Những nấm mồ vô danh ở La Macarena

09/10/2010 23:29 GMT+7

Dư luận Anh đang đặt câu hỏi: liệu chính phủ nước này có gián tiếp dính líu vào các hành động vi phạm nhân quyền của quân đội Colombia hay không.

Thoạt nhìn, nghĩa trang chính ở La Macarena, cách thủ đô Bogota của Colombia hơn 270 km về phía nam, giống như mọi nghĩa trang trên thế giới. Những ngôi mộ được trông nom cẩn thận xếp thành hàng thẳng tắp, cách nhau bởi những lối đi nhỏ sạch sẽ.

Nhưng xích lên một chút phía trên đồi là một cảnh tượng khác hẳn, u ám và tiêu điều. Hàng trăm tấm bảng nhỏ màu trắng, trên đó là những con số 054-08, 07-09, 08-10, 011-10, 012-10, 013-10… Con số phía sau biểu thị năm chôn cất, và những thi thể mới vẫn đang tiếp tục được đưa đến đây. Đây là mộ của các nạn nhân vô danh của cuộc chiến đẫm máu giữa chính phủ và lực lượng FARC.

Giết dân cho đủ số báo cáo

Vào năm 2008, quân đội Colombia bị phát hiện sát hại dân thường tại nhiều nơi giữa lúc cuộc nội chiến đang lên cao trào. Tổng thống nước này khi đó là ông Alvaro Uribe đã thề sẽ diệt trừ các phần tử nổi dậy và phần thưởng cho nỗ lực tiêu diệt quân thù bao gồm thăng chức và những kỳ nghỉ. Dưới áp lực này, nhiều đơn vị đã giết dân ở vùng sâu vùng xa, ngụy trang họ thành chiến binh FARC để báo cáo lên cấp trên, theo Daily Mail.

Theo các nhà hoạt động nhân quyền, binh lính thường khoác lên các thi thể trang phục của thành viên FARC và ấn súng vào tay họ. Vì thế đôi khi xảy ra các trường hợp người chết mang giày quá rộng hay cầm súng ngược. Có người bị bắn vào ngực hoặc lưng trong khi trên áo không có lỗ đạn.

Vụ bê bối chấn động dư luận này được đặt tên "False Positives". Nó đổ bể khi 11 thanh niên ở Soacha, một khu vực nghèo khổ ở ngoại ô Bogota, bị một số người dụ dỗ rời bỏ nhà cửa bằng lời hứa cho họ việc làm. Sau đó, người ta phát hiện những người này bị giết chết cách đó vài cây số, gần biên giới với Venezuela, trên người là quần áo của FARC. Cuối cùng, khoảng 2.000 trường hợp như thế bị phát hiện. Ông Philip Alston, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền, nói trong báo cáo hồi tháng 6.2009 rằng hành động trên "đã được thực hiện tương đối bài bản bởi những phần tử quan trọng trong quân đội".

Đến nay vẫn chưa xác định được liệu những người vô danh nằm ở nghĩa trang La Macarena có thuộc 2.000 trường hợp trên hay không. Luis Gonzalez, lãnh đạo Ban Công lý và Hòa bình thuộc Văn phòng Tổng chưởng lý Colombia khẳng định ông có hồ sơ chứng minh những trường hợp ở La Macarena là các chiến binh FARC bị tiêu diệt trong lúc giao tranh, và rằng việc xác nhận nhân thân đầy đủ là không khả thi do “các phiến quân không mang thẻ căn cước”.

Tuy nhiên, Liam Craig-Best thuộc tổ chức phi chính phủ Công lý cho Colombia (Anh) nói: “Hệ thống tư pháp ở Colombia hầu như không đụng đến việc điều tra tình trạng bạo lực chống lại phiến quân, đối thủ chính trị, nhà báo... Nếu không có áp lực quốc tế, sẽ không thể thực hiện một cuộc điều tra thỏa đáng về những gì đã xảy ra ở La Macarena".

Quân đội Colombia đã giành lại khu vực này từ tay FARC vào năm 2002. Theo mô tả của báo Daily Mail, phần nghĩa trang trên đồi nằm ngay cạnh một căn cứ quân sự và được theo dõi rất sát sao. Quân đội tuyên bố tất cả những người chết chôn trên đồi là phiến quân. Nhưng các tổ chức nhân quyền cáo buộc lực lượng chính phủ thường xuyên giết dân thường kể từ năm 2002 và chôn họ tại đó. Vào tháng 12.2009, một đoàn dân biểu Anh thăm La Macarena và đã nghe hàng chục nhân chứng, bao gồm Jhony Hurtado, một lãnh đạo cộng đồng địa phương, cáo buộc quân đội giết nhiều người vô tội. Hơn 3 tháng sau, Hurtado bị bắn chết ngay tại trang trại của ông.

