Học từ sân chơi

13/11/2009 21:15 GMT+7

Sinh viên (SV) trường ĐH Luật TP.HCM trưởng thành hơn rất nhiều từ cuộc thi mang tầm quốc tế Phiên tòa giả định (Moot Competition 2009).

Cuộc thi do trường ĐH Luật TP.HCM đăng cai tổ chức dành cho SV chuyên ngành Luật. Để trở thành thí sinh của cuộc thi, các SV phải trải qua vòng dự tuyển hết sức cam go. Đầu tiên là vòng kiểm tra kiến thức tiếng Anh thông qua bài trắc nghiệm TOEFL. Ở vòng 2, các SV được chia thành nhóm để cùng nhau thảo luận về một vấn đề pháp lý bằng tiếng Anh để kiểm tra về tư duy pháp lý. Tiếp đến, 20 SV được chọn ra để tham dự vào cuộc thi hùng biện tiếng Anh do trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp với Tổ chức Fullbright tổ chức để chọn ra 6 SV vào đội tuyển (3 thành viên chính thức).

Lê Nguyễn Duy Hậu - SV năm 4 khoa Luật Quốc tế (một trong 3 thành viên của đội tuyển trường ĐH Luật TP.HCM) - cho biết, dù trước đó từng tham gia nhiều cuộc thi, phiên tòa giả định của trường nhưng đến với Moot Competition thì vẫn thực sự mới lạ.

Thư ký phiên tòa giả định cũng giống như thư ký phiên tòa ngoài thực tế. Không chỉ có khả năng ngoại ngữ để trao đổi với các thẩm phán, các thư ký còn cần có tư duy pháp lý và hiểu rõ quá trình tố tụng. Đào Thị Hoàng Yến - SV năm 3 khoa Luật Quốc tế trường ĐH Luật TP.HCM - đã xuất sắc vượt qua hơn 1.000 SV để được chọn vào vai trò thư ký. Trải qua 3 phiên tòa giả định của ngày đầu tiên, Yến cảm nhận: “Làm thư ký không dễ dàng chút nào. Mặc dù được tập huấn kỹ càng, thậm chí vào trước ngày diễn ra cuộc thi mình tham khảo thêm sách vở, thầy cô cũng truyền đạt thêm kinh nghiệm nhưng bước vào cuộc mới thấy bỡ ngỡ và lúng túng. Các thẩm phán nước ngoài và các đội bạn làm việc rất chuyên nghiệp. Làm việc đúng giờ, nhanh, chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu, đi vào đúng trọng tâm vấn đề”.

Nguyễn Hồng Hạnh - SV năm 2 khoa Luật Dân sự - cởi mở: “Thật thú vị ngoài sự tưởng tượng, không chỉ đưa đón các đội chơi mà có khi còn đảm nhiệm đi tìm và chuẩn bị trước các địa chỉ ăn kiêng, ăn chay, nơi đổi tiền, nơi mua sim điện thoại... theo yêu cầu của các bạn ấy”. Hạnh còn cho biết, có những đoàn hạ cánh lúc 12 giờ đêm hoặc sáng sớm, và tình nguyện viên phải luôn có mặt đúng giờ để đưa các bạn ấy từ sân bay về khách sạn. Dù đôi khi đi sớm về khuya, bị say xe, không có thời gian nghỉ ngơi... nhưng đổi lại cái được khi tham gia chương trình lại gấp nhiều lần. Đầu tiên là phát triển thêm kỹ năng ngoại ngữ, học hỏi kinh nghiệm học tập, đặc biệt là khả năng tự chịu trách nhiệm với công việc, nhanh nhẹn trong xử lý tình huống, học hỏi thêm về văn hóa các nước...

Nguyễn Trần Phương Anh, SV năm 2 ngành Luật Thương mại, kể: “Tụi em phải thi tuyển đến hai vòng, kiểm tra cách giao tiếp, chào và cười, để vào vị trí lễ tân. Khó nhất là học... cười, vì đó không chỉ là nụ cười đơn thuần như mọi ngày mà phải biểu lộ được sự nồng nhiệt, hiếu khách của người Việt Nam”. Cũng không hề đơn giản khi phải đứng cả buổi, mà khi đứng phải giữ thẳng người, cười thường xuyên, cử chỉ nhẹ nhàng thanh tao. 30 phút giải lao ngắn ngủi nhưng đủ để cả nhóm tíu tít bình luận về các trận đấu, qua đó rút kinh nghiệm công việc của mình. Tiếp tân là người đầu tiên mà các đoàn khách quốc tế gặp nên các bạn đóng vai trò quan trọng cho cuộc thi.

Hà Ánh - Tuyết Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.