Sài Gòn sống chung với triều cường - Bài 5: Còn 1% chưa xong thì... vẫn ngập!

13/11/2010 10:04 GMT+7

(TNO) TP.HCM có nhiều dự án thoát nước, chống ngập lớn đang được triển khai. Tuy nhiên, cho tới khi 99% khối lượng công việc của các dự án trên hoàn thành nhưng còn 1% chưa xong, thì TP.HCM vẫn còn... ngập! >> Chống hoài chưa hết ngập!/ Sài Gòn sống chung với triều cường - Bài 1: Nhà nhà xây "đê"/ Bài 2: Nghèo vì chống ngập/ Bài 3: Đỉnh triều còn tăng/ Bài 4: Chống ngập bằng hồ điều tiết

Chống ngập cấp bách

Tính đến thời điểm hiện nay (11.11), Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM đã triển khai lắp 320 van ngăn triều, lắp đặt bơm nước tại các vị trí ngập thường xuyên để kéo giảm tình hình ngập úng tại TP.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM cho biết: Dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã đến bước hoàn thành.

Giai đoạn một của dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm nay. Theo đó, người dân khu vực Mễ Cốc (phường 15, Q.8) sẽ thoát cảnh sống chung với triều cường, ngập nước.

Riêng khu vực Phú Định (phường 16, Q.8), một điểm ngập triều truyền thống, nổi tiếng của TP.HCM, sẽ cho xây dựng bờ kè tạm ngăn triều trong khi chờ giai đoạn hai của dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP.HCM triển khai.

Dự án chống ngập khu vực Bình Quới (Q.Bình Thạnh) dự kiến cũng sẽ khởi công trong giữa tháng 11. Tại đường Tầm Vu (Q.Bình Thạnh), Khu Quản lý đường sông đang cho xây bờ kè tạm để ngăn triều.

 
Không có bờ kè, đường Phú Định chịu cảnh nước sông tràn bờ liền một dãi khi triều lên - Ảnh: Nguyên Mi

Thêm một công trình lớn nữa sẽ được thi công vào cuối tháng 11. Đó là cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ngay cửa sông Sài Gòn (Q.Bình Thạnh). Cống có 4 cửa, diện tích bằng cửa sông, rộng 58m. Cống ngăn triều này có vai trò như hồ điều tiết, thoát nước. Công trình hoàn thành sẽ giúp giảm ½ số điểm ngập triều của TP, với diện tích khoảng 350 hecta, cho 7 quận liên quan là: 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình.

Ông Long nhìn nhận, đó là những giải pháp cấp bách để TP.HCM chống chọi với triều cường và ngập nước trong khi chờ các dự án lớn đang thi công.

Bên cạnh đó, ông Trần Công Lý, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông (NN-PTNT) TP.HCM, cho biết: “Hằng năm UBND TP.HCM đều cho chủ trương be bờ, ngăn triều giảm ngập; các công trình thủy lợi, dự án thủy lợi ngăn triều đều được ưu tiên vốn đầu tư”.

Mới bắt đầu dự án lâu dài

Dự án 1547 xây dựng tuyến đê bao dài khoảng 172 km kéo dài từ ven bờ hữu sông Sài Gòn, sông Soài Rạp và bờ tả sông Vàm Cỏ Đông đến thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An. Trong đó, có 13 cống ngăn triều. Đây là dự án với ba chủ đầu tư chính là: UBND TP.HCM, UBND tỉnh Long An và Bộ NN-PTNT.

Hiện nay, dự án chỉ mới đi vào giai đoạn 1, kiểm soát triều khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP được giao làm chủ dự án của 9/12 cống ngăn triều và trên 100 km đê bao.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Long An là chủ đầu tư một số cống và tuyến đê bao còn lại. Hiện nay, chỉ mới có hai dự án cống ngăn triều đang chờ Sở NN-PTNT TP.HCM phê duyệt, hai cống đang lập dự án, còn lại vẫn chờ bố trí vốn.

“Sở NN-PTNT đã xin chủ trương làm năm cống ngăn triều ở Q.Thủ Đức. Dự kiến kinh phí khoảng 227 tỉ đồng. Dự án sẽ trình trong cuối năm nay và đến năm 2011 sẽ triển khai”, ông Lý thông tin thêm.

Song song đó, các dự án trong Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố theo Quyết định 1547/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (dự án 1547) cũng đang bước vào giai đoạn chuẩn bị triển khai.