Sự dính líu của người Anh

Theo báo Guardian, Bộ Ngoại giao Anh hồi năm 1989 lần đầu tiên xác nhận việc nước này huấn luyện và cố vấn cho quân đội Colombia về kỹ thuật chiến tranh đô thị, chiến lược đối phó lực lượng chống đối và tâm thần học. Kể từ đó, các thành viên nội các London thừa nhận việc huấn luyện cho cảnh sát bài trừ ma túy của Colombia nhưng từ chối tiết lộ thông tin chi tiết nhằm “bảo đảm an ninh quốc gia”. Một trong những lý do cho sự kín tiếng của họ là vai trò của SAS (lực lượng đặc biệt của quân đội Anh). Lực lượng này thường được triển khai ở nước ngoài và hoạt động của họ luôn được xem là thông tin mật. Được Thủ tướng Margaret Thatcher phái sang Colombia vào năm 1989 để chống các tập đoàn ma túy, người ta tin SAS đã mở rộng vai trò sang huấn luyện chống phiến quân.

Theo Daily Mail, tiền thuế của người dân Anh vẫn đang được dùng để tài trợ và huấn luyện quân đội Colombia, dù trên giấy tờ nó chỉ dành cho các chiến dịch bài trừ ma túy. Colombia cung cấp 51% lượng cocaine của thế giới, tức khoảng 430 tấn mỗi năm. Vì thế cuộc chiến chống ma túy ở đây có vai trò quan trọng đối với việc ngăn chặn dòng lưu thông ma túy trên đường phố Anh.

Vì FARC luôn bị cáo buộc tham gia buôn lậu ma túy nên người ta gán cho cuộc chiến chống lực lượng này là nhằm chống “khủng bố ma túy”. Daily Mail dẫn lời ông Marcelo Pollack, thành viên của tổ chức n xá Quốc tế, nhận định Chính phủ Anh khó có thể tự tin tuyên bố sự hỗ trợ của họ dành cho quân đội Colombia để bài trừ ma túy “không góp phần vào những vi phạm nhân quyền” trong cuộc xung đột với FARC. Dân biểu Tom Watson thuộc Công đảng nói không thể chấp nhận điều này được. “Quốc hội có quyền được biết các nghĩa vụ quốc tế của chúng ta đang được thực thi như thế nào. Hiện có nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Colombia lạm dụng quyền hành”, ông nói. Có mặt trong đoàn dân biểu Anh thăm La Macarena hồi tháng 12.2009, dân biểu Jim Sheridan cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng dân thường bị giết hại cũng như việc London không theo dõi kỹ các đối tượng nhận viện trợ của mình. Vì thế, theo ông, "các đơn vị quân đội vi phạm nhân quyền cũng được Anh hỗ trợ".

 
Quân đội Colombia đang được Anh tài trợ - Ảnh: Wikipedia

Liên Hiệp Quốc lên tiếng

Các chuyên gia pháp y quốc tế nhận định bước đầu tiên trong cuộc điều tra và xác định nhân thân nạn nhân ở La Macarena là đóng cửa khu vực nghĩa trang và thường xuyên canh gác để ngăn chặn việc can thiệp vào chứng cứ. Tuy nhiên, cái khó là hiện nghĩa trang La Macarena đang nằm trong tầm kiểm soát của quân đội.

Ông Morris Tidball-Binz, điều phối viên thuộc tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế cho hay vẫn còn rất nhiều khó khăn ngăn cản việc mở cuộc điều tra tại La Macarena. Chuyên gia Louis Fondebrider thuộc Argentine Forensic Anthropology Team (EAFF), một tổ chức phi chính phủ ở Argentina, thì cho rằng quá trình khai quật và nhận dạng hài cốt của những người chết không đối chứng ở La Macarena có thể giúp người dân, sau nhiều năm thắc mắc và hoang mang, biết được điều gì đã xảy ra với người thân của mình.

Một nhóm điều tra do ông Gonzalez thuộc Văn phòng Tổng chưởng lý Colombia dẫn đầu đang làm việc ở La Macarena, nhưng dường như họ chỉ tập trung vào khu vực nghĩa trang chính thức. Theo truyền thông Anh, có vẻ họ đã phớt lờ vấn đề thật sự, tức nhận dạng ai nằm dưới những nấm mồ không tên trên đồi. Thay vào đó, họ điều tra xem có nấm mồ tập thể nào ở đây hay không, một cáo buộc vốn rất dễ bị bác bỏ. Khi được hỏi tại sao không có hành động gì được xúc tiến ở khu nghĩa trang “phụ”, ông Gonzalez nói rằng dù có đầy đủ hồ sơ về các thi thể vô danh, việc điều tra sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém trong khi cơ quan của ông lại đang thiếu ngân sách.

Vào ngày 25.7 vừa qua, Tổng thống sắp mãn nhiệm Alvaro Uribe thăm căn cứ ở La Macarena và buộc tội những người vận động tìm ra sự thật là “loa phóng thanh” tuyên truyền cho phiến quân và thúc giục các lực lượng an ninh tiếp tục trấn áp khủng bố. Tuy nhiên, LHQ cũng đã cử đại diện đến thăm địa điểm trên vào tháng 9 và ra báo cáo kêu gọi điều tra vụ việc. Tuy nhiên, khó có thể lạc quan về cuộc điều tra khi tân Tổng thống Juan Manuel Santos là bộ trưởng quốc phòng trong thời gian xảy ra vụ False Positives, và có vẻ như Colombia không có ý định khơi lại vụ việc giữa lúc nước này đang xúc tiến ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với châu u và Mỹ. 

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.