Sống thật như... thế giới ảo

10/10/2007 17:54 GMT+7

(TNO) Tồn tại song song với cuộc sống hiện đại gắn liền công nghệ thông tin ngày nay là một bộ phận giới trẻ đang sống cùng một lúc ở cả hai thế giới: thật và ảo (trên mạng internet). Nhưng từ đó cũng hình thành nên một khuynh hướng sống mới: cuộc sống ảo thì ngày càng thật, trong khi các mối quan hệ của cuộc sống thật thì ngày càng trở nên xa rời...

Yêu “nhà ảo” hơn “nhà thật”

Nhiều người không đồng tình với từ “ảo”, “đó là một thế giới rất thật, tồn tại trong xã hội và hiển hiện trong lòng mỗi người. Vậy tại sao gọi nó là ảo?”, một cư dân “thường trú” trên mạng bày tỏ.

Trong thế giới, cứ tạm gọi là ảo đó, mỗi người tham gia vào nhiều forum (diễn đàn) khác nhau, nhưng phần lớn đều “thường trú” ở một forum nhất định. Họ thân thương gọi đó là “nhà” và trìu mến gọi các bạn trong cùng forum của mình là “nhà mình ơi!”.

Có rất nhiều “ngôi nhà” được lập ra như vậy trên các diễn đàn, đôi khi chúng chỉ được lập ra dựa trên một đặc điểm chung về sở thích, đam mê, quê quán của một nhóm người; đơn giản đó là nơi để họ cùng giao lưu, chia sẻ. Nhưng có những “ngôi nhà” mà các thành viên gắn bó với nhau thực sự, cùng cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ nhau những khó khăn trong cuộc sống. Một thành viên trong “nhà” Chim cánh cụt (CCC) trên diễn đàn Trái tim Việt Nam Online (TTVNOL), ngôi nhà của những người đã ly hôn chồng - vợ, thổ lộ: “Cuộc sống hậu ly hôn bế tắc có thể quật ngã nhiều người và làm mình suy sụp, nhưng nhờ có những “người thân” trong “nhà” CCC mà mình tiếp tục tìm thấy được niềm vui và ý nghĩa cuộc sống”.

Đặc điểm chung của các “ngôi nhà” như vậy là các thành viên đều hết sức yêu quý và gắn bó lẫn nhau. Không lên mạng thường xuyên được, họ thấy “nhớ nhà” như thể đi xa thật. Một thành viên trong nhà lâu không xuất hiện, mọi người đều chú ý hỏi thăm. Từ thế giới ảo, họ gắn bó với nhau trong đời sống thật qua những buổi offline - gặp mặt ngoài đời. Chỉ sau một thời gian, hầu hết mọi người trong nhà liên lạc với nhau bằng điện thoại, chat và trở thành những người bạn thân thiết của nhau ngoài đời. Tuy nhiên. mỗi người vẫn ngày ngày xuất hiện trên diễn đàn, để xây dựng “ngôi nhà chung” của mình càng thêm ấm áp”, thành viên một forum chia sẻ.

Một cuộc khảo sát về việc sử dụng internet trong giới trẻ tháng 6.2007 với 1.000 phiếu thăm dò được phát ở các trường phổ thông trung học, cao đẳng và đại học (thu về 574 phiếu) cho thấy: 40,4% số người được hỏi cho biết họ truy cập internet 1 - 3 giờ mỗi ngày và 34,3% sử dụng trên 3 giờ. Có thể thấy, cuộc sống mạng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống giới trẻ. Tuy nhiên, gắn bó với cộng đồng ảo đôi khi làm các công dân internet quên mất những mối quan hệ trong cuộc sống thực của mình.

