Lập lờ chuyện đào tạo nghệ sĩ

23/10/2008 22:09 GMT+7

Quá nhiều cơ sở, trung tâm đào tạo ca sĩ, diễn viên, MC, người mẫu... mọc lên trong thời xã hội hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, rất ít nơi có được giấy phép hành nghề đúng nghĩa.

Thế nào là đào tạo đúng quy định?

Hiện nay, ngoài hệ thống đào tạo diễn viên, ca sĩ do Nhà nước quản lý như trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội, Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM, Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TP.HCM... thì các lò đào tạo tư nhân cũng đang hoạt động rôm rả. Có thể kể hàng loạt như: Việt Phim, Vietcast, MTS, Lý Nhã Kỳ, John Robert Powers, HK, PL, Elite Vietnam, Sena Phim, Nhạc Xanh, Cá Vàng, Music Box Entertainment...

Nhưng theo thống kê của Phòng Dạy nghề Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM thì chỉ có Công ty TNHH San Hô Đỏ (John Robert Powers) là được cấp giấy phép đào tạo nghề MC và người mẫu. Ngoài ra, theo Sở LĐ-TB-XH thì giấy phép đào tạo người mẫu cũng chỉ được cấp cho Trung tâm dạy nghề thẩm mỹ Ba Lê (nhưng nay đã tạm ngưng hoạt động). Một vài cơ sở dạy thanh nhạc, khí nhạc như Hóa Quang, Suối Nhạc cũng có xin phép đào tạo nghề. Phần nhiều còn lại đều không có giấy phép.

 
Nghề người mẫu đang hấp dẫn giới trẻ nhưng nhiều nơi dạy mà không có giấy phép đào tạo - Ảnh: Đỗ Tuấn

Theo quy định hiện hành: Một công ty được phép chuyên doanh trong lĩnh vực nào thì có quyền đào tạo nhân lực phục vụ công việc, hoạt động cho bản thân công ty đó. Trường hợp đào tạo mở rộng buộc phải có giấy phép do Sở LĐ-TB-XH tỉnh thành cấp. Nếu công ty tự đào tạo nhân lực muốn cấp văn bằng, chứng chỉ hành nghề thì cũng phải đăng ký ở Sở LĐ-TB-XH. Đây chính là "kẽ hở" để các công ty tư nhân xin giấy phép tổ chức, hoạt động biểu diễn hay quảng cáo, tuyển diễn viên... "lập lờ đánh lận con đen" trong việc chiêu sinh đào tạo mở rộng.

Gấp rút chấn chỉnh

Hiện Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) chịu trách nhiệm về quy chế tổ chức biểu diễn, trong khi Sở LĐ-TB-XH phụ trách quy chế đào tạo nghề. Vấn đề là không cơ quan hay đơn vị nào của Nhà nước quản lý chất lượng đào tạo tại các trung tâm, cơ sở, công ty tư nhân này (do không cấp phép). Mặt khác với đầu vào không thi tuyển, chỉ ghi danh đóng học phí thì các trường tư nhân khó lòng kiểm soát được chất lượng đầu ra.

Sena Phim là hãng phim tư nhân đầu tiên đang tiến hành thủ tục xin cấp phép đào tạo diễn viên điện ảnh, truyền hình. Tuy nhiên, thủ tục xin phép vẫn còn nhiêu khê do đây là loại hình đào tạo mới nên Sở LĐ-TB-XH phải làm việc với Sở VH-TT-DL xác định điều kiện nhập học: trình độ văn hóa, sức khỏe, các yếu tố cần thiết để hành nghề...

Qua thông tin từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, rất nhiều cơ sở tư nhân đang dạy nghề diễn viên, ca sĩ, MC, người mẫu nhưng quá ít nơi đăng ký đào tạo do đang tận dụng "kẽ hở" của luật lao động. Vì vậy việc quản lý đầu vào và cả đầu ra trong lĩnh vực này dường như đang bị thả nổi. Các biện pháp chế tài cần thiết cũng chưa được xử lý mạnh để các nơi vi phạm chấn chỉnh lại việc đào tạo. Và cứ thế người học cứ học còn người dạy cứ dạy mà người tài trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, thời trang thì đúng là mò kim đáy bể.

"Riêng trường hợp các công ty, trung tâm tư nhân đào tạo diễn viên, ca sĩ, người mẫu, MC... để giải quyết nhu cầu của chính họ thì không vấn đề gì nhưng đào tạo cho xã hội thì rõ ràng đã vi phạm luật lao động. Nếu các hãng phim tư nhân đào tạo diễn viên phục vụ cho phim họ sản xuất thì không phạm luật nhưng phải báo cáo kết quả đào tạo cho Sở LĐ-TB-XH nắm rõ. Ngược lại đào tạo diễn viên đại trà cho nhiều nơi khác thì buộc phải có giấy phép" - ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM

"Theo quy chế nghề nghiệp thì khi mở trung tâm, cơ sở dạy nghề đều phải tuân theo quy định về trình độ học vấn, giáo trình, giáo án... Tất cả những thủ tục này đều do Sở LĐ-TB-XH quy định. Sở VH-TT-DL chỉ phối hợp cùng Sở LĐ-TB-XH để làm chặt chẽ hơn những quy định trên" - Ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật Sở VH-TT-DL TP.HCM

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.