Nỗi lo chậm trễ

11/07/2013 03:10 GMT+7

Điều lo ngại nhất trong việc triển khai gói ưu đãi lãi suất 6% trị giá 30.000 tỉ đồng cho vay mua nhà xã hội là sự chệch hướng lẫn chậm trễ đã thành hiện thực. Kéo theo nó là những rủi ro, rắc rối mà đối tượng chính của gói hỗ trợ là người thu nhập thấp lại là người phải gánh chịu.

Đến lúc này, gần 1 tháng rưỡi trôi qua, nhưng đối tượng vay được tiền với lãi suất 6% vẫn đếm trên đầu ngón tay. Sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn khiến người dân hết sức khó khăn và nản lòng khi tiếp cận với gói hỗ trợ. Trong khi đó, tại TP.HCM hiện nay, khá nhiều chủ đầu tư đã "đón đầu" chẻ nhỏ căn hộ cho vừa với gói 30.000 tỉ đồng để bán cho khách hàng khi chưa hề được cấp phép. Tự ý chẻ nhỏ căn hộ, cái sai của chủ đầu tư là không cần bàn cãi. Nhưng điều đáng nói là, các căn hộ chẻ nhỏ này bán rất chạy. Có thể thấy, nhu cầu căn hộ nhỏ, có giá trị thấp trên thị trường là rất lớn. Vì thế, trước khi gói hỗ trợ được triển khai, nhiều chủ đầu tư đã "đệ đơn" xin chẻ nhỏ căn hộ để "lọt" vào gói 30.000 tỉ đồng. Được hay không được, tiêu chí, điều kiện cụ thể thế nào, cần phải làm sớm, làm nhanh, làm rõ. Đằng này, hồ sơ nộp cứ nộp, còn chủ đầu tư "chẻ" cứ chẻ, bán cứ bán. Chỉ tội người dân, thấy vừa túi tiền, thấy hứa hẹn được hỗ trợ cái này, cái kia là mua mà không biết rằng, căn hộ cả đời họ mơ ước thực tế chưa được phê duyệt.

Điều đáng lo ngại hơn là việc đi chệch hướng của gói hỗ trợ, chệch cả về đối tượng lẫn mục đích. Về đối tượng, theo quy định, 70% giá trị gói hỗ trợ là dành cho các đối tượng đủ điều kiện vay, nhưng trong khi người thu nhập thấp rất khó tiếp cận vốn lãi suất ưu đãi như nói trên thì khá nhiều doanh nghiệp (DN) đã vay được. Có ngân hàng lại tuyên bố phân bổ 60% cho DN, 40% cho người tiêu dùng trong 3 năm đầu tiên. Tuy nhiên, theo quy định, tỷ lệ của gói này là 70% cho người dân vay và 30% cho DN. Chệch hướng thứ hai là cho vay triển khai xây dựng dự án mới trong khi mục tiêu của gói này là tháo tồn kho, nút thắt lớn nhất trên thị trường bất động sản nhiều năm nay.

Còn nhớ khi gói hỗ trợ mới chỉ ở dạng đề án, một cuộc tranh luận nảy lửa về việc nên hay không nên giải cứu bất động sản đã nổ ra. Những ý kiến phản đối đều xuất phát từ lo ngại vấn đề lợi ích nhóm, vấn đề giải cứu sân sau của các ông chủ lớn trên thị trường bất động sản. Thế nhưng, với mục tiêu rất rõ ràng giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu, đồng thời hỗ trợ cho cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp ở đô thị tiếp cận với khả năng tạo lập nhà ở xã hội, hoặc mua nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ..., chính phủ đã quyết liệt thực hiện gói hỗ trợ này.

Chỉ tiếc rằng mục đích tốt đẹp nhưng khi triển khai hướng dẫn thực hiện lại quá chậm trễ và đang có dấu hiệu đi chệch hướng. Nếu không kịp thời chấn chỉnh, đưa vốn đến đúng địa chỉ, đúng người, đúng mục đích thì hệ lụy là rất lớn.

Nguyên Hằng

>> Nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn nằm trên giấy
>> Hà Nội bị "tuýt còi" vì quy định người được mua nhà thu nhập thấp
>> Nhà thu nhập thấp giá 10,3 triệu đồng/m2
>> Nhà cho người thu nhập thấp giá quá cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.