Những thai nhi bị chối bỏ: Nghĩa trang thai nhi

19/11/2009 14:40 GMT+7

Mỗi thai nhi đều gắn với một số phận, một câu chuyện không giống nhau, song đều cùng chung tình cảnh bị cha mẹ chối bỏ khi còn trong lòng mẹ.

Cô Nguyễn Thị Hường, trưởng nhóm tình nguyện chuyên gom nhặt thai nhi bị phá bỏ ở Lâm Đồng, đưa chúng tôi đến nơi an nghỉ của các em tại xã Lộc Thanh, thị xã Bảo Lộc khi ánh nắng cuối ngày sắp tắt.

Con đường đất đỏ gập ghềnh dẫn chúng tôi đến một ngọn đồi đầy thông reo vi vu có hai nghĩa trang. Ngay trước nghĩa trang Thanh Xuân dành cho người lớn là nghĩa trang Tín Thác của các thai nhi bị chối bỏ.

Hơn 580 nấm mộ nhỏ

Đập vào mắt chúng tôi là 20 hàng gạch thẳng tắp dài hơn 20 m chia thành từng ô nhỏ cho mỗi nấm mộ thai nhi. Nghĩa trang Tín Thác chia làm 3 nhóm mộ: Nhóm có số thứ tự từ 1 đến 1.000 là nơi an nghỉ các em từ 4 tháng tuổi trở xuống; nhóm bắt đầu bằng số 01 dành cho các em 5-7 tháng tuổi và số 001 cho các em 8-9 tháng tuổi. Trong đó, nhóm mộ thai nhi 8-9 tháng tuổi có 4 hàng gạch lớn, mỗi hàng cách nhau chừng 3 gang tay...

Cô Hường cho biết nghĩa trang Tín Thác được nhóm tình nguyện của cô lập nên từ ngày 19-1, ngay ngày đầu đã tiếp nhận 2 thai nhi và đến nay đã có hơn 580 em an nghỉ ở đây.

“Mỗi thai nhi đều gắn với một số phận, một câu chuyện không giống nhau, song đều cùng chung tình cảnh bị cha mẹ chối bỏ khi còn trong lòng mẹ. Có em chưa nên hình hài và cũng không ít em sắp chào đời cũng bị người ta đành đoạn phá bỏ.
 
Khi gom nhặt các em về, chúng tôi rửa ráy sạch sẽ, đặt ngay ngắn trong quách rồi mang ra nghĩa trang chôn cất. Mỗi em được chúng tôi đặt tên, gắn số thứ tự riêng lưu trong hồ sơ. Em nào chưa rõ giới tính thì chúng tôi đặt cả hai tên cả trai lẫn gái”- cô Hường thổ lộ.

Chúng tôi chú ý một nấm mộ có 2 số thứ tự, 36 và 37, ghi ngày chôn cất 12-2. Cô Hường giải thích: “Hôm đó khoảng giữa trưa, chúng tôi nhận một cuộc điện thoại bảo đến một bờ hồ lấy “gói quà”. Khi đến đó, anh Trần Đình Hùng, người trong nhóm tình nguyện của chúng tôi, mang về 3 bọc đen gói cẩn thận đựng thai nhi bị phá bỏ. Chúng tôi liền lo chôn cất cho các em, đánh số thứ tự mộ 34, 35 và 36.

Công việc đầy khó khăn, tế nhị

Những tình nguyện viên trong nhóm của cô Hường cho biết số thai nhi bị phá bỏ được họ gom nhặt, chôn cất ở nghĩa trang Tín Thác chỉ là một phần trong thực tế. “Công việc của chúng tôi đầy khó khăn và tế nhị. Chỉ có vài bác sĩ ở bệnh viện hoặc số ít phòng khám sản khoa tư nhân đồng ý để chúng tôi nhận thai nhi bị phá bỏ đưa về chôn cất” – chị Nguyễn Thị Thanh Thu cho biết.

Thời gian qua, nhiều thai phụ biết được công việc của nhóm nên khi quyết định bỏ con, họ đặt thai nhi ở nơi nào đó, khi thì ven hồ, lúc trên một cành cây hoặc góc phố, rồi điện thoại cho tình nguyện viên đến lấy.

