Sẽ xử phạt nghiêm việc vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

24/11/2009 19:05 GMT+7

(TNO) Các vỉa hè, lòng đường tại TP.HCM, trong đó có các tuyến đường kiểu mẫu của thành phố vẫn thường xuyên bị lấn chiếm làm nơi buôn bán hàng rong, giữ xe... gây ảnh hưởng đến giao thông, ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết trong Hội nghị về “Quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM” do HĐND TP.HCM tổ chức vào ngày 24.11.

Vỉa hè vẫn nhếch nhác

Là một trong 15 tuyến đường văn minh kiểu mẫu của thành phố, thế nhưng, đường Nguyễn Chí Thanh kéo dài từ Q.5 qua Q.10 đến Q.11, hằng ngày vẫn chứng kiến cảnh xe cộ đậu tràn lan trên lề đường. Trên đường này, đoạn từ đường Nguyễn Tri Phương đến Nguyễn Tiểu La, các tiệm sửa xe vô tư hoạt động chiếm hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ.

Chiếm dụng vỉa hè ngay trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (trên đường Nguyễn Chí Thanh) là hàng loạt những hàng quán, gánh hàng rong tấp nập hoạt động, thậm chí lấn xuống cả lòng đường.

Bên cạnh đó, lượng xe máy và ô tô ra vào Bệnh viện Chợ Rẫy rất nhiều nên lòng đường, vỉa hè ở đây thường xuyên xảy ra tình trạng lộn xộn, đậu xe mất trật tự.

Không chỉ riêng gì đường Nguyễn Chí Thanh, mà hàng loạt tuyến đường lớn khác như: Nguyễn Đình Chiểu, Ba Tháng Hai, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tri Phương... cũng được "điểm mặt gọi tên" vì việc lấn chiếm, tận dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, bãi giữ xe không phép. Đó là chưa kể vô số đường nhỏ, đường chưa được chọn vào danh sách tuyến đường văn minh kiểu mẫu của thành phố.

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, tính đến đầu tháng 11.2009, toàn TP.HCM có 160 tuyến vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, 112 tuyến vỉa hè phục vụ vào mục đích kinh doanh có thu phí và 73 tuyến cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí.

Ông Dương Hồng Thanh cho biết thêm, ở TP.HCM nhu cầu về các bãi giữ xe là rất cao, nhất là ở các khu vực thuộc quận 1, 3, 5, 10 và tại những nơi gần siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, rạp chiếu phim… Thế nên, ngoài các bãi giữ xe có đăng ký, có thu phí thì tại hầu hết các quận huyện đều xuất hiện các bãi giữ xe tự phát, không đăng ký, lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ...

Quản lý vỉa hè, lòng đường từ gốc

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, nguyên nhân chính của việc vỉa hè tại TP.HCM là địa bàn kinh doanh của các hàng quán, xuất hiện "kinh tế vỉa hè" gây lộn xộn, mất mỹ quan đô thị là do người dân chưa có thói quen mua hàng tại các cửa hàng. Chính việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân đã tạo nên thói quen cứ tấp xe vào lề là có thể mua được hàng hóa ngay. Phương tiện giao thông cá nhân quá nhiều tất yếu cũng dẫn đến nhu cầu lớn về bãi giữ xe, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói thêm.

Giải pháp mà tiến sĩ Hậu đưa ra là phải tăng cường xây dựng hệ thống giao thông công cộng. Tại đầu mối các bến đỗ của những phương tiện giao thông công cộng như: bến xe, nhà ga... cần lập ra các khu trung tâm buôn bán để tạo thuận tiện hơn cho người dân trong nhu cầu mua bán hàng hóa.

"Trước khi đưa ra biện pháp hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân thì phải đưa ra phương tiện giao thông công cộng, đầy đủ tiện nghi. Phải có tuyến đường riêng cho các phương tiện giao thông công cộng này. Như thế, các phương tiện giao thông công cộng mới bảo đảm chức năng của mình, người dân mới bước lên phương tiện giao thông công cộng", tiến sĩ Hậu nói.

Để có giải pháp tốt cho công tác quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn TP, nhiều đại biểu cho rằng có thể “đánh” mạnh bằng mức thuế cao.

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Dương Hồng Thanh đề xuất ý kiến HĐND TP.HCM cần sớm thông qua mức phí sử dụng lòng đường, vỉa hè để các quận huyện có cơ sở triển khai vào thực tế. Song song đó, các quận huyện cần tăng cường việc thực thi, giám sát việc sử dụng lòng đường, vỉa hè của người dân.

Sắp tới, TP.HCM sẽ xây dựng và sử dụng vỉa hè theo hướng ưu tiên cho người đi bộ và tăng cường thêm các mảng xanh, cây xanh cho đường phố, đảm bảo việc sử dụng cho người khuyết tật.

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM và cả ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đều đồng tình cho rằng vấn đề cốt lõi nhất của việc sử dụng vỉa hè hiệu quả là tăng cường, giáo dục ý thức của người dân về nếp sống của một cư dân TP văn minh hiện đại. Song song đó, TP sẽ xây dựng một cơ chế xử phạt thật nghiêm khắc, đủ sức để răn đe các hành vi cố tình vi phạm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường với mục đích riêng.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.