Nói thách như... chợ Bến Thành

08/12/2008 11:09 GMT+7

Nhiều mặt hàng như quần áo, mỹ phẩm và đặc biệt là đồ lưu niệm tại chợ thường bị nói thách gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi nên trả giá cỡ nào, khách cũng bị “dính”

“Là khách quen thuộc của chợ Bến Thành-TPHCM trong nhiều năm nay nhưng tôi cũng đã nhiều lần trở thành nạn nhân của tệ nói thách. Lần nào đến đây, tôi cũng chứng kiến cảnh khách hàng bị chặt chém một cách không thương tiếc, nhất là khách du lịch”- chị Thu Trang, ở quận 7- TPHCM, phản ánh.

Trả giá nào cũng “dính”

10 giờ 30 phút ngày 5-12, trong vai một khách hàng, người viết đến chợ Bến Thành. Dạo quanh khu vực bán quần áo, ai cũng được các tiểu thương ở đây đon đả chào mời mua sắm. Bị một tiểu thương lôi vào xem gian hàng bán đồ may sẵn, tôi tần ngần đứng trước cả biển quần áo đủ các loại. Thấy tôi đưa mắt nhìn vào dãy quần jeans, người bán lấy xuống một chiếc màu xanh có gắn nhiều hạt đá lấp lánh ở túi và bắt đầu “ca”: Chị mặc quần này ôm mông đẹp lắm, đây là hàng Hàn Quốc mới “đánh” về để bán dịp Tết, bán chạy lắm. Chị không lấy, lát có người khác mua mất thì kiếm cả chợ cũng không có. Em thấy chị là khách quen (mặc dù tôi mới đến quầy này lần đầu) nên em nói đúng giá 480.000 đồng. Thấy tôi ngạc nhiên, cô ta tiếp ngay: “Không hề mắc, em chỉ nói đúng giá cho chị mua được thôi, vì đây là hàng Hàn Quốc nên giá hơi cao”. Bằng kinh nghiệm bản thân, tôi quyết định trả 250.000 đồng. Như chỉ đợi có thế, người bán hàng nhanh tay cất chiếc quần vào vị trí cũ và “dạy” tôi kinh nghiệm chọn hàng: Nếu giá đó chị chỉ có thể mua hàng Chợ Lớn mà thôi. Chị cứ đi xem cho kỹ, nếu thấy ở chợ này ai có hàng như em mà bán giá dưới 400.000 đồng thì chị cứ đem lại đây em mua hết... Tôi quay gót định đi, cô ta liền níu áo: “Mới sáng sớm (dù đã gần 11 giờ) chị trả thêm cho em một tiếng nữa đi, em không bán đâu mà sợ”. Tôi buột miệng trả 260.000, nhưng cô ta vẫn nài nỉ trả thêm. Quyết không để sa “bẫy”, tôi trả 270.000 đồng và dứt khoát rời quầy. Thấy thái độ cương quyết của tôi, cô bán hàng đành gói chiếc quần cho vào túi xốp, mặt xìu xuống, đổi giọng gắt gỏng: “Thôi trả tiền lẹ rồi đi cho, bán buôn mà gặp khách như vầy thì chết mẹ!”...

Tôi bước ra khỏi quầy hàng mà cứ phân vân không biết mình mua có bị lầm giá không? Rồi tự nhủ: Lần sau sẽ không bao giờ ghé quầy này nữa.

Ai cũng có thể sập bẫy

Để tìm hiểu thêm về tệ nói thách ở đây, tôi quyết định đi dạo một vòng xem sao. Dừng chân trước một quầy bán đồ lưu niệm ngay trung tâm chợ, nơi có khá nhiều khách nước ngoài đang chọn hàng. Một người khách cầm trên tay chiếc xích lô bằng gỗ và bức tượng gỗ chú mục đồng ngồi đong đưa trên mình trâu thổi sáo. Bao nhiêu? Người khách hỏi bằng tiếng Anh. Nhanh như cắt, cô bán hàng chừng 30 tuổi ra giá: 350.000 VNĐ. Ông khách khoát tay nhún vai chê mắc liền được giải thích: Gỗ mun là loại gỗ đặc biệt chỉ có ở VN nhưng ngay ở VN người ta cũng cấm làm đồ mỹ nghệ bằng gỗ mun rồi nên quý lắm... Sau một hồi nghe tiếp thị, ông khách trả giá 250.000 đồng. Lắc đầu tỏ ý không bán nhưng cô bán hàng cứ nắm chặt tay khách kiểu “không cho chúng nó thoát” để nài nỉ khách trả thêm. Cuộc “đàm phán” kéo dài thêm khoảng 1 phút thì chốt giá 290.000 đồng. Hoan hỉ vì vừa mua được món hàng ưng ý, ông Tây bước thêm vài gian hàng nữa thì thấy món hàng tương tự nhưng người bán chỉ đòi 150.000 đồng. Ông chưng hửng không biết món đồ mình mua thực chất giá bao nhiêu.

