Vinh dự và trách nhiệm của nữ Thủ tướng Đức

21/11/2005 23:55 GMT+7

Hôm qua, một chương mới đã mở ra trong lịch sử nước Đức - nền kinh tế lớn nhất châu u và thứ 3 thế giới, khi bà A.Merkel trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước này. Cùng với sự xuất hiện của bà Merkel là thành phần Quốc hội mở rộng nhất trong những thập niên qua.


Đảng trung hữu Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và trung tả Dân chủ xã hội (SPD) sẽ hình thành đại liên minh đầu tiên của nước Đức kể từ năm 1969. Không những chiếm thế đa số tại Hạ viện, hai đảng cũng thống trị Thượng viện, đặt vào tay Chính phủ mới cơ hội thực hiện các cải cách về cấu trúc liên bang, hệ thống phúc lợi, trợ cấp xã hội và thuế mà không sợ phải đối mặt với khả năng bị phủ quyết. Theo ông V.Kauder, một lãnh đạo CDU, cuộc bầu cử vừa qua đã cho thấy một thực tế là người Đức do dự khi phải chấp nhận cải cách và đây là cơ hội để hai đảng thuyết phục dư luận thấy được sự cần thiết của quá trình cải cách và ủng hộ Chính phủ. Trong khi hầu hết đại bộ phận người dân nghi ngờ về sự bền chặt của mối lương duyên gượng ép giữa CDU và SPD, tân thủ tướng và các nhà lãnh đạo SPD đã bày tỏ sự kiên định về sự hợp tác trên để hướng đến những mục tiêu chung.

 

Hiện nay, không có nhiệm vụ nào tối quan trọng đối với Chính phủ hơn là vực dậy nền kinh tế đang trên đà tuột dốc. Sự tự tin của nước Đức đã bị tổn thương do tỷ lệ thất nghiệp khá cao, hiện ở mức 11,6%. Nền kinh tế từng một thời là động lực của châu u giờ đây đã trở thành một trong những sự trì trệ nhất trong 25 quốc gia thành viên Liên minh châu u. Dự đoán tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm nay rất thấp (dưới 1%). Thách thức kinh tế dường như sẽ đè nặng hơn lên đôi vai của nữ thủ tướng nếu Ngân hàng trung ương châu u tăng lãi suất vào tháng sau. Thêm vào đó, kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng từ 16% hiện nay lên 19% vào năm 2007 của tân thủ tướng có khả năng gây ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Đây chính là "gót chân Achilles" của chàng khổng lồ Đức trong những năm qua.

 

Tuy nhiên, không hẳn mọi thứ đều tăm tối. Kể từ những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, rất hiếm khi nào đảng cầm quyền kiểm soát được Hạ viện lẫn Thượng viện quy tụ đại diện của 16 bang toàn quốc như Chính phủ lần này. Bà Merkel cũng có thể dễ dàng thuyết phục dân chúng từ bỏ các quyền lợi và tiền trợ cấp mà họ được hưởng sau khi người tiền nhiệm G.Schroeder đề ra chương trình cải cách "Chương trình nghị sự 2010". Để tỏ rõ quyết tâm trên và chứng tỏ Chính phủ "chung vai đấu cật" với người dân, bà Merkel lên kế hoạch cắt khoản trợ cấp hào phóng dành cho các bộ trưởng đã về hưu. Buổi lễ ký kết thỏa thuận liên minh giữa CDU và SPD đã được lược bỏ các nghi thức phô trương và các quan chức tham dự đã chúc mừng nhau bằng nước khoáng thay vì sâm-banh. Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn lắm chông gai, đòi hỏi nhiều hành động và kế hoạch hơn thế. (Reuters, FT, CM)

 Thụy Miên

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.