Trẻ em tự tử do rối loạn tâm thần

02/11/2007 22:33 GMT+7

Đã đến lúc vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần cho trẻ em cần được quan tâm hơn.

Từ thực tế...

Em H.A (18 tuổi) đến với Trung tâm tham vấn tâm lý, Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) trong tình trạng sa sút về nhận thức và cảm xúc.  Em có triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ và có ý định tự sát. A. cho bác sĩ biết, cảm giác của em luôn trống rỗng và buồn quá mức, rất khó khăn khi tiếp xúc với người xung quanh. Các bác sĩ chẩn đoán em bị rối loạn trầm cảm nặng, cần một thời gian chữa trị lâu dài.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu mới nhất của các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, thì tỷ lệ người tự tử và có ý muốn tự tử ở thanh thiếu niên lên đến 24,1%, cao nhất trong số các đối tượng được nghiên cứu. Trong đó, tỷ lệ thanh thiếu niên nữ tự tử và có ý muốn tự tử cao gấp 2 lần ở thanh thiếu niên nam.
Qua tiếp xúc, tìm hiểu, bác sĩ biết được A. có một cuộc sống nội tâm đầy những khó khăn và thường xuyên bị áp lực về mặt tâm lý. Bố em làm nghề chạy xe ba gác, còn mẹ buôn bán nhỏ ở chợ. Em thường xuyên chứng kiến cảnh ba mẹ gây gổ, đánh đập trong những cơn say của bố. Đã 18 tuổi nhưng em vẫn thường bị bố đánh đập, cộng với những áp lực từ kỳ thi cuối cấp, em càng khó khăn và đã dẫn tới stress. A. rơi vào trạng thái trầm cảm và có hành vi tự sát. Em nói với nhà tâm lý rằng: "Cuộc sống của em là những chuỗi ngày đau khổ, giá mà em không có mặt trên đời có lẽ tốt hơn".

Một nữ sinh lớp 11 ở TP.HCM nhảy lầu tự tử tại sân trường sáng 16.10 vừa qua, một lần nữa cho thấy tình trạng tự tử trong giới trẻ ngày nay đang là một hiện tượng đáng báo động, đây là vấn đề mà xã hội cần quan tâm.

Do đâu?

Theo thống kê, trẻ có ý định tự tử do các yếu tố bất đồng, xung đột tâm lý chiếm 47%; do gia đình ly tán, người thân bỏ rơi chiếm 12%; bị xúc phạm về tinh thần 28%, còn các yếu tố như ghen tuông, bị xúc phạm về thể xác chỉ chiếm 7%... Ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bạn đồng lứa có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm lý của trẻ. Chính vì vậy, tự tử ở lứa tuổi này cũng thường liên quan đến nhóm bạn đồng lứa của trẻ như yếu tố mâu thuẫn, bị bỏ rơi, hoặc bị lôi kéo tự tử chung...

Người lớn cần là những người bạn của trẻ, biết lắng nghe và tạo cho trẻ có một cuộc sống ổn định về tâm lý, giúp trẻ vững vàng khi đối diện với các tình huống gây stress.

 Lê Minh Công
(Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.