân sinh viên. Chẳng hạn các khoa thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đều đã lập tủ sách "Bạn giúp bạn" gần 3 năm qua. ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM thì bán giáo trình và sách tham khảo với giá ưu đãi cho sinh viên. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM hỗ trợ sinh viên bằng cách đầu tư chi phí cho các thầy cô biên soạn giáo trình, sách tham khảo; sinh viên chỉ đóng góp 25 ngàn đồng/học kỳ vào chi phí in ấn và bảo quản sách. 

Một điểm nhấn đáng ghi nhận là "Chương trình giáo trình" do ĐH Quốc gia TP.HCM liên kết với Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện nhằm hỗ trợ các trường thành viên trong việc biên soạn và in ấn giáo trình cho sinh viên. Từ năm 1998, ĐH Quốc gia TP.HCM đã hỗ trợ 50% kinh phí in ấn cho các trường thành viên và đến năm 2003 thì hỗ trợ thêm một phần chi phí cho việc biên soạn giáo trình. Như vậy, với những giáo trình đã được trợ giá thì giá chỉ bằng 2/3 giá gốc. Từ năm 2001 đến nay đã có khoảng 665 đầu sách và giáo trình được xuất bản với số lượng in lên đến hàng chục ngàn bản. Dự kiến trong năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ nâng số đầu sách và giáo trình trợ giá lên đến con số hơn 800. Không chỉ có sinh viên các trường thành viên mà một số trường khác cũng được hưởng lợi từ chương trình này. Tuy nhiên, nếu so với số lượng sinh viên thì những con số trên quả thật còn khá khiêm tốn.


Ảnh: N.Q

"Bên cạnh việc nâng thêm số đầu sách và giáo trình được trợ giá, một cách khác mà tôi nghĩ cũng khả thi là đẩy mạnh hơn nữa việc biên soạn giáo trình điện tử, đặc biệt là với các môn chuyên ngành để có thể phổ biến đến nhiều sinh viên trong tình hình giá giáo trình và sách gốc còn khá cao như hiện nay. Một hướng đi khác cũng nên xem xét là các trường đại học và cao đẳng có thể liên kết với nhau để cùng trao đổi hay sử dụng chung giáo trình nhằm tiết kiệm phần nào chi phí biên soạn. Trước mắt, ĐH Quốc gia TP.HCM đã ký thỏa thuận với ĐH Quốc gia Hà Nội để sử dụng chung giáo trình. Sắp tới, chúng tôi còn dự kiến sẽ đặt vấn đề mua giáo trình gốc từ nước ngoài để phục vụ cho sinh viên..." - Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

Vân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.