Truyện ngắn: Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng

28/11/2009 16:31 GMT+7

Ông chú tôi ở Mỹ về. Thời trai trẻ ông rất đẹp trai, dù chạy xe thồ bữa đói bữa no đội mưa đội nắng, chèo đò chở khách sương sớm gió khuya, vẫn đẹp.

Người ta dang nắng một hai ngày da đã bắt nắng, còn chú tôi không thế, cứ như ánh mặt trời không thể tác động tới ông. Nhưng hành nghề xe thồ mà quá trắng trẻo thư sinh, xem chừng rất không nên. Bằng chứng là ông không ít lần đối mặt với những ông chồng hay ghen hoặc những đồng nghiệp bụng dạ hẹp hòi. Nhẹ thì không dưng bánh xe bị xẹp, nặng thì mượn rượu gây sự không cho đứng đón khách.

Của đáng tội, ai ghét thì ghét chứ các bà các cô thì cứ một mực đòi ông chở, đòi bao nhiêu trả bấy nhiêu, không mặc cả. Của đáng tội, cũng không ít lần ông không lấy tiền công. “Được chở em là hạnh phúc lắm rồi!”. Cuộc đời chú tôi vạ từ miệng mà ra. Ngọt  miệng với đàn bà vậy thôi, rủng rỉnh rượu chè phách lối vậy thôi chứ không xấu bụng, không thù ai ghét ai, không đủ gan làm những việc một người đàn ông có thể làm. Nhưng vạ đàn bà thì vẫn nhiều nhất.

Bây giờ, tóc đã điểm sương, trông chú tôi càng đẹp, càng đôn hậu. Đến thắp hương cho ba tôi, chú cháu hẹn gặp nhau trên quê Trung Phước. Gia đình tôi thường khi hẹn nhau về quê, thì phải nói rõ quê nào. Quê gốc ở Hội An, nhưng cố tôi lên lập nghiệp ở Trung Phước, mở ra một quê mới cho lũ con cháu. Quê hương Hội An ghi trong lý lịch, là nơi chúng tôi hay về, thắp hương cho ba tôi, nội tôi, còn Trung Phước thì mỗi năm một hai lần, vì đường xa.

Trước khi ba tôi mất vài tháng, mọi người trong nhà cùng bà con nội ngoại xa gần đã hoàn thành ước vọng của ông, là xây một nhà lưu niệm ngay trên đất vườn xưa của nội tôi. Đất này giờ đã là của người khác, một người hiểu đạo lý, sẵn sàng nhường một phần vườn không chút đắn đo, không lấy một xu. Bữa khánh thành nhà lưu niệm có diễn những trích đoạn tuồng đặc sắc, có quay phim chụp hình.

Những lớp tuồng Soi đèn,  Kim Lân biệt mẹ, Hoàng Phi Hổ lăn trướng... diễn ngay trên hiên nhà lưu niệm gợi nhắc những tháng ngày xa xưa, khi tuồng vẫn còn rất hưng thịnh. Những giọt nước mắt len lén trên má ba tôi, bàn tay ông kín đáo đưa lên lau sạch, không muốn ai nhìn thấy. Có thể ba tôi đã linh cảm những lớp tuồng bữa ấy là những lớp tuồng cuối cùng ông được xem.

Nói chung không khí buổi lễ rất cảm động, đầm ấm. Nhưng con đường dẫn vào nhà lưu niệm chưa kịp làm thì ba tôi mất. Chú tôi về, để làm nốt con đường, “Cho ấm lòng ba con”, chú bảo thế.

Ông chú làm ngân hàng lái xe tới đón với một ông chú khác. Xe vào Hội An rước thêm một ông chú nữa. Trong cuộc đi này tôi là phận con cháu. Nhưng chú cháu tuổi sàn sàn nhau, nên ngoài cách xưng hô thì giữa tôi với các ông không có sự cách biệt. Cách biệt duy nhất là các chú của tôi đã để lại tuổi thơ trên từng khóm cây bụi cỏ trong khi tôi hệt như một người xa lạ.

