VN không vi phạm cam kết WTO

03/12/2010 23:51 GMT+7

Tại Diễn đàn DNVN 2010 (VBF) - cuộc đối thoại quan trọng thường niên giữa cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý trong nước hôm 2.12, một số ý kiến cho rằng Thông tư 122 về quản lý giá của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ 1.10) là vi phạm tinh thần và nội dung các cam kết WTO của VN.

Tại diễn đàn, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp châu u (Eurocham), đề nghị bãi bỏ Thông tư 122. Đại diện Nhóm công tác và phân phối (VBF), ông Seck Yee Chung thì cho rằng: “Việc thực hiện Thông tư 122 và xác định nhóm đặc biệt gồm 150 DN (thuộc các lĩnh vực sữa, xi măng, thép xây dựng, phân bón…) phải thực hiện kê khai giá, đăng ký giá dường như nhắm chủ yếu vào các sản phẩm nhập khẩu và các nhãn hiệu nước ngoài, là sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, vi phạm cam kết WTO”.

Trên thực tế, trước khi Thông tư 122 được ban hành, các DN nước ngoài đã nhiều lần phản ứng cho rằng, quy định của thông tư gây bất lợi cho DN, nhất là với mặt hàng sữa. Tuy nhiên, trước và trong khi Thông tư 122 ra đời, người tiêu dùng trong nước đã phải gánh chịu giá sữa ngoại cao phi lý, gấp 2 - 3 lần (theo khảo sát của Ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) so với giá sữa tương đương của các nước trong khu vực.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tại VBF, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định: “Thông tư 122 được ban hành đúng quy định của pháp luật và được áp dụng chung cho các DN. Trước khi ban hành, đã có nhiều cuộc hội thảo, trao đổi với các hiệp hội ngành hàng và nhà đầu tư, các tầng lớp dân cư. Chúng tôi cho rằng việc ban hành thông tư này cần thiết để thực hiện quy định Pháp lệnh Giá, đảm bảo công bằng, minh bạch về giá, mục đích là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như uy tín của người sản xuất”.

Ông Hà cũng cho biết, Thông tư 122 mới thực hiện được 2 tháng, phạm vi khá rộng bao gồm cả T.Ư và địa phương, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp thu ý kiến của các DN, ngành hàng để nghiên cứu.

Riêng với vấn đề nhập khẩu tự động, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định Thông tư 24 ban hành năm 2010 thực tế không mâu thuẫn với các cam kết WTO của VN. Bởi mục đích của thông tư không phải hạn chế số lượng nhập khẩu mà giúp Bộ Công thương và cơ quan quản lý nắm bắt và quản lý thuận lợi hơn về thống kê số lượng và các lĩnh vực xuất khẩu. “Quy trình này chỉ mất 7 ngày, thấp hơn quy định của WTO là 10 ngày. Chúng tôi ghi nhận một số DN nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm tươi sống bị ảnh hưởng, thời gian tới sẽ quy định vận chuyển đường hàng không để tránh ảnh hưởng. Hiện nay Bộ Công thương xem xét nêu việc ra giấy phép nhập khẩu tự động áp dụng trong năm 2011, Bộ sẽ thực hiện cơ chế thông báo với WTO và các thành viên”, ông Tú nói.

Thông tư 24 của Bộ Công thương được ban hành ngày 28.5.2010, quy định việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động với một số mặt hàng như vải, thực phẩm tươi sống... Hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp như hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh; hàng nhập khẩu phi mậu dịch; hàng nhập khẩu để trực tiếp phục vụ sản xuất, gia công (kể cả hàng nhập khẩu để lắp ráp, sửa chữa, bảo hành)... không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này.

Ngày 12.8.2010, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 122 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 104/2008/TT-BTC quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật khi giá thị trường trong nước của hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục thực hiện bình ổn giá có biến động bất thường, áp dụng trong một số trường hợp như giá tăng cao hơn so với mức tăng giá của các yếu tố đầu vào, hoặc cao hơn so với giá vốn hàng nhập khẩu do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tính toán các yếu tố hình thành giá (chi phí sản xuất, giá thành, chi phí lưu thông, lợi nhuận...) không đúng với các chế độ chính sách, quy chế tính giá do cơ quan nhà nước ban hành. Khi giảm giá thì giá giảm thấp hơn không hợp lý so với chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.

Giá tăng hoặc giảm không có căn cứ, trong khi các yếu tố hình thành giá không có biến động. Giá tăng hoặc giảm không hợp lý do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lạm dụng vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường, liên kết độc quyền về giá theo quy định của Luật Cạnh tranh và pháp luật có liên quan.

Sau khi Thông tư 122 có hiệu lực, Bộ Tài chính đã xác định một nhóm đặc biệt gồm 150 DN phải thực kiện kê khai giá và đăng ký giá, báo cáo cho bộ.

 Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.