Tôi đi làm... khán giả "thuê" - Kỳ 2: Bí mật từ những hàng ghế

10/07/2012 10:15 GMT+7

(TNO) Những ngày thử làm khán giả "thuê", tôi đã được tận mắt chứng kiến nhiều chuyện hậu trường thú vị.

(TNO) Những ngày thử làm khán giả "thuê", tôi đã được tận mắt chứng kiến nhiều chuyện hậu trường thú vị.

>> Tôi đi làm... khán giả "thuê

Tiếp tục làm khán giả trong chương trình Ngôi nhà âm nhạc, lần này, tôi đến sớm hơn thường lệ và được tham gia vào cuộc họp của các thành viên trong Ban điều hành hội Fan Việt trước giờ “ra quân”.

Những chuyện không có trong chương trình

Hôm nay các khán giả sẽ có nhiệm vụ mới, không chỉ cổ vũ bằng gậy nữa mà đến giữa chương trình sẽ cầm những ngọn nến đung đưa để màn trình diễn của thí sinh thêm phần lung linh. “Thủ lĩnh” của bốn nhóm cùng với Quốc Cường (chủ nhiệm hội Fan Việt) sôi nổi thảo luận và phân chia công việc.

Cường dặn dò: “Các em nhắc mấy bạn cầm ly nến phải cầm phía dưới đế để không bị bỏng tay, động tác phải nhẹ nhàng, uyển chuyển, tránh làm rơi sáp nóng vào người khác”.


Họp bàn trước khi "ra quân" - Ảnh: Thiên Hương

Ngay sau đó, những ly nến và cả một bao to đựng gậy cổ vũ được chia đều cho các nhóm. Sau này, tôi được biết những chiếc gậy cổ vũ do chính các bạn trong ban điều hành tự làm lấy để tiết kiệm chi phí.

Bích, sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM, người điều phối nhóm tôi cho biết: “Mình phải có trách nhiệm để tạo không khí sôi động nhất, hấp dẫn nhất cho chương trình".

Tôi bắt đầu thấm thía câu nói "làm khán giả không chỉ để đến xem mà còn phải có trách nhiệm" khi nhìn thấy khuôn mặt đầy lo lắng của Cường, Bích và những bạn trong ban điều hành.


Cường "núp" trong cánh gà để né máy quay, hướng dẫn đội khán giả các động tác cổ vũ thích hợp ở từng thời điểm - Ảnh: Thiên Hương

Xuyên suốt chương trình, Cường liên tục… chui từ khán đài này đến khán đài khác để chỉ đạo các trưởng nhóm hướng dẫn mọi người vỗ và quơ gậy sao cho đều tay và khớp với tiếng nhạc.

Thậm chí, Cường còn bò vào bên trong khu vực dành cho khán giả ở gần sân khấu bằng một cái lỗ nhỏ mà mọi người gọi đùa là “lỗ chó” để tiếp sức cho chúng tôi bằng những chai nước ngọt và liên tục động viên: “Sôi động lên các em”. Anh cũng rất tinh ý khi nhanh chóng phát hiện ai đó có dấu hiệu mệt mỏi để ra hiệu cho người điều phối nhóm đó đổi chỗ ngay.


Cường chui vào bên trong khu vực khán giả để động viên mọi người - Ảnh: Thiên Hương

Một bạn nữ tầm 20 tuổi ngồi kế tôi nói nhỏ: “Giờ mới biết sân khấu ở ngoài như vậy, mà khi lên hình khác quá. Thí sinh biểu diễn run thấy tội luôn, mà coi trên truyền hình đâu có thấy. Hai MC nói chuyện thì có người đứng gần phía dưới nhắc bài nữa. Ngồi coi ti vi chả bao giờ biết đến những chuyện này”.

Kết thúc chương trình, một thí sinh lại phải chia tay cuộc thi. Những khán giả được tận mắt chứng kiến các thí sinh ôm nhau khóc nức nở cũng rơm rớm nước mắt, một cảm xúc rất thật mà nếu chỉ xem qua màn ảnh sẽ chẳng thể nào có được.

“Đi như vậy thích lắm, vừa được xem ca nhạc, vừa được gặp người nổi tiếng mà không tốn tiền. Và cũng nhờ vậy, em mới biết được nhiều chuyện hay mà xem qua ti vi thì không cảm nhận được”, Kim Huệ, sinh viên Đại học Công nghiệp chia sẻ.

10 năm làm... khán giả

Trò chuyện với Quốc Cường, tôi được biết anh đã theo "nghề" này hơn 10 năm. Cường vốn là một cậu bé mồ côi gốc Đà Nẵng, sau đó trôi dạt về Sài Gòn làm đủ thứ nghề như gánh nước, bán vé số, đánh giày. Anh thậm chí không nhớ chính xác tuổi của mình.