Xe tới khe Giao, một trong ba ông chú đọc thơ của “cậu cả”, tức nội tôi : “... Ngơ ngáo thuyền tình nơi bến Ý/ Thẹn thùng lời ước giữa khe Giao...”. Nghe nói nội tôi là người tài hoa và đào hoa, giỏi làm thơ và giỏi cả thuốc Bắc. Nhưng nếu cố tôi ngày rời Hội An ngược dòng Thu Bồn đã dán đôi câu đối trên mạn thuyền “Thừa phong trục phá thiên trùng lãng/ Đắc vận hoành khai bá vạn tài” tỏ rõ chí khí hào kiệt, một bàn tay trắng dựng nên cơ nghiệp thì nội tôi bất đắc chí với thời cuộc, mượn rượu giải sầu rồi vì rượu mà vĩnh biệt cõi nhân gian.

Bến Ý, Khe Giao, Chợ Mù U, Đèo Le, ngọn Cà Tang, núi Chúa... Hình như mỗi địa danh đều gắn với một kỷ niệm nào đó của các chú tôi... Trận lụt năm Thìn trên dưới bốn nghìn người chết. Làng Đông An hơn năm trăm khẩu còn không đầy hai mươi. Biết mình sẽ chết, người ta chủ động cột tay vào ngọn cây, mong khi nước rút có thể tìm được xác. Vậy rồi cây cũng trôi, xác vẫn mất. Nội tôi rượu vẫn chưa tỉnh, đánh rơi mái chèo nước cuốn mất tăm, phải lần theo các mái nhà còn thoi thóp trên mặt nước dìu ghe tới Hý viện, nơi bây giờ là chợ...

Cuộc trò chuyện trên xe không có một chủ đề, không theo trật tự thời gian, chuyện vui  buồn, được mất, rủi ro may mắn... Nhưng khi những người đàn ông góp mặt, thì nhiều hơn vẫn là chuyện người đẹp, những người đẹp mà các chú của tôi từng ngưỡng mộ. Hễ nhắc tới cô này cô kia, tôi lại có cảm giác các chú của tôi vẫn mới mười tám đôi mươi, đủ sức dời non lấp biển.

Cô Bích Đào chao đảo một vùng Tiên Phước. Cô Nguyệt xiêu thành đổ quán đất Thăng Bình... Các chú không ai chịu ai, tranh nhau nói, tranh nhau chứng minh ai đi chơi với cô này trước, ai quen cô kia sau, rồi chép miệng, rồi cảm thán... Các chú tôi mỗi người một phận nhưng đều có sao hoa cái trong tử vi. Ông chú làm ngân hàng làm hết nước mắt những nàng Eva kiều diễm, thời bao cấp nghỉ việc ngân hàng đi buôn sắn lát trước khi trở lại ghế giám đốc, kiếm bạc tỉ trên thị trường chứng khoán, sàn vàng...

Câu chuyện trên xe miên man, lui về tận thời các chú cắp sách tới trường, đệ thất đệ lục, đệ tứ đệ tam, ngôi trường Viên Minh ở Hội An quê cũ...

***

Sau khi loanh quanh ở nhà lưu niệm, đi tới đi lui trên con đường mới đổ bê tông phẳng phiu, chúng tôi về nhà cô con gái của ông chú ở Mỹ. Diệu Hân, tên đẹp người cũng đẹp, một thời nghiêng nước nghiêng thành, vậy mà ở vậy nuôi con từ ngày chồng mất, dễ đã mười lăm năm. Thời gian hình như đã bỏ quên cô em tôi. Cô vẫn đẹp, vẻ đẹp nguy hiểm của một người đàn bà: mặn mà, đằm thắm, bóp chết trái tim người đàn ông nào đã trót nhìn ngắm, ao ước cô.

