Tin vào thị trường trẻ

22/10/2008 22:14 GMT+7

Những phiên giảm điểm thường xuyên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, rồi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới... Thế nhưng việc thị trường sụt giảm liên tục cũng đã làm nhiều cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn.

Bán lấn át

Theo thống kê của Công ty cổ phần chứng khoán Vincom (VincomSC), từ 21.8 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 43,95 triệu cổ phiếu, tương đương 900 tỉ đồng. Cũng trong thời gian này, họ đã bán ròng hơn 8.700 tỉ đồng giá trị trái phiếu. Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose) cũng cho thấy, chỉ trong 6 phiên giao dịch đầu tháng 10.2008, khối ngoại đã bán ra gấp 1,4 lần so với lượng mua vào. Đây được coi là một trong những nguyên nhân của việc thị trường lao dốc.

Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hết cho khối ngoại. Trong 2 tháng vừa qua, nhiều tổ chức trong nước cũng đẩy mạnh bán ra. Cụ thể như REE đăng ký bán 6,62 triệu cổ phiếu STB; Vietcombank và SSI đăng ký bán 1,278 triệu cổ phiếu PVD; SSI đăng ký bán 3,108 triệu cổ phiếu VSH; PVFC cũng đăng ký bán 0,5 triệu cổ phiếu PET và 3 triệu cổ phiếu DPM...

Có thể thấy, trong điều kiện thị trường không thuận lợi, các nhà đầu tư trong và ngoài nước có xu hướng bán ra cổ phiếu vì những mục đích riêng của mình. Nhất là trong tình hình cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vẫn đang tiếp tục. Về vấn đề này, ông Phan Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích VincomSC nhận định, mặc dù khủng hoảng tài chính tại các nước phát triển không tác động trực tiếp đến Việt Nam nhưng có thể gây ra giảm cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam do chi phí vốn đắt đỏ trên thị trường thế giới; lượng kiều hối giảm do khó khăn tại nước sinh sống của các Việt kiều... Trong hoàn cảnh này, việc đầu tư vào cổ phiếu của các công ty khác có thể không phải giải pháp tốt cho nhiều tổ chức trong nước, họ cần lượng vốn khả dụng lớn hơn. Tình trạng này sẽ còn kéo dài cho đến khi những khó khăn trong nước qua đi, thị trường mới hy vọng có thể có được sự hỗ trợ nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức trong nước.

Cơ hội lại mở ra

Phát biểu trong buổi tọa đàm gần đây, ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Hose cho rằng, tuy có bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra trên thế giới, nhưng kinh tế trong nước thời gian qua được củng cố bởi các giải pháp nhất quán của Chính phủ trong việc giải quyết tình trạng lạm phát, thâm hụt cán cân thương mại. Các giải pháp này đã mang lại kết quả khả quan, được các tổ chức nước ngoài nhìn nhận và đánh giá cao. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể coi là điểm đến đầu tư thay thế trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Công ty SAM nhận xét, thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư trên thế giới nhờ “sức trẻ” của mình. “Thị trường trẻ có nhiều tiềm năng hơn những thị trường lâu năm. Ở những thị trường lâu năm đa số giá đã cao, trong trường hợp giá thấp thì do tính ổn định nên cũng khó tăng mạnh như ở những thị trường non trẻ hơn” - ông Louis Nguyễn nói.

Trước những thông tin về việc các quỹ đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi thị trường Việt Nam, giám đốc một công ty quản lý quỹ tại TP.HCM cho rằng, việc thị trường sụt giảm hiện nay gây khó khăn cho các quỹ trong vấn đề huy động vốn. Không huy động được vốn thì cũng không có chuyện đầu tư và điều này sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường. Tuy nhiên, chuyện rút vốn là không có bởi “niềm tin ở thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn”.

Các quỹ đầu tư nước ngoài hoặc bán ròng, hoặc án binh bất động vì thiếu vốn; các tổ chức trong nước cũng bán ra cổ phiếu để thu tiền mặt; nhà đầu tư cá nhân thì bị tác động tâm lý... Những yếu tố này khiến thị trường vẫn đang dò đáy mới. Tuy nhiên, việc sụt giảm liên tục trong những ngày vừa qua đã làm nhiều cổ phiếu đang trở nên hấp dẫn hơn. Cơ hội lại mở ra cho các quyết định đầu tư mới.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.