Mảnh tình đời chạy thận

05/08/2013 03:00 GMT+7

Cái xóm nhỏ dựng tạm bên hông nhà tang lễ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định gần chục năm nay là chốn đi về của gần 40 người bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối.

Họ đến từ Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Quảng Ngãi… và các huyện trong tỉnh với một mục đích cuối cùng là duy trì sự sống vốn đã rất mong manh.

Mảnh tình đời chạy thận

Buổi nấu cơm của những người xóm chạy thận - Ảnh: Trần Thị Duyên

Bệnh và tình

Hồ Thị Tuyết Thanh (25 tuổi, ở Đăk Pơ, Gia Lai), cư dân chạy thận được hơn 2 năm ở xóm, nói về ngày biết tin bị thận giai đoạn cuối, đôi mắt ráo hoảnh, lẻ loi trên gương mặt nhợt nhạt: “Hồi ấy, chỉ còn mấy ngày nữa là đến đám hỏi của em. Ảnh có động viên, thăm nom nhưng em cắt liên lạc. Rồi thôi luôn tới nay”.

 

Con người ta sống phải có trước có sau, luật đời lại có nhân quả rõ ràng. Mình mà phụ bạc chồng, nhứt là khi họ ốm đau bệnh tật thì tránh sao được quả báo ở đời !

Chị Phan Thị Ngọc Hạnh (51 tuổi, ở TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)

Thanh kể, nhà vốn đông con, ba lại bị liệt do tai nạn lao động đã 14 năm, cô không dám nghĩ tới hạnh phúc riêng cho tới khi gặp anh. Hạnh phúc tưởng đã cận kề như một vòng tay của người thương.

Thanh giờ mỗi tuần 3 lần vào phòng chạy thận. Những ngày khác trong tuần, Thanh lầm lũi tự sống ở nơi cách mái nhà thân thuộc hơn 100 km.

Một mái ấm gia đình rộn ràng tiếng cười nói với anh Trần Xuân Hiệu (30 tuổi, ở H.Hoài Nhơn, Bình Định) cách đây 4 năm tưởng như đã có thể sờ nắm được mỗi ngày nhưng rồi căn bệnh suy thận đã biến tất cả trở thành ký ức. Người vợ trẻ không kham nổi cú sốc và gánh nặng quá lớn nên đã chọn cách ra đi. Còn lại anh và người mẹ luống tuổi, sớm tối ra vào ở xóm chạy thận. “Nó phát bệnh khi mới lấy vợ có mấy tháng, lúc cả nhà tui đang mong chờ tin vui từ vợ chồng nó…”, bà Phùng Thị Cử, mẹ anh Hiệu gạt nước mắt kể.

Cánh tay người thương binh Hoàng Văn Mười (57 tuổi, ở H.An Lão, Bình Định) một thời từng cầm súng đi qua chiến tranh giờ tê dại với những u cục la liệt vết kim tiêm lọc máu. Hơn 6 năm qua, ông Mười đã nếm trải quá nhiều mùi vị của người phải sống chung với máy chạy thận. Không buồn, không vui. Lặng lẽ và đơn độc nhưng ông không cho phép mình đầu hàng bởi ở nhà, ông còn người vợ bị bệnh tiểu đường, thằng con lớn mắc chứng động kinh. Hy vọng sống dồn hết vào thằng út đang học trung cấp văn hóa - nghệ thuật.

Với những người chạy thận ở đây, cuộc đời thì dài mà sự sống lại teo tóp. Họ gắn mình với chiếc máy, trải những năm tháng còn lại của cuộc đời ở nơi không phải là nhà. Nỗi nhớ cùng sự mặc cảm sẽ dài lắm nếu không có những người chung cảnh ngộ sớm tối liền kề, san sớt buồn vui và nỗi đau bệnh tật.

Tình yêu vượt qua bệnh tật

“Hồi mới bệnh, tui cứ sợ không sống nổi với mặc cảm bệnh tật nhưng giờ tới đây, ai cũng như ai, sống lại có tình có nghĩa lắm!”, ông Trần Đình Chi (53 tuổi, ở An Khê, Gia Lai) cho biết. Cả xóm có hơn chục bếp lò nấu bằng cành khô, củi mục mà vẫn cứ rộn ràng, ấm cúng. Nhìn cảnh mọi người cùng um bếp lò nấu đủ món từ nhiều vùng miền, người ta bất giác quên đi cái không khí nặng trĩu, lạnh lẽo của nhà tang lễ bệnh viện ngay cạnh.

