Trùng phùng sau 70 năm

30/12/2008 15:05 GMT+7

Hai anh em thất lạc nhau sau 70 năm mới gặp lại trong ngỡ ngàng và nước mắt. Ông Võ Văn Cho (sinh năm 1938) kể: "Hồi tôi mới 6 tháng tuổi, mẹ mất. Thấy cha tôi khổ quá, tôi lại khát sữa khóc ngày khóc đêm, nên bên nhà cha tôi đem tôi cho một người tên Võ Sâm ở Tam Kỳ, nay là thôn 5, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, rồi đặt tên tôi là Võ Văn Cho.

Năm 1944, Nhật vào Việt Nam, cha nuôi tôi chết. Năm tôi 20 tuổi, sau Hiệp định Geneve, mẹ nuôi là bà Phạm Thị Miện cũng qua đời. Cha mẹ nuôi mất, mà lúc đó tôi vẫn nghĩ là cha mẹ ruột, buồn quá, nhân đợt tuyển mộ lính, tôi đăng ký đi luôn. Đời lính tiếp vận, chuyên lái tàu lái xe nay đây mai đó, tôi đi riết không về, biệt xứ.

Hồi 1960, thuyên chuyển về Quảng Ngãi, tôi cưới vợ, hai tháng sau chuyển tiếp vô Sài Gòn, rồi ở miết cho tới sau giải phóng. Năm 1976, thống nhất đất nước, sau này nghe kể cha ruột tôi về quê tìm, không ai biết tôi ở đâu cũng do vậy. Nếu hồi đó họ biết tin của tôi, tôi đã được gặp mặt cha rồi...". Trầm giọng, ông Cho tiếp: "Sau mấy năm sống ở Sài Gòn khổ quá, tôi chuyển gia đình về quê làm ăn sinh sống, cứ đinh ninh bố mẹ nuôi là cha mẹ ruột của mình. Riết cho tới chạp mả gần đây, tôi mới được tìm ra".

“Suốt mấy chục năm mà ông vẫn không biết mình là con nuôi? Sao ông không chủ động đi tìm cha mẹ ruột của mình? Ai là người xác nhận về nguồn gốc cha mẹ ruột của ông?” - tôi dồn dập hỏi. Ông Cho từ tốn: "Tôi bị đem cho hồi 6 tháng, có biết gì đâu! Lớn lên lại bỏ xứ đi từ hồi 1959 tới gần 1980 mới quay về. Tôi đâu biết mình từ đâu đến mà đi tìm gốc gác...".

Chị Mai Thị Lợi, em cùng cha khác mẹ với ông, tiếp lời: "Theo lời cha em, sau khi vợ đầu là bà Huỳnh Thị Lân - tức mẹ ruột anh Cho - mất sớm, cha cưới mẹ em. Chiến tranh, ly tán, đời sống khó khăn... chuyện cha em và con trai cả bặt tin là điều dễ hiểu. Mấy chục năm, anh chị em trong nhà cũng không biết chuyện cho đến khi mẹ em nói ra. Đến năm 1976, em đi cùng cha ra Quảng Nam tìm anh cả, không được tin tức gì. Ông anh nuôi nói ảnh bỏ đi biệt xứ mấy chục năm, sống chết ra răng, biết đâu mà lần.

Buồn phiền, về lại Gia Lai cha em qua đời trong năm đó. Sau mấy lần gia đình thay nhau về quê chạp mả, cũng không nghe gì mới, chỉ biết gửi lại câu chuyện tìm con của cha em. May sao, chạp mả mới đây thì được tin gia đình anh Võ Văn Cho đã về quê cũ. Từ Thăng Bình, anh Hoa - anh của tôi - quày quả vô Tam Kỳ, tìm lên huyện mới Phú Ninh. Tại Tam Lộc, anh gặp được ông Chín Dũng, 87 tuổi, người hồi nhỏ từng ăn ở trong nhà ông Võ Sâm để giữ trâu và ẵm bồng anh Cho. Vậy là anh em nhận ra nhau, ôm nhau khóc, cả xóm cũng khóc theo...".

Sau đó, từ Gia Lai, anh Hoa về lại Quảng Nam, cùng anh Cho tìm đến ông Chín Dũng để tạ ơn thì được tin ông đã qua đời. Chị Lợi, em gái anh Cho nói với tôi: "Gương mặt anh Cho giống cha em và người em thứ tám như tạc, dù cùng cha khác mẹ. Gần đất xa trời, mẹ em cũng vui vì đã hoàn thành ước nguyện của cha em". 

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.