Khi giáo viên thành "chủ nợ"

18/11/2007 23:23 GMT+7

Lương không đủ sống lại còn bị nợ tiền, đó là thực tế đáng buồn của giáo viên tại một số địa phương.


(Minh họa: DAD)

Sống bằng hy vọng?

Cô giáo trẻ Nguyễn Lê V. vừa tốt nghiệp đại học sư phạm, về dạy tại một trường THPT của tỉnh Bình Thuận. Mức lương mới ra trường của một giáo viên có bằng đại học (hệ số 2,34 nhân với mức lương tối thiểu hiện nay là 450 nghìn đồng) là hơn 1,2 triệu đồng/tháng - kể cả phụ cấp ưu đãi. Sau khi trừ 6% bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, số tiền còn lại không đủ cho cô V. chi dùng. Vậy là cô vẫn phải về nhà xin thêm tiền của mẹ.

Một người từng có 19 năm trong nghề như cô giáo H.Y ở trường THCS Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thì thu nhập có cao hơn. Mức lương với hệ số 3,65 x 450.000 x 35% phụ cấp ưu đãi, mỗi tháng cô Y. lãnh 2 triệu đồng. Nhưng cầm khoản tiền này ra chợ thì không thấm thía gì! Giá gạo trung bình hiện nay là 7.500 đồng/kg, thịt heo 35.000 - 40.000 đồng/kg, gas 225.000 đồng/bình... Đó là chưa kể tiền xăng, mắm muối... và các nhu yếu phẩm khác, thứ gì cũng lên giá vùn vụt. Hai vợ chồng cô đều là nhà giáo, nuôi 2 con ăn học thật vất vả...

Một người có thâm niên 19 năm dạy học mà còn khó khăn như thế, thì những thầy cô giáo mới ra trường sao có thể sống bằng lương? Bởi thế, khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương thì mọi người đã cố dặn lòng: thôi thì ráng sống bằng hy vọng cho đến khi tiền lương đủ sống!

Những "chủ nợ" nghèo

"Tôi vào ngành từ năm 1979, vậy mà bây giờ lương của tôi gồm tất cả các khoản chưa đến 3 triệu đồng một tháng. Hiện nay chế độ phụ cấp cho cán bộ ngành giáo dục cấp tỉnh 25% đã bị cắt luôn rồi. Dĩ nhiên lương thấp, đời sống khó khăn ai cũng phải làm thêm mới đủ sống".

 Bà Huỳnh Thị Cẩm Hồng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận

Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận thì năm học này toàn tỉnh có 12.500 giáo viên từ bậc mầm non đến THPT. Tuy nhiên, hiện nay số học sinh có xu thế giảm theo từng năm. Cụ thể, năm học này, Bình Thuận giảm 6.700 học sinh tiểu học, 6.400 học sinh THCS. Chỉ có học sinh THPT tăng nhưng không đáng kể. Điều đó cho thấy đội ngũ giáo viên đang bị dư ra, nhất là giáo viên tiểu học và THCS. Chỉ tính riêng địa bàn TP Phan Thiết hiện thừa hàng trăm giáo viên và hiện tượng mất cân đối (môn học này thiếu, môn kia lại thừa) phổ biến ở tất cả các địa phương. Từ đó dẫn đến hiện tượng có giáo viên dạy không đủ tiết theo quy định, nhưng giáo viên khác phải dạy quá số tiết theo quy định. Và tất nhiên Nhà nước phải trả tiền cho số tiết giáo viên dạy tăng giờ. Các huyện hằng năm vẫn phải chi trả hàng tỉ đồng cho dạy tăng giờ, ngân sách địa phương không kham nổi nên hầu như tất cả các huyện đều nợ tiền giáo viên. Có huyện nợ giáo viên số tiền lên đến 3 - 4 tỉ đồng đã 2-3 năm nay mà vẫn chưa có cơ chế nào để tháo gỡ. Vụ việc mà Báo Thanh Niên từng nêu (thiếu hàng tỉ đồng tiền dạy dư giờ của giáo viên ở hai huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình, Bình Thuận) năm trước, hay gần đây nhất trong bài "Trợ" mà không cấp ở Châu Đức tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thực ra cũng là một hình thức "thiếu nợ" giáo viên. Vì vậy giáo viên vốn đã nghèo nay lại trở thành những chủ nợ bất đắc dĩ!

