Môi giới gặp nạn

15/11/2008 23:37 GMT+7

Gần 1 năm trời mất giá và đóng băng, thị trường bất động sản làm cho những nhà đầu tư rơi vào tình trạng khó khăn vì chôn vốn. Hàng loạt công ty môi giới tranh thủ ra đời để “đáp ứng nhu cầu thị trường” thời điểm nóng cũng đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Việc Công ty môi giới bất động sản P. (TP.HCM) năm 2007 từng làm mưa làm gió, khiến những công ty cùng lĩnh vực này “ghen tị” bởi quy mô lên tới 15 văn phòng giao dịch trải đều ở nhiều tỉnh Nam Bộ và vài trăm nhân viên trong hệ thống. Tuy nhiên, đến lúc này Công ty P. đã phải đóng cửa trên 10 văn phòng, cho nghỉ việc cả trăm nhân viên do thị trường bất động sản đóng băng. Nhiều công ty môi giới khác cũng phải tự đóng cửa hàng loạt bởi không có khách hàng.

Xung quanh sự việc này đang dấy lên câu hỏi, nếu tình trạng đóng băng trên thị trường bất động sản kéo dài thêm một thời gian nữa, sẽ có bao nhiêu công ty môi giới phải đóng cửa? Câu trả lời là rất nhiều. Trên thực tế, nhìn lại thị trường môi giới bất động sản hiện nay cho thấy, phần môi giới tiêu dùng hoạt động rất ít (ví dụ như tại Công ty cổ phần bất động sản ACB), trong khi hầu hết các công ty, sàn giao dịch còn lại đều tập trung vào môi giới đầu tư, chủ yếu là môi giới dự án đất nền hay căn hộ. Nhưng đây chính là thị phần rơi vào tình trạng mất giá nhiều nhất và đóng băng gần một năm nay. Vì vậy, các công ty môi giới này “hết cửa” làm ăn là điều dễ hiểu. Điều này chẳng bù vào thời điểm thị trường nóng cuối năm 2007, các công ty môi giới đã hốt bạc với tần suất mua bán liên tục ở mức độ cao trong thị phần đất nền và căn hộ. Hàng loạt công ty môi giới bất động sản nhanh chóng được mở ra; các công ty cũ cũng đua nhau mở rộng quy mô để “đón gió” các cơn sốt trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng thời điểm đầu năm 2008 đã khiến các công ty môi giới đầu tư rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Hầu hết hoạt động cầm chừng để chờ thời hoặc đứng bên bờ vực phá sản. Dạo quanh một vòng tại các công ty môi giới, sàn giao dịch hiện nay đều thấy, hầu hết đều chỉ hoạt động cầm chừng với 1 - 2 nhân viên ngồi trực điện thoại. 90% các sàn giao dịch đều làm việc giờ hành chính và nghỉ 2 ngày cuối tuần, dù trước đây, cuối tuần mới là thời điểm nhiều người đi xem nhà, xem đất. Một số sàn giao dịch mới lập ra nhưng cũng chỉ để bán dự án của công ty mẹ và làm các thủ tục liên quan nhưng tình trạng cũng ế ẩm...

Nhận xét về tình trạng này, một chuyên gia bất động sản cho biết, môi giới tiêu dùng trên thực tế rất vất vả, để có một giao dịch thành công có khi phải đưa khách đi xem nhà đến hàng chục lần; công ty cũng phải xem xét, tìm hiểu rất kỹ về tình trạng pháp lý, quy hoạch, giá của bất động sản được ký gửi... Trong khi môi giới đầu tư thì đơn giản hơn nhiều, hầu hết dự án được bán trên giấy nên cũng không phải đi xem, chỉ cần có sản phẩm là bán được. Nhưng khi thị phần đất dự án và căn hộ đang bị đóng băng thì những công ty môi giới tập trung ở mảng này lập tức đối mặt với khó khăn, thậm chí phá sản là điều đương nhiên.

Môi giới đầu tư hay môi giới tiêu dùng đều cần thiết cho thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào một mảng nóng mà không có những mảng môi giới mang tính bền vững thì rất khó có thể trụ vững trên thị trường đầy biến động hiện nay. 

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.