Tuy nhiên, cả Sở NN-PTNT và Trung tâm Điều hành chống ngập TP đều phải thừa nhận rằng, ở một số công trình chống ngập hiện nay, tiến độ thi công còn ì ạch, gây nghẽn hệ thống.

“Kẹt” một điểm, “tắc” cả dòng

Một ví dụ điển hình là đường Nguyễn Văn Luông (Q.6), công trình đã thi công xong cả năm nay, nhưng vẫn chưa được đưa vào sử dụng do chưa lắp được bốn van ngăn triều. “Van ngăn triều mà thiếu một cái là cũng như không, coi như cả hệ thống thoát nước chưa vận hành”, ông Đỗ Tấn Long cho biết.

 
Người dân gia cố, đắp tạm bờ bao ven các kênh rạch để "chống" triều cường - Ảnh: Nguyên Mi

Tương tự như thế, nhiều dự án đã thi công xong nhưng chưa được kết nối để đưa vào vận hành đồng bộ nên hệ thống thoát nước TP hiện nay chưa phát huy được hiệu quả. Đó cũng là lý do tại sao, lô cốt dời đi, công trình đã dẹp nhưng mỗi khi mưa lớn, triều lên, người dân vẫn không hiểu vì sao nước vẫn ngập.

Trong những cơn mưa lớn vừa qua, tuyến đường Trường Chinh (đoạn từ Ngã Tư Bảy Hiền đến Bà Quẹo, Q.Tân Bình) hầu như chịu cảnh ngập nặng nửa bánh xe. Nguyên nhân chỉ vì tuyến cống chưa đấu nối được ngay điểm Ngã Tư Bảy Hiền do… vướng công trình ngầm.

Tuyến cống thoát nước Nguyễn Kiệm -Phan Đình Phùng, đã xong 5km nhưng chỉ còn một điểm ngay Phan Đình Phùng chưa xong thì công trình vẫn nằm ì đó.

 
Nhiều tuyến đường TP.HCM biến thành "sông" bởi trận mưa và triều ngày 10.10 - Ảnh: Khôi Nguyên

Tương tự, tuyến cống dài nhất TP.HCM chạy dọc đường Lý Thường Kiệt - Ba Tháng Hai - Lê Đại Hành - Thuận Kiều - Châu Văn Liêm đã hoàn thành 99% khối lượng công việc. Tuy nhiên, người dân vẫn chịu khổ do cống tuy đã có mà nước không thông dòng rút vì còn vướng điểm đấu nối ở góc Hùng Vương - Thuận Kiều.

Bên cạnh đó, một số công trình chống ngập làm xong vẫn chưa đưa vào vận hành. Đặc biệt khu Mễ Cốc 2, đầu tháng 11 này nhà thầu đã tháo dỡ các van ngăn triều để sửa chữa ngay thời điểm triều cường lên đỉnh, đã gây ngập nặng cho toàn khu vực. Cho đến nay, các van này vẫn chưa được lắp lại. Trạm bơm Mễ Cốc 1 đã hoàn thành nhưng không vận hành trong đợt triều cường vừa qua nên không phát huy chống ngập cho khu vực.

 
Người dân đang mong những biện pháp chống ngập phát huy hiệu quả để ngủ yên giấc khi mưa và triều - Ảnh: Đình Hậu

Theo ông Long, báo cáo tiến độ của các đơn vị thi công, ban quản lý dự án, rất nhiều công trình đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, chỉ 1% chưa hoàn thành, nhưng đó lại là 1% quan trọng nhất. Vì làm sao mà thông hệ thống thoát nước khi cửa xả, hạ nguồn chưa xong. Thế nên, các dự án, công trình thoát nước, chống ngập chưa thể phát huy được hiệu quả như mong muốn.

Như vậy, theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, kế hoạch thì đến năm 2015 các dự án thoát nước của TP mới hoàn thành hết.

Khi đó, người dân TP.HCM có thể sẽ tạm thoát khỏi cảnh lụt lội tại đô thị lớn nhất cả nước. Thế nhưng, điều đó chỉ xảy ra nếu lượng mưa ở mức dưới 80mm trong vòng 3 giờ đồng hồ, do hệ thống cống của TP hiện nay chỉ được thiết kế chịu được lượng mưa như nói trên.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.