Tự cứu mình

Cô M. đã có gần 20 năm dạy môn Toán ở một phường trung tâm của TP Phan Thiết. Dạy ở trường dù chưa đủ số tiết quy định, nhưng cô được dạy toán hai lớp 9. Vậy là trong căn nhà cấp 4 chật chội, cô bố trí 4 bộ bàn ghế để dạy thêm. Ngoài giờ dạy ở trường, cô luôn luôn có đến 3 suất học trong ngày ngay tại nhà. Ngoài ra, cô còn nhận kèm một nhóm đặc biệt 6 em lớp 7 do cha mẹ các em gửi với chi phí đặc biệt. Với công sức bỏ ra cho việc dạy thêm, mỗi tháng cô M. cũng kiếm thêm được hơn 3 triệu đồng - một khoản tiền cao hơn lương chính của cô. Cô M. tâm sự: "Ở thành phố chi phí cao lắm anh ạ. Nếu không dạy thêm thì không đủ trang trải cuộc sống với 2 đứa con đều đang tuổi ăn tuổi học".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay hầu hết giáo viên dạy các môn tự nhiên, văn, ngoại ngữ của TP Phan Thiết đều có dạy thêm dưới mọi hình thức. Riêng giáo viên cấp THPT thì tỷ lệ này cao hơn nhiều. Cá biệt có trường gần như 100% giáo viên các môn tự nhiên và ngoại ngữ đều dạy thêm dưới mọi hình thức (cả do trường đứng ra tổ chức). Đây là cách kiếm tiền duy nhất và "hợp pháp" nhất của đội ngũ giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, đó chỉ là ở thành phố, còn giáo viên ở các vùng nông thôn khó khăn thì đành phải thắt lưng buộc bụng với đồng lương "ba cọc ba đồng" của mình.

Ai quan tâm?

Trở lại chuyện giáo viên trường THCS Sơn Lâm (Bắc Bình, Bình Thuận), chúng tôi được thầy Lâm Hồng Đạt - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Đời sống anh em giáo viên tụi mình vẫn thế! Quan điểm của lãnh đạo Phòng giáo dục là vẫn phải cố gắng tự khắc phục những khó khăn". Sau khi Báo Thanh Niên phản ánh giáo viên của trường vùng cao này phải ngủ võng vì không có giường, hai giáo viên nữ ngủ chung một giường, Công đoàn ngành giáo dục huyện đã cho 6 chiếc giường vải (ghế xếp). Hiện nay các thầy cô giáo vẫn phải ăn ở với điều kiện khó khăn như cũ vì công trình nhà tập thể ở khu tái định cư có thể không hoàn thành vào tháng 12 như dự kiến. Theo ông Nguyễn Văn Hiến - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận: "Ngân sách các trường THCS là do huyện quản lý. Sở đã đốc thúc ban quản lý dự án mau chóng thi công để bàn giao sớm nhà tập thể cho giáo viên ở. Nhưng công trình này lại không thuộc chức năng quản lý của Sở GD - ĐT". Trao đổi với Thanh Niên, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Thuận Trần Đức Minh nói: "Toàn ngành giáo dục tỉnh có gần 17 nghìn người ăn lương. Chi phí cho giáo dục đã chiếm 2/3 ngân sách hằng năm của tỉnh. Chăm lo cho đội ngũ giáo viên là trách nhiệm của các cấp các ngành và toàn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, với cơ chế mỗi địa phương mỗi cấp ngân sách hiện nay thì Sở GD - ĐT chỉ quản lý đội ngũ các trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên. Còn giáo viên từ mầm non đến THCS đều do các huyện tự chủ quản lý cả về con người và ngân sách".

Giáo viên là "cái gốc" của chất lượng nền giáo dục hiện nay. Đời sống của họ còn bấp bênh chừng nào thì việc nâng cao chất lượng dạy và học còn khó khăn chừng nấy...

Q.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.