Chuyển động trái chiều của lãi suất huy động USD

30/11/2007 00:32 GMT+7

Khác với những năm trước, xu hướng điều chỉnh lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại trong nước năm nay lại có sự điều chỉnh trái chiều. Sự điều chỉnh trái chiều của lãi suất huy động USD được biểu hiện ở nhiều mặt.

Từ cuối năm trước đến đầu năm nay, giá USD giảm mạnh trên thị trường thế giới. Ở trong nước, giá USD cũng có xu hướng giảm, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tăng gấp đôi biên độ giao dịch USD (từ +0,25% lên +0,5%). Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, giá USD đã giảm 0,16%, chủ yếu do lượng USD được đưa vào trong nước tăng tốc ở nhiều nguồn, đặc biệt là nguồn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Khu cung USD tăng, giá USD giảm, thì lãi suất huy động - thực chất cũng là một loại giá, giá vốn - phải được  điều chỉnh giảm theo theo quy luật cung - cầu vốn trên thị trường. Song trên thực tế đã trái lại, các ngân hàng thương mại ở trong nước lại tăng lãi suất huy động USD lên mức khá cao so với năm trước. Đành rằng, lãi suất huy động USD vẫn còn thấp khá xa so với lãi suất huy động VND, nhưng xét về xu hướng thì đây là biểu hiện thứ nhất của sự chuyển động trái chiều lãi suất huy động USD.

Những năm trước, lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại ở trong nước luôn luôn gắn kết với sự biến động lãi suất của USD  theo quyết định của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Mỗi khi FED chuẩn bị tăng hay giảm lãi suất USD, các ngân hàng thương mại trong nước thường theo dõi khá sát sao, cập nhật thường xuyên để điều chỉnh lãi suất huy động USD theo, thậm chí còn dự đoán và điều chỉnh đón đầu. Năm nay, FED đã hai lần cắt giảm lãi suất USD (lần thứ nhất vào ngày 18.9 đã cắt giảm mạnh từ 5,25% xuống còn 4,75%; lần thứ hai chỉ sau đó hơn 1 tháng lại cắt giảm từ 4,75% xuống còn 4,5%/năm). Trước quyết định cắt giảm lãi suất USD của FED, các ngân hàng thương mại ở trong nước không những không cắt giảm lãi suất huy động USD, trái lại, một số ngân hàng thương mại, nhất là những ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ hoặc do đặc thù hoạt động của ngân hàng chuyên phục vụ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần thêm vốn ngoại tệ, lại tăng lãi suất huy động USD. Chẳng hạn, Nam Á Bank năm nay đã hai lần điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD, với lãi suất hiện đã lên đến 5,5%/năm, cao hơn cả lãi suất của FED. Eximbank năm nay cũng đã 5 lần điều chỉnh lãi suất huy động USD, với mức lãi suất hiện nay là 5,1%/năm (nếu người gửi lĩnh lãi hàng quý). