Làng của những đứa trẻ ngây ngô

25/10/2008 23:42 GMT+7

Những đứa trẻ ra đời, không ai biết là bệnh gì, cứ lớn lên với những gương mặt ngây ngô, tội nghiệp. 38 đứa trẻ, lớn nhất 16 tuổi và nhỏ nhất 2 tuổi ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đang bị chứng bệnh như vậy hoặc tương tự mà chưa ai rõ vì sao.

Bệnh bất thường 

Bà Thị ngồi bó gối trên bậc thềm, ưu tư: “Không hiểu răng mà hai thằng thì bị cả hai chú nờ. Có lớn mà không có khôn, tội lắm”. Thằng Thại và thằng Pháp là hai đứa cháu nội của bà. Thại năm nay 13 tuổi, Pháp 11 tuổi. Đang tiếp chuyện tôi thì có người dì của hai cậu bé đến, bà Thị sai thằng Thại ra mở cổng. Nó không đi. Bà lại gọi đứa nhỏ, nó chạy ra liền. “Rứa thì đi gọi mẹ về, nói có khách”, bà lại sai thằng Thại. Nó vẫn không chịu đi. “Nhìn mặt mũi sáng sủa thì có ai nói bệnh tật chi mô chú, nhưng nó không biết chi cả”, bà thở dài. “Cha nó đi làm khoán (làm thuê - PV) trên Hương Khê. Mẹ nó đi làm trên thành phố (Hà Tĩnh), nhưng mấy bữa ni mưa, trên đó cũng không ai thuê nên ở nhà. Chú coi đó, hai thằng con trai, cu Thại năm ni học đến lớp 6 rồi mà không đọc được chữ, phải xin nhà trường cho xuống lớp 1. Cu Pháp 11 tuổi, đi học, nhưng cũng như anh nó, không biết chi”.

Tôi chỉ lên tờ lịch tường có in dòng chữ của một công ty xây dựng, bảo thằng Thại đọc, nó chạy lại rờ tay lên đó, ấp úng một lát rồi chịu. “Cha nó từ khi thanh niên đã vô Nam đi làm khoán. Vợ chồng nó được 4 đứa, hai đứa con gái sau chưa đi học, nhưng thấy chúng cũng lanh lợi, mong trời đừng bắt tội chúng nó nữa”, bà Thị nói.

 

Bà Như nuôi đứa cháu nội bị tàn tật trong khi bố mẹ em đang đi làm thuê ở Hà Nội - Ảnh: K.H 

Cách nhà bà Thị vài ngõ là nhà của chị Nguyễn Thị Lượng. Căn nhà bé tí teo, nghèo nàn nằm lấp sau nhà hàng xóm. Chị Lượng năm nay 52 tuổi, góa chồng. Chị lấy chồng, được đứa con gái thì chồng mất rồi đi bước nữa. Nhưng người chồng mới cũng mất sớm, để lại hai đứa con trai ngây ngô. Thằng cu lớn năm nay lên 13, thằng em ít hơn 2 tuổi. Thằng lớn cũng đến trường, nhưng lên đến lớp 4 thì xin xuống học lại lớp 1 và sau 5 năm đi học cũng chỉ biết được vài mặt chữ. Thằng em 3 năm đến trường nhưng không được chữ nào. “Nghe trống trường đánh là ôm sách chạy. Thằng anh thì ngộ lắm. Lên đó ngồi tí là trốn cô giáo bỏ ra ngoài, có bữa còn ra đồng bắt cua, bắt rắn thả vô lớp làm cho cả lớp tán loạn. Cô kêu nhiều lắm, nhưng vì thương nên cứ cho nó đi”, chị Lượng kể và nói thêm, sinh thời, bố hai thằng cu giỏi lắm, viết chữ đẹp nổi tiếng cả vùng, vậy mà không hiểu vì sao cả hai sinh ra lại mắc cái bệnh tai quái như thế. Thằng lớn nay không còn đến lớp, suốt ngày cứ lông nhông ngoài đường, thằng em không thể học nổi cũng ở nhà. “Tui còn khỏe thì tui kiếm cho ăn, mai ni tui nằm xuống, không biết tính răng chú nờ”, chị Lượng lo lắng.

Vợ chồng anh Lê Doãn Hồng ở cách đó mấy ngõ cũng có cảnh ngộ tương tự. Hai đứa con anh Hồng đang chơi bên nhà hàng xóm. Tôi gọi tên, hỏi mẹ đâu, thằng lớn ngơ ngác một lát rồi lắc đầu. “Cha nó đi làm khoán trong Nam, hai thằng ngơ ngơ ni biết chi”, một người hàng xóm nói với tôi. Thằng anh Lê Doãn Dương năm nay 12 tuổi và em Lê Doãn Sơn lên 9. Cả hai vẫn đến trường nhưng học mãi lớp 1 cũng chỉ đánh vần được ít chữ.