Bà Nguyễn Thị Nho (60 tuổi, ở H.Vĩnh Thạnh, Bình Định) chỉ vào cô con gái Phan Thị Thương Dưỡng (đang là sinh viên năm nhất, Trường CĐ Y tế Bình Định) với vẻ mặt đầy tự hào: “Tui phát bệnh, được vô đây ở rồi mà nhà khó khăn quá nên nói nó vô ở chung luôn. Cả xóm thì lo chữa bệnh, chỉ có nó là đi học nên mọi người ai cũng thương”. Có cô con gái út chăm ngoan bên cạnh, bà Nho như được tiếp thêm sức sống.

Ở một góc khác, cô gái trẻ Phạm Thị Thu Sương (20 tuổi, ở Quy Nhơn, Bình Định) lặng lẽ dìu người mẹ vừa xong ca chạy thận ra. Cánh tay trái của mẹ Sương phồng rộp, nặng trĩu vết kim tiêm. Nét mặt thất thần của bà như muốn buông xuôi tất cả nếu không có cô con gái ở bên níu giữ. Vì chăm mẹ, Sương đã phải bỏ lại đời sinh viên với rất nhiều ước mơ cho tương lai.

Người bệnh đã khổ, người đi chăm còn khổ gấp mấy lần. Nhìn cảnh cụ ông Nguyễn Văn Dệm (83 tuổi, ở H.Hoài Nhơn, Bình Định) lụ khụ chăm người vợ năm nay đã 73 tuổi mà ai nấy đều cám cảnh. Nhà có 7 người con nhưng ai nấy đều có gia đình riêng phải lo, chỉ còn lại hai ông bà già hom hem như đốm lửa trước gió. 4 năm trước, bà ngã bệnh cộng thêm tuổi già sức yếu, tưởng như khó lòng qua khỏi nếu không có câu nói của ông: “Bà mà bỏ đi thì tui biết sống với ai?”. Vậy là hai vợ chồng già đùm túm dắt nhau đi điều trị.

Ông cười móm mém nói: “Chăm bả chỉ khổ nhứt là cái ruột rách của bả, cứ ngồi được một chút là đòi đi cầu, một đêm đi đến mấy lần”. Sau một hồi trầm ngâm, ông lại nói: “Nói vậy thôi chớ gần 60 năm vợ chồng phải sống chết có nhau, bả ở đâu tui theo đó”.

Cũng vì nghĩa vợ chồng mà chị Phan Thị Ngọc Hạnh (51 tuổi, ở TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) không quản ngại khó khăn nuôi người chồng suy thận gần 5 năm trời. Những lúc lên cơn đau hay trở trời, trở gió, ông chồng lại chửi bới chị. “Tại bệnh của ổng thôi chớ hồi trước, tui là người vợ hạnh phúc nhứt xóm đó nghen! Chồng làm thợ hồ thôi mà nói năng nhỏ nhẹ, thương vợ chiều con lắm!”, chị Hạnh vừa “nói đỡ”, vừa bẽn lẽn nhìn chồng. Hỏi ra mới biết, chị đã sống chung với bệnh thận của chồng 28 năm. Khó khăn thực sự ập đến vào năm 2000, chồng chị Hạnh phải cắt bỏ một quả thận, nghỉ hẳn ở nhà. Một mình chị chèo chống cả gia đình 8 miệng ăn. Khi nghe hỏi, hồi đó anh bệnh, chị còn trẻ vậy, có khi nào thấy nản muốn bỏ không thì chị lắc đầu quầy quậy: “Con người ta sống phải có trước có sau, luật đời lại có nhân quả rõ ràng. Mình mà phụ bạc chồng, nhứt là khi họ ốm đau bệnh tật thì tránh sao được quả báo ở đời!”.

Bác sĩ Nguyễn Dũng, Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định giải thích: “Chạy thận nhân tạo là việc sử dụng máy có chức năng như một quả thận để thực hiện việc lọc máu trong cơ thể. Người bệnh phải được lọc máu từ 2-3 lần/tuần, mỗi lần chạy thận mất khoảng 4 giờ đồng hồ, chi phí 450.000 đồng/lần chạy chưa kể thuốc, dịch truyền, máu… Người bệnh gặp nhiều biến chứng và phải đối mặt với 2 nguy cơ thiếu máu và tăng -giảm huyết áp đột ngột”.

 Theo các bác sĩ, thời gian sống sau khi phát bệnh của người suy thận mạn phụ thuộc nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, kinh tế, biến chứng… Nếu được chăm sóc tốt và có tinh thần thoải mái thì có thể kéo dài sự sống thêm từ 10-15 năm.

Trần Thi Duyên

>> Giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo
>> Chạy thận không mất tiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.