Nga Tố (23 tuổi, Hà Nội) cho biết cô thường online từ 15 - 20 giờ mỗi ngày: “Mình ở một mình nhưng không hề cảm thấy cô đơn. List (danh sách) Yahoo Messenger (YM) của mình lúc nào cũng sáng rực (nhiều bạn bè trên mạng - PV) nên mình có thể trò chuyện với họ bất cứ lúc nào thấy buồn”. Tố không bao giờ rời văn phòng trước 19 giờ. Không phải cô chăm chỉ làm thêm giờ, mà chỉ bởi vì: “Về nhà mình cũng lại online chat chit với bạn bè, vậy nên ở cơ quan luôn”. Bởi thế, một ngày không có internet đối với Tố được ví như địa ngục. Nhắc đến những bạn bè bên ngoài, Tố hồn nhiên: “Bạn bè mình chơi chủ yếu trên mạng, thỉnh thoảng offline (gặp mặt) rất vui vẻ. Bạn học cũ cũng chỉ còn chơi qua mạng”. Còn Lê Văn Hà (Sài Gòn) thì tỏ ra tự hào: “List YM của tôi quá nửa là dân du học. Số còn lại hầu hết là thành viên của các forum tôi tham gia”.

Cần học cách sẻ chia từ thế giới ảo?

Thời buổi nhà nhà internet, việc một gia đình cả bố, mẹ, con cái cùng có cuộc sống mạng của riêng mình không là chuyện lạ. Thậm chí, trên mạng, các mối quan hệ bố - con; vợ - chồng không còn tồn tại. Dưới những nickname chỉ còn lại một quan hệ bình đẳng: bạn bè.

Một cựu thành viên TTVNOL tỏ ra bối rối khi đọc được những dòng chữ của đứa em gái viết trên diễn đàn rằng: “Ước gì em có được người anh trai như… nickname của anh”. Ai cũng nhận thấy rằng, anh và em gái có những cuộc trò chuyện hài hước, thoải mái trên diễn đàn, nhưng ít ai biết rằng, ở ngoài đời, hai anh em hiếm khi trò chuyện với nhau. “Thật hài hước nhưng là sự thật, tôi và em gái thay vì nói chuyện trực tiếp thì lại ngồi… chat với nhau”, người anh kể. Lê Hà cũng vậy, ở trên mạng cậu vui tính, cởi mở, dễ gần, nhưng Hà và cậu bạn cùng phòng lại gần như không nói chuyện. Có lần, cậu bạn ốm nhập viện đến 3 ngày Hà mới biết, vì Hà bận... đi offline với bạn bè trên mạng.

Đối với các bạn gái, mạng ngày càng trở thành phương tiện hữu dụng để bày tỏ cảm xúc. Hà và Nhung (ĐH Hà Nội) từng chơi rất thân, nhưng cuộc sống cùng nhà trọ nảy sinh những chuyện mà cả hai đều cảm thấy khó nói. Nhưng hai người cùng là thành viên của một diễn đàn đồng hương trên mạng, do đó, Hà vẫn đọc được những dòng tâm sự của Nhung trên diễn đàn hằng ngày, vẫn vào viết bài chia sẻ. Chính cô cũng ngày ngày trải lòng mình lên những trang viết và biết là Nhung sẽ đọc. Tuy nhiên, những cuộc nói chuyện qua trung gian như vậy càng khiến cho họ cảm thấy khó nói chuyện trực tiếp với nhau.

Hay chuyện của một “đôi” quen và yêu nhau từ một “ngôi nhà” trên mạng, rồi chia tay ở ngoài đời. Sau đó, hai người gặp nhau không chào hỏi, nhưng khi ở trên diễn đàn, hai nickname vẫn trò chuyện, trao đổi vui vẻ. “Đó gần như là hai cuộc sống thực - ảo khác nhau”, H. - nhân vật nữ trong câu chuyện nhận xét. “Mối quan hệ giữa H. và T. có thể đổ vỡ trong cuộc sống thực, nhưng trên diễn đàn hai nickname vẫn là bạn bè. Phải chăng trong cuộc sống ảo, người ta trở nên bao dung và độ lượng với nhau hơn?”.

Có nhiều cách để gửi thông điệp đến một người mà không cần phải nói chuyện trực tiếp. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chỉ “chăm” bày tỏ cảm xúc của mình theo những cách mà bạn cho là đặc biệt, mà quên đi cách chia sẻ bằng chính lời nói của mình…

Tạ Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.