Căn nhà của vợ chồng anh Trương Văn Chính nằm ở gần ngã ba xóm Tân Quý cũng có hai thằng bé. Tôi gặng hỏi, đứa lớn trả lời tên Tài. Hỏi mẹ đâu, nó bảo “đi làm”. Hỏi bố, nó trả lời “đi khoán”. Chập tối, người mẹ về, áo quần lấm lem hồ vữa. Chị chuẩn bị cho bữa tối, rồi gọi hai đứa về tắm rửa và dọn cho chúng ăn. Đó là công việc thường ngày của chị. Ba đứa con, hai đứa con trai đầu, thằng anh lên 10, em 8 tuổi sinh ra bình thường, nhưng lớn lên đều mắc chứng bệnh thần kinh. Chồng chị quanh năm “làm khoán” ở trong Nam. Niềm ai ủi của vợ chồng chị là đứa con gái năm nay lên 4 tuổi chưa thấy biểu hiện gì khác thường.

9 đứa trẻ, trong đó có 4 cặp đôi đều là anh em trai bị chứng bệnh lạ trên một đoạn đường làng chừng vài ba chục nhà dân. Điều bất thường gì đang xảy ra ở đây?

Vì đâu nên nỗi?

Trong danh sách những trẻ em tàn tật xã Hộ Độ năm 2007 của cán bộ phụ trách dân số xã, thì cả xã có 36 trẻ từ 2 đến 16 tuổi bị khuyết tật. Năm 2008 đã tăng thêm 2 em. Trong đó, các em chủ yếu bị khuyết tật về trí tuệ, câm điếc và bị thần kinh và chỉ 1 em được xác định bị di chứng chất độc da cam từ người bố tham gia chiến trường trở về.

Tôi đến trường tiểu học xã nằm gần đó, cô Hiệu phó Nguyễn Thị Xuân Hòa băn khoăn: “Tôi cũng thấy bất thường quá anh à. Không hiểu răng nữa”. Cô Hòa nhớ họ tên, tuổi từng đứa bị chứng bệnh ngây ngô đã từng đến trường. Cả xã có 38 em (tuổi từ 2 đến 16) bị chứng tương tự, nhưng chỉ có 14 em đến trường. Trong số đó, có 8 em đến trường cũng chỉ “đi học cho vui”. Mục tiêu biết đọc, viết với số trẻ này cũng đã quá gian nan. Cô Hòa giải thích: phải cho các em lên lớp vì không cho thì lại không chịu đi học, nên lên tới lớp 6 không biết chữ cũng là không lạ. Số em này phải chia ra học ở các lớp để “hòa nhập”. Thế nhưng, do bị khuyết tật nặng về trí tuệ, nên các em không thể tiếp thu được bằng phương pháp dạy trẻ bình thường. “Tôi cũng day dứt lắm, đã đề nghị xã có phương án giúp đỡ các em nhưng chưa có cách gì. Mở lớp riêng thì phải có giáo viên chuyên về dạy trẻ khuyết tật, có phương tiện, mà điều kiện của trường hiện nay thì không thể”, cô Hòa nói trong cảnh lực bất tòng tâm.
 
Nguyên nhân vì sao trong một xã lại có quá nhiều trẻ bị như thế thì chưa có ai trả lời được. Chủ tịch UBND xã Lê Doãn Hùng chỉ suy đoán: có thể do bố mẹ đi làm ăn trong rừng rồi bị nhiễm loại chất độc nào đó và để lại di chứng. Dân Hộ Độ từ lâu chỉ sống bằng hạt muối, không có tấc đất nào để trồng lúa. Hạt muối làm ra bán rẻ, khó sống. Thế là dân bỏ nghề, để ruộng hoang, khăn gói đi làm thuê. Chồng đi, rồi vợ cũng đi theo. Ở xã này vì vậy thường chỉ thấy người già và trẻ con ở nhà. Ông Hùng nói, mỗi năm có khoảng từ 1.800 đến 2.000 lao động của xã bỏ quê đi làm thuê; chỉ còn vài ba chục phần trăm số lao động ở lại, đó là phụ nữ.

Len lỏi qua con đường chỉ lọt cái bánh xe máy chừng vài trăm thước là nhà anh Nhã, anh họ anh Tân. Đứa con trai vợ chồng anh Nhã cũng bất hạnh không kém. 15 tuổi nhưng đôi chân co quắp không thể tự di chuyển được. Đứa con thứ bình thường nhưng sang đứa út mới 3 tuổi gần đây tự nhiên nổi những cái u trên đầu chưa biết u gì. Người mẹ của ba đứa trẻ lo lắng: “Không biết con bé có bị chi không nữa, chú nờ?”.

Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.