Ở quầy bán áo dài thêu, một nữ du khách nước ngoài cũng đang trả giá xấp vải thêu được “hét” tới 800.000 đồng để rồi cuối cùng khách đã mua được với giá 335.000 đồng. Tất nhiên với giá này người bán cũng đã lời chán.

Tại các quầy mỹ phẩm, giá cả còn “trên trời dưới đất” hơn. Lĩnh vực này thường là “mê hồn trận” vốn chỉ người bán rành xuất xứ (hàng nhái, hàng chính hãng, hàng xách tay...), trong khi nhiều người mua chẳng mấy am hiểu nên bên bán tha hồ làm giá. Chúng tôi chứng kiến cảnh một cô gái trẻ ăn mặc sang trọng vừa mua hộp phấn lót hiệu Revlon giá 180.000 đồng (mặc dù người bán hàng đòi giá 300.000 đồng). Tuy nhiên, khi khách vừa đứng dậy, một cô gái khác bước vào thì chủ hàng lại chào mời hộp Revlon bằng kiểu tiếp thị khác hẳn: “Đó, em thấy chưa, cô ấy (chỉ người vừa mua hàng) là khách quen, mỗi tháng đến lấy của chị một hộp phấn này nên da sáng mịn như da em bé”. Vừa nói chị ta vừa xòe bàn tay có tờ 500.000 đồng (không biết chị ta cầm lên từ lúc nào) khoe: “Chị bán cho “cổ” giá 500.000 đồng vừa xong chưa kịp cất tiền nè! Nếu em mua, chị bớt cho 10.000 đồng để làm quen. Mà này chỉ còn một hộp thôi đó, đừng nói có hộp thứ 2 à nghen”. Phân vân một chút, người khách mới cũng móc ví đếm đủ 5 tờ 100.000 đồng rồi nhận lại từ tay người bán hộp phấn và 10.000 đồng “tiền ơn huệ”...

Chứng kiến cảnh trên, tôi chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán: Mua bán kiểu gì như lừa đảo”.

“Bán đúng giá niêm yết” chỉ là hình thức

Nằm giữa trung tâm TPHCM, chợ Bến Thành có bề dày lịch sử và là một trong những trung tâm thương mại lớn của cả nước. Thế nhưng tệ nói thách vẫn tồn tại dai dẳng. Mặc dù ban quản lý chợ có quy định tiểu thương phải niêm yết giá bán và “bán đúng giá niêm yết” nhưng theo nhiều tiểu thương, hầu hết những bảng giá được niêm yết chỉ để đối phó hoặc có thì cũng niêm yết giá rất cao rồi chèo kéo cho người mua trả giá. Nếu khách chỉ chăm chăm vào bảng giá mà tiểu thương đã niêm yết thì lầm to vì muốn ghi giá bao nhiêu là tùy người bán, ban quản lý chợ không kiểm soát được giá cả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Thiện, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành, cho biết: 1.475 sạp trong chợ Bến Thành đều phải thực hiện theo nội quy mà ban quản lý chợ đã đề ra, trong đó khuyến khích tiểu thương tự niêm yết giá bán và cấm không được nói thách quá mức. Tuy nhiên, tình trạng nói thách vẫn thường xuyên xảy ra. Trong năm 2008, ban quản lý chợ đã đình chỉ kinh doanh 8 sạp hàng vi phạm quy định này nhưng cũng chỉ là ngưng kinh doanh từ 1 đến 7 ngày mà thôi. Ông Thiện cũng thừa nhận: “Việc nói thách của tiểu thương làm cho chúng tôi đau đầu lắm nhưng chưa có cách nào khắc phục triệt để cả”.

Q.Khải

Theo Ngọc Mai / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.