Âm mưu khủng bố tàn bạo nhằm vào Anh, Mỹ

21/10/2006 19:37 GMT+7

Khi những tòa cao ốc vừa đổ sụp xuống sau các vụ nổ bom, vũ khí phóng xạ sẽ được sử dụng để làm vết thương trầm trọng hơn. Đó là kế hoạch tấn công man rợ nhất nhằm vào Anh và Mỹ của chủ nghĩa khủng bố.

Gas Limos Project

Là kế hoạch chính của nhóm khủng bố do Dhiren Barot, một người Anh gốc Ấn, cầm đầu, Gas Limos Project (tạm dịch: Dự án tấn công bằng xe limousine) được coi là kịch bản man rợ nhất mà chủ nghĩa khủng bố từng nghĩ ra sau thảm kịch 11/9/2001 tại Mỹ. Theo kịch bản, nhóm hành động của Barot sẽ sử dụng 3 chiếc xe limousine chở đầy ống đựng khí propane và chất nổ. Sau đó, các sát thủ sẽ lái xe xuống bãi đậu nằm bên dưới các tòa nhà đông người để kích nổ.

Đó là kế hoạch thứ nhất trong chuỗi những dự án man rợ mà Dhiren Barot dự định tiến hành. Song song với Gas Limos Project, nhóm của Barot còn có một dự án nữa mang tên Radiation Project (tức Dự án bom bẩn). Dự án này có thể hỗ trợ cho dự án khủng bố bằng xe limousine, cũng có thể được tiến hành độc lập. Theo ý định của Barot, sau khi những chiếc limousine nổ tung, đánh gục những tòa nhà đông người, nhóm khủng bố sẽ bồi tiếp bom bẩn, được làm từ vật liệu phóng xạ. Bom bẩn hầu như không có khả năng giết người ngay tức thì, nhưng loại vũ khí này còn nguy hiểm hơn cả những khối thuốc nổ khổng lồ bởi nó có thể khiến nhiều người nhiễm phóng xạ, gây ra những chứng bệnh vô phương cứu chữa, gây hoảng sợ và hoảng loạn khắp nơi. Theo các chuyên gia chống khủng bố, đòn tấn công kiểu này còn nguy hiểm hơn cả việc sử dụng máy bay dân dụng đâm vào nhà chọc trời trong vụ 11/9/2001.

Mục tiêu tấn công

Anh và Mỹ "được" nhóm của Barot chọn để giới thiệu với thế giới loại hình khủng bố man rợ và tinh vi này. Tất cả các đòn tấn công của Barot đều được tiến hành bất ngờ, không cảnh báo trước. Theo báo cáo của Ủy ban điều tra vụ 11/9 của Mỹ, từ đầu năm 2001, trùm khủng bố Osama bin Laden đã bắt đầu điều một số phần tử người Anh tới Mỹ để tìm hiểu nhằm vạch kế hoạch tấn công vào các cơ sở kinh tế và các mục tiêu của dân Do Thái tại New York. Những chuyến tiền trạm này không chỉ phục vụ cho đòn khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 mà còn được sử dụng cho một kế hoạch đồ sộ hơn, đó là các dự án về bom bẩn của Barot.

Khi khám xét nơi làm việc của Barot vào năm 2004, các chuyên gia chống khủng bố Anh đã tìm thấy bản kế hoạch tỉ mỉ. Trong đó, Barot có miêu tả hai kế hoạch mang tên Rough Presentation và Final Presentation (tạm dịch là Màn tấn công dữ dội và Màn tấn công cuối cùng), được coi là kịch bản cho việc tấn công nước Mỹ. Người ta còn tìm thấy các cuộn video do chính Barot quay khi đến New York vào đầu năm 2001, mô tả chi tiết các mục tiêu mà nhóm khủng bố dự định tấn công. Các nhà điều tra đã không khỏi rùng mình khi xem qua danh sách các mục tiêu. Đó toàn là những trung tâm kinh tế lớn của nước Mỹ và thế giới. Đó cũng là những nơi rất đông người. Nếu các đòn tấn công của Barot được thực hiện trót lọt, con số thương vong sẽ lớn khủng khiếp và nỗi sợ hãi sẽ lan tỏa khắp hành tinh.

Trong số các mục tiêu mà Barot nhằm vào tại Mỹ thì Trung tâm chứng khoán New York được đặt lên vị trí ưu tiên. Tiếp sau đó là tổng hành dinh của Tập đoàn Tài chính Citigroup ở khu Manhattan tại New York và trụ sở Tập đoàn Prudential Financial ở Newak. Các mục tiêu tại thủ đô Washington bao gồm trụ sở Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, một loạt mục tiêu tại Anh cũng được đưa vào tầm ngắm, trong đó có bãi đậu xe ở sân bay Heathrow.

Chân dung sát thủ

Thủ lĩnh khủng bố Dhiren Barot. Ảnh: AP

"Giết càng nhiều người vô tội càng tốt", đó là mục tiêu hành động của Dhiren Barot (có tên khác là Esa al-Hindi), hiện 34 tuổi. Barot đã bị bắt vào tháng 8/2004, khiến các dự án kinh hoàng trên đây chưa được thực hiện. Hồi đầu tháng này, kẻ khủng bố người Anh gốc Ấn đã thú nhận kế hoạch tội ác của mình trước một tòa án tại London. Tuy nhiên, đến nay thì nhiều thông tin liên quan đến nhân vật này vẫn còn bí ẩn.

Barot chào đời trong một gia đình theo đạo Hindu người Ấn Độ. Các chuyên gia điều tra cho biết gia đình của Barot đã sống ở Kenya một thời gian trước khi đến Anh lúc gã khủng bố tương lai mới 1 tuổi. Họ sống trong một ngôi nhà cũ kỹ tại khu Kingsbury, tây bắc London. Barot có học lực trung bình, rất yêu âm nhạc và dự định sẽ làm việc trong ngành du lịch, khách sạn. Tuy nhiên, những dự định tương lai đẹp đẽ đó đã không đến.

Năm lên 20, Barot bất ngờ cải sang đạo Hồi và đây được coi là bước ngoặt quyết định. Barot thường xuyên cãi cọ với cha và tư tưởng cực đoan cứ lớn dần trong tâm hồn của gã thanh niên gốc Ấn. Sau đó, hắn đã thực hiện chuyến "hành hương" sang vùng Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Pakistan để tìm hiểu về thánh chiến. Điều khó hiểu là cho dù mang dòng máu Ấn, Barot lại cùng các tay súng Hồi giáo Pakistan liên tục đọ súng với quân Ấn Độ tại khu vực Kashmir nóng bỏng. Barot có thể đã gia nhập al-Qaeda hoặc một mạng lưới khủng bố tương tự tại đây. Trong thời gian này, Barot còn viết một cuốn sách có tựa The Army of Madinah in Kashmir (Quân đội của Madinah tại Kashmir), đúc kết kinh nghiệm của bản thân về các kỹ năng và chiến thuật giết binh sĩ Ấn Độ.

Sau khi đã thể hiện bản lĩnh trên chiến trường Kashmir cũng như đã hiểu rõ về "thánh chiến", Barot trở về Anh và được giao nhiệm vụ thực hiện 4 kế hoạch khủng bố, trong đó có Gas Limos Project và Radiation Project. Nhóm của Barot tại Anh hoạt động khá độc lập, không thường xuyên liên lạc với thượng cấp và được al-Qaeda gọi là "Britani", có thể hiểu là "Chiến binh người Anh". Đến thời điểm bị bắt vào tháng 8/2004, nhóm của Barot chưa có quỹ, xe cộ hoặc các chất liệu để chế tạo bom. Tuy nhiên, các vụ phá án tại Anh và châu u trong thời gian trước đó cho thấy bọn khủng bố đã ráo riết lùng mua chất liệu phóng xạ, vốn có nguồn gốc từ Cộng hòa Chechnya thuộc Nga.

Dấu vết al-Qaeda

Thủ lĩnh mạng lưới khủng bố al-Qaeda, ông trùm Osama bin Laden, là kẻ đã phái các "Britani" tới Mỹ để tìm hiểu tình hình vào đầu năm 2001. Tài liệu của cơ quan điều tra tại Anh cho biết điều đó. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa nhóm của Barot và al-Qaeda không được thể hiện rõ rệt lắm. Trong hồ sơ xét xử tại Mỹ, không hề có cáo buộc nào nói rằng Barot quan hệ với al-Qaeda hoặc đóng một vai trò nào đó trong vụ khủng bố 11/9/2001. Phó tổng chưởng lý Mỹ James Comey diễn giải: "Tôi không hề nói rằng nhóm này không có mối liên hệ với al-Qaeda. Tôi chỉ nói rằng chúng tôi không cáo buộc sự liên quan tới al-Qaeda trong bản cáo trạng này".

Sau vụ Khalid Shaikh Mohammed, một nhân vật cộm cán của al-Qaeda, bị bắt tại Pakistan hồi năm 2003, một số thông tin về hoạt động của Barot đã được tiết lộ. Qua đó, người ta có thêm cơ sở để khẳng định rằng Barot có mối quan hệ rất chặt chẽ và bí mật với al-Qaeda. Các kế hoạch tấn công mà nhóm khủng bố do Barot dự định thực hiện có thể là tác phẩm của chính ông trùm Osama bin Laden. Rất may, khi kế hoạch này còn nằm trên giấy thì mạng lưới của Barot đã bị phá.

Vụ phanh phui âm mưu khủng bố nói trên là một thắng lợi của chiến dịch hợp tác giữa nhà chức trách Anh và Mỹ. Tuy nhiên, phía sau thắng lợi đó là một thực tế đáng sợ. Đó là trong lòng xứ sở sương mù ngày nay, có rất nhiều nhóm khủng bố nguy hiểm, vốn là tập hợp những công dân Anh theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, thường có gốc gác Nam Á. Các nhóm này đã triển khai rất nhiều kế hoạch tàn bạo mà đòn tấn công đẫm máu nhất là sự kiện khủng bố ngày 7/7/2005 khiến 52 người thiệt mạng và 700 người bị thương. Mới đây, thế giới lại thêm một lần rùng mình khi cảnh sát Anh đập tan một âm mưu đánh bom trên 10 chiếc máy bay chở khách xuyên Đại Tây Dương.

Cảnh sát Anh đã phá nhiều âm mưu khủng bố kinh hoàng. Ảnh: AP

Đỗ Hùng
(Theo SFGATE, The Times, Telegraph)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.