Khoảng năm 2002, Cường bắt đầu theo các đoàn ca nhạc để làm chân sai vặt. Đi đến đâu cũng thấy những người nghèo không có tiền chỉ dám lấp ló bên ngoài, thấy tội nên anh hay lén cắt rào cho họ vào trong.

Bảo vệ ở các sân khấu, tụ điểm ca nhạc hầu như không ai không biết Cường. Anh lăn lộn hết từ sân khấu này đến sân khấu khác. Vì không có tiền nên khi xin vào xem, anh còn phụ giúp những công việc vặt nên được mọi người thương.

Sau này chương trình ngày càng nhiều, nhu cầu cần khán giả cổ động tăng, vậy là Cường bắt đầu công việc tổ chức khán giả cho các chương trình. Lúc ấy, anh vẫn còn cọc cạch chiếc xe đạp, điện thoại không có, chỉ có thể thông báo cho mọi người bằng cách truyền miệng hoặc thậm chí phải đến từng nhà.


Sau mỗi chương trình, các thành viên của Fan Việt đều phải đi thu gom rác và sắp xếp lại dụng cụ - Ảnh: Duy Minh

Cường cho tôi xem rất nhiều thẻ đeo của các chương trình, có lẽ lên đến hàng trăm cái, từ Nốt nhạc Xanh, Quà tặng tình yêu, Hòa nhịp bạn trẻ, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Bài hát Việt... cho đến lần đón các sao Hàn như Bi Rain, Big Bang (trong đại nhạc hội Soundfest).

“Lúc đầu, người ta chưa tin tưởng, phải thuyết phục gãy lưỡi mới được một sấp vé mang về cho các bạn. Nhưng không phải chương trình nào cũng tôn trọng fan. Có khi mình còn bị đối xử phân biệt với những người bỏ tiền mua vé nữa”, anh kể.

Bao giờ cũng vậy, Cường luôn có mặt trong những buổi duyệt chương trình để nắm kịch bản, biết được lúc nào cần cổ vũ và cổ vũ thế nào. Nếu chương trình dở quá, anh sẵn sàng từ chối, không nhận show.

Anh cho biết nếu chương trình giao tiền theo gói (khoảng 5 - 6 triệu đồng cho một gói khán giả) thì anh sẽ chi cho đạo cụ và chia tiền cho các bạn trong ban điều hành để trang trải chi phí đi lại, điện thoại. Nếu chương trình tính theo đầu người, Cường sẽ thương lượng giá cả với bên tổ chức. Một chương trình kéo dài khoảng 3 tiếng thì “giá” khán giả "thuê" khoảng 70.000 đồng/người, nếu kéo dài từ sáng đến chiều thì ít nhất cũng phải 150.000 đồng/người. 

Cũng có lần, Cường phải bù vài triệu khi ban tổ chức trả tiền ít hơn giá đưa ra ban đầu nhưng vì tin tưởng chỉ thỏa thuận bằng miệng, nên Cường không có giấy tờ gì để tranh luận lại, đành ngậm ngùi chịu lỗ.

Cường vui tính, giọng sang sảng nhưng khi làm việc thì rất nghiêm túc và khá nóng nảy. Tôi rất ngạc nhiên khi trong nhiều cuộc họp bàn công việc hay rút kinh nghiệm sau mỗi chương trình, anh thường xuyên lớn tiếng với mọi người, nhưng ai cũng im lặng lắng nghe.

“Anh Cường có khối u trong đầu mấy năm nay rồi. Ảnh lúc nào cũng hết mình, sống như ngày mai sẽ chết. Nhiều lúc đang làm việc, anh Cường lên cơn đau đầu tội lắm. Vì thế mà tụi em ai cũng hiểu, thông cảm và học được rất nhiều từ cách sống và con người của anh”, một thành viên nhóm Fan Việt tiết lộ.


Làm khán giả có khi chỉ vì đam mê - Ảnh: Duy Minh

Hiện, Fan Việt có hàng ngàn thành viên trong đó có gần 300 - 500 người là thành viên cố định, chủ yếu là học sinh, sinh viên, nội trợ, công nhân…

Không hẳn là một công việc, nhưng các khán giả "thuê" này đều xem đây là nơi để chia sẻ cho nhau những tấm vé xem chương trình, thông tin về các sự kiện, và được quen thêm bạn bè, gặp gỡ thần tượng.

Thiên Hương

>> “Thẻ hành nghề” của nghệ sĩ chính là khán giả
>> Khán giả đội mưa "phiêu" cùng Võ Trọng Phúc
>> “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” ra mắt khán giả TP.HCM
>> “Dụ” khán giả yêu hát ru
>> Quyền lực khán giả
>> Hạ giá vé, kéo khán giả
>> Khán giả còn thương, Khánh Hà sẽ còn về
>> Chạm" “thử” khán giả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.