Đà Nẵng: Doanh nghiệp “bắt tay” luật sư - bao giờ?

03/12/2007 09:19 GMT+7

(TNO) Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều và các doanh nghiệp (DN) trong nước bước vào sân chơi toàn cầu cũng tăng không kém. Vụ Vietnam Airlines bị kiện đòi bồi thường 100 tỷ đồng ở Ý và hàng loạt vụ kiện chống phá giá xảy ra gần đây đã làm các DN trong nước “giật mình” về sự am hiểu luật của mình, và dần hiểu rằng nếu không muốn bị thiệt hại khi ký kết các hợp đồng kinh tế thì rất nên “bắt tay” với luật sư.

“Bắt tay” luật sư “kiểu” Đà Nẵng

Đà Nẵng hiện nay có khoảng 8.000 DN với 90% là DN vừa và nhỏ. Các Tổng công ty 90, 91, các DN quân đội, ngành công an đóng trên địa bàn Đà Nẵng chiếm số lượng rất ít. Một luật sư có tên tuổi ở Đà Nẵng nhận xét: “Hầu hết DN ở Đà Nẵng không có tính ổn định cao, năng lực cạnh tranh không mạnh nên dù rất ý thức sự cần thiết song hành của luật sư trên đường kinh doanh nhưng rất ít DN ký hợp đồng tư vấn dịch vụ pháp lý (TVDVPL) với các văn phòng luật”.

Các DN “bắt tay” với luật sư đa phần là các Tổng công ty, các DN đầu ngành và DN có tiềm năng kinh tế. Tuy nhiên, các DN ở Đà Nẵng chưa có thói quen ký hợp đồng dài hạn (thông thường là 1 năm) mà chỉ thông qua kênh thân hữu để nhờ luật sư tư vấn thường xuyên hoặc khi xảy ra tranh chấp các hợp đồng kinh tế. Trong lĩnh vực này, Đà Nẵng còn có một “kiểu” rất riêng là khi DN ký hợp đồng TVDVPL với một văn phòng luật, luật sư cũng sẽ tư vấn kiêm nhiệm cho cả “group” gồm anh em, bạn hữu của DN đó. Các luật sư ở Đà Nẵng vẫn nói vui rằng: ký với 1 người những làm việc với 10 người.

Hiện nay, Đà Nẵng có 20 tổ chức hành nghề luật (16 VPLS, 3 công ty TNHH, 1 công ty hợp doanh) nhưng số luật sư “ăn nên làm ra” chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì các DN đều tìm đến những luật sư thâm niên, có tên tuổi và uy tín trong nghề. Phí cho luật sư thường được tính theo 3 kiểu: trọn gói, từng vụ việc hoặc gián ngạch với tỷ lệ hoa hồng trên giá trị tranh chấp. Nhưng, thường thấy nhất là phí do thỏa thuận giữa đôi bên.

DN “bắt tay” luật sư : Một đòi hỏi cấp bách

Trong hoạt động, thực hiện các hợp đồng kinh tế là công việc then chốt của một DN, nhưng các quan hệ khác như dân sự, hình sự, tín dụng, lao động, tranh chấp thương mại, các quan hệ pháp lý… cũng sẽ phát sinh trong quá trình kinh doanh. Luật sư Đỗ Pháp cho biết: “Nếu như có hợp đồng TVDVPL, luật sư sẽ là người điều chỉnh tổng hòa các mối quan hệ xã hội - luật pháp bằng cách áp dụng, vận dụng đúng luật hiện hành. Chưa kể, nếu xảy ra tranh chấp, kinh nghiệm tranh chấp ở tòa án, tiền án, tiền lệ, những chi tiết thay đổi, bổ sung… để hóa giải các vướng mắc phát sinh thì DN không thể nắm vững và hiểu thấu đáo để giải quyết”.

Một luật sư khác cho biết: “Khi thực hiện bàn giao mặt bằng, do thói quen, nhiều DN chỉ ký kết với nhau bằng giấy tờ cá nhân. Nếu đúng thủ tục pháp lý, nguyên tắc ký kết hợp đồng thương mại phải là pháp nhân ký kết với nhau, có hẳn con dấu của pháp nhân đó”. Ở Đà Nẵng cũng có nhiều DN chỉ nhờ sự giúp đỡ của luật sư khi lâm nạn, chịu cảnh “mất bò mới lo làm chuồng” ! Nhưng vì “bí mật nghề nghiệp” và có thể ảnh hưởng đến thương hiệu nên hầu hết các luật sư đều không thông tin cụ thể vụ việc, tên tuổi của DN đó.

Ông Thân Đức Nam, Tổng giám đốc Cienco 5, khẳng định: “Trong giao thương hội nhập hiện nay, DN không thể tách rời giới luật sư. Họ sẽ là “vũ khí” và là người “gác cửa”, lường trước rủi ro khi có tranh chấp kinh tế và bảo đảm an toàn trong kinh doanh cho DN. Các hợp đồng kinh tế của Cienco 5 lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đội ngũ CB-CNV có đến 12.000 người và 30 đơn vị thành viên nên chúng tôi không thể mạo hiểm trong kinh doanh”. Hiện nay, trong đội ngũ CB-CNV của Cienco vẫn có luật sư nhưng lãnh đạo đơn vị này vẫn ký hợp đồng dài hạn, thuê hẳn một luật sư tên tuổi của một văn phòng luật đảm trách TVDVPL.

Trong khi ở TP Hồ Chí Minh, DN đổ xô đi thuê luật sư thì mối “lương duyên” giữa DN và luật sư ở Đà Nẵng chỉ mới bắt đầu. Theo quy định, mức thù lao cho luật sư được căn cứ vào 3 yếu tố : tính chất phức tạp của vụ việc, công sức thực hiện dịch vụ và uy tín, kinh nghiệm của luật sư. Rào cản về chi phí đã khiến nhiều DN chỉ thấy cái lợi trước mắt mà chưa thực sự thấy được lợi ích mà luật sư mang lại. Khổ nỗi, trong nhiều trường hợp, lợi ích đó khó quy đổi ra tiền bạc nên không phải DN nào cũng nhận biết. Do đó, phần đông DN Đà Nẵng vẫn còn dè dặt trong hợp tác luật sư. Không dựa vào thực trạng “lửa chưa ấm, hương chưa nồng” giữa luật sư và DN hiện nay, luật sư Đỗ Pháp vẫn khẳng định: “Việt Nam đã hội nhập đến mức độ này thì mọi quan hệ giao thương phải đặt trên cơ sở pháp lý.

Ngoài những vấn đề thông thường về lao động, quy chế công ty, hợp đồng…, những lĩnh vực mới ở Việt Nam như quản lý bảo hiểm, quản lý bất động sản hoặc những công ty chuẩn bị lên sàn chứng khoán đều rất cần thiết những thông tin về lao động, điều lệ, tài chính trước và sau khi trở thành công ty cổ phần và niêm yết. Dĩ nhiên, DN phải thực sự cần đến luật sư. Vì những dự báo như thế nên giới luật sư của chúng tôi tin chắc, chỉ 1 năm nữa thôi, DN Đà Nẵng sẽ “bắt tay” với luật sư, đó là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh kinh tế hiện nay”.

Thu Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.