Khi về nhà, không hiểu sao tôi luôn bị thúc giục phải gọi điện thoại cho người đưa “gói quà” để hỏi han thêm. Cuối cùng, tôi liên lạc được với chị này và được biết trong 3 bọc đen có một bọc đựng thai nhi song sinh. Tôi hỏi rõ bọc nào và chạy vội ra nghĩa trang đặt thêm một số thứ tự 37 cho nấm mộ 36”.

Trời bắt đầu tối, một tình nguyện viên đi cùng gom lá khô đốt một đống lửa bên rìa nghĩa trang. Trong ánh sáng lờ mờ, chập choạng, cô Hường đưa chúng tôi đến các nấm mộ nằm ngoài cùng có kích cỡ lớn hơn rồi nghẹn ngào: “Đây là những em đã có đủ hình hài.

Em này nặng đến 2,8 kg, lúc mang về, chúng tôi phải đóng quách khác mới đặt vừa. Trong thời gian hơn 2 giờ chờ đóng quách, tôi ôm bé trong lòng mà có cảm giác em vẫn ấm hoài. Bất chợt tôi van vái, nếu ôm thế này mà em sống lại được thì tôi sẽ ôm cả ngày cũng được”.

Tuy không nói ra nhưng trong nhóm tình nguyện của cô Hường có một quy định khắt khe: Dù nắng hay mưa, dù khuya hay sớm, miễn là trước 0 giờ, nếu nhận được thai nhi bị phá bỏ, họ phải lo chôn cất. “Chúng tôi sợ các em lạnh lẽo” - cô Hường bộc bạch.

“Một ngày của đời tôi”

Chú Trần Đình Hùng, người trong nhóm tình nguyện chuyên đi gom nhặt và chôn cất các thai nhi xấu số, đã không kìm được xúc động khi mở từng trang nhật ký ghi lại công việc của mình. Chú tâm sự: “Suốt đời, có lẽ tôi sẽ nhớ mãi buổi sáng 5-5. Tôi viết trong nhật ký là “một ngày của đời tôi”.

"Hôm đó, mới 5 giờ, tôi nhận được điện thoại gọi đến một bệnh viện để mang các em về. Nhận 2 bọc thai nhi, tôi treo trên 2 móc xe. Vừa rời bệnh viện, một cú điện thoại nữa bảo tôi đến một bờ hồ nhận tiếp 2 thai nhi. Trên đường mang các em về nghĩa trang Tín Thác, tôi lại tiếp tục nhận một cuộc điện thoại nữa kêu đến bệnh viện. Khi đến nơi, tôi ngỡ ngàng khi bệnh viện trao một thai nhi quá lớn, nặng đến 2,8 kg, đã 9 tháng tuổi.

Sợ thai nhi đau, tôi không dám đặt sau xe ràng dây lại. Tần ngần mãi, cuối cùng tôi xin mấy cô hộ sinh cho vài cái khăn bông để quấn em. Cảm thấy chưa an tâm, tôi cởi luôn chiếc áo khoác quấn một vòng nữa. Chở 5 thai nhi trên xe, tôi chỉ dám nhích từng chút một vì sợ chạy nhanh vấp ổ gà sẽ làm đau các em”.

Chúng tôi vẫn chưa kịp hết cơn thảng thốt vì câu chuyện của chú Hùng thì cô Hường đã kể tiếp: “Một cô sinh viên ĐH năm 3 đang học ở TPHCM có thai với người yêu. Anh chàng dỗ ngọt cho cô về quê ở Lâm Đồng chờ ngày sinh nở, sau 5 tháng anh ta cũng sẽ về. Đến hẹn vẫn chưa thấy người yêu, cô gái lên TPHCM tìm thì mới biết anh ta đã xa chạy cao bay.
 
Quá đau buồn và uất hận, cô về nhà uống 2 viên thuốc phá dù thai đã 8 tháng tuổi. Khi đến bệnh viện, dù các bác sĩ khuyên can và cô đã nghe lời nhưng quá muộn. Em bé ra đời không vẹn hình hài, tay chân bị cắt rời nhìn thật xót xa”...

Chúng tôi rời nghĩa trang lúc trời đã tối mịt. Tiếng thông reo vi vu trước đó giờ nghe như rít lên từng cơn. Từng cơn, từng cơn như những lời oán trách vô biên của các thai nhi bị chối bỏ...

Theo Thu Hồng - Thu Hương / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.