Diệu Hân mỉm cười chào tôi, làn môi đỏ hồng và nước da trắng trứng gà bóc. Ông chú ngành ngân hàng nheo mắt nhìn cô cháu, thở dài thương tiếc cho cháu với những đêm dài cô đơn. Chúng tôi trải chiếu ngồi dưới đất. Thịt gà xé chốn sơn cùng thủy tận có vẻ thơm và ngọt hơn cả gà đèo Le nổi tiếng. Tôi khen người luộc gà khéo tay. Đôi mắt của người đẹp ném cho tôi cái nhìn ngụ ý “Em biết anh chỉ nịnh thôi!”. Mắt tôi trả lời “Nhưng có phải cô nào cũng đáng nịnh như em đâu”. 

Mỗi lần gặp nhau ở chốn đông người, tôi và cô em vẫn chuyện trò bằng mắt, cố giữ một khoảnh trời riêng. Chai whisky vô cùng thích hợp với một ngày không nắng chẳng mưa.

Lưng lưng chai thứ hai thì câu chuyện đã rất rôm rả. Vẫn chuyện xưa của những người già và sắp già. Ông chú ở Mỹ ngồi cạnh tôi, chuyện trò về cái thời khốn khó, thời tôi đã mua sách vở cho con ông tới trường và mua rượu gạo đãi ông, thời người đói ít nhường chút đỉnh cơm gạo cho người đói nhiều. Cuộc đời con người dâu bể họa phúc khôn lường. Đang xênh xang xe ngựa người này chào người kia đón thì còng lưng đạp xe thuê trên những dặm đường lồi lõm. Đang gạo trắng nước trong vịt quay gà nướng thì chỉ còn trệu trạo vài khúc sắn chai.

Thế mà rồi cũng qua hết. Trời không thể không thương kẻ nhẫn, người không thể không biết thương đời. Rượu vào đâm ra cảm khái, nửa vui trộn với nửa buồn. Diệu Hân từ bếp ra đưa cho tôi lon sô-đa. Đôi mắt cô bảo “Uống ít thôi, kẻo say”. Đôi mắt tôi trả lời “Anh say từ lúc chưa uống”. Đôi mắt cô cười “Sến!”. Đôi mắt tôi đồng tình “Không hiểu sao anh cứ nói linh tinh”. Đôi mắt Diệu Hân tư lự “Thế thì đừng nói nữa”.

Tôi tính đổi đề tài, để giải thoát một mối nghi ngờ. Nhưng mắt tôi chưa kịp nói thì Diệu Hân đã ném cho tôi một cái nhìn tấm tức, đoán trước được câu hỏi của tôi “Họ bảo em ở vậy để ba em có thể bảo lãnh em sang Mỹ chứ gì”. Tôi biết phải lập tức dỗ cô em, dập tắt cơn giận trước khi nó bùng lên thành đám cháy. “Người ta bảo em thương con, em đi vì tương lai của chúng...”. Đôi mắt Diệu Hân lập tức dịu lại. Nhắc tới con cái, không người mẹ nào không mềm lòng. “Nhưng sao đến giờ em vẫn chưa đi?”. “Đàn ông các anh thật lạ. Ở đâu không sống được, cứ gì phải sang Mỹ!”. Một câu trả lời không thuyết phục, “Thế tại sao em ở lại?”. “Chẳng tại sao cả!”. “Không lý do để đi, không lý do để ở lại. Nghĩa là thế nào?”. “ Nghĩa là anh ngốc!”.

Đôi mắt Diệu Hân tươi rói một nụ cười, cứ như cô vừa giăng bẫy và tôi là kẻ dại dột sa chân. Mỗi khi không muốn trả lời tôi, Diệu Hân vẫn lặp lại trò này và cô luôn thành công. “Không chừng... không chừng mai mốt em đi”. Đàn bà thật không dễ đoán định, đàn bà đẹp lại càng như thế. Chẳng biết cô em của tôi đùa hay thật nữa. Ngày xưa cô Nguyệt đã đi, cô Bích Đào đã đi. Giờ sắp đến lượt Diệu Hân. Hình như đất quê tôi không giữ được chân người đẹp...

Một cơn gió từ cánh đồng thổi vào, tiếng sấm ì ầm phía chân trời, báo hiệu một cơn mưa. Từ bên nhà hàng xóm tiếng ru con vọng sang, tiếng được tiếng mất. Nhưng lời ru nằm lòng nên chỉ cần nghe một hai tiếng đã biết. “À ơi... ngó lên hòn Kẽm đá Dừng/Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi...”. Hòn Kẽm. Qua Tí, qua Sé, qua Thạch Bích, dòng Thu Bồn càng về nguồn càng nhỏ hẹp, hòn Kẽm bất chợt hiện ra, đá dừng hết lại, không còn chỗ bước tiếp. Đấy là giới hạn, là nơi cùng trời cuối đất, rừng thiêng nước độc.

“À ơi... Chớ thương cha nhớ mẹ thì về/Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng...”. Giọng ru của một người phụ nữ, chan chứa, buồn đến thắt ruột. Cuộc nhậu có thêm vài người khách. Diệu Hân dọn thêm chén đũa và đồ ăn. Chú tôi sai con gái làm gì đó. Tôi thấy gương mặt Diệu Hân bừng sáng, tràn ngập hạnh phúc. Khi Diệu Hân ngẩng lên, ném cái nhìn sang tôi, như tia chớp. Tia chớp đánh trúng lời ru, đánh trúng cái đầu u mê của tôi và tôi bỗng nhiên nhận được câu trả lời của cô em.

Hồi nãy Diệu Hân bảo với tôi sống ở đâu không quan trọng. Cô nói mới nửa câu, còn tôi lại là người chậm hiểu. Nửa câu còn lại giờ tôi mới biết, rằng sống với ai mới là cái người ta phải chọn lựa. Nghe nói chú thím tôi đang tính hồi hương. Vậy thì chuyện Diệu Hân đi hay không đi Mỹ dường như đã sáng tỏ.

Trời bắt đầu đổ mưa, nhỏ nhưng đủ làm mát những ngọn gió. Người phụ nữ bên hàng xóm đã thôi ru con, nhưng lời ru của chị vẫn bàng bạc quanh tôi. “Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi... Thương cha nhớ mẹ thì về...”.

Tôi cố tìm ánh mắt Diệu Hân. Tôi muốn nói với cô rằng tôi ngốc thật, và giống như những anh đàn ông ngu ngốc khác, tôi chỉ chăm chăm nhìn vẻ đẹp bên ngoài của cô. Dõi theo Diệu Hân đang đi xuống bếp, tôi thấy dáng đi của cô giống hệt thím tôi ngày xưa. Tôi quay sang chú, bảo với ông rằng hình như thím tôi hồi xưa còn đẹp hơn con gái. Chú tôi nuốt vội ngụm rượu, thảng thốt nhìn tôi, mãi một lúc sau mới mở miệng.

Chú tôi bảo thím đẹp nhất là khi thím thăm nuôi chú ở tù, là khi chú ở tù một mình thím nuôi con ăn học, giờ cả mấy đứa đều thành đạt...

Hồi chú tôi ở tù, thím tôi còn rất trẻ. Đã đẹp lại trẻ thì...

Nhưng... hình như chú tôi đang nói tới một vẻ đẹp khác, một vẻ đẹp không nằm ở con mắt cái mũi, đôi môi mái tóc dáng người...

Tôi đặt ly rượu đang định uống xuống mâm. Bàn tay chú tìm bàn tay tôi. Những ngón tay siết chặt đồng tình với nhau. Mắt của Diệu Hân biết nói những điều không nên nói bằng lời. Còn đôi mắt ông chú tôi quả thật biết nhìn.

Hoàng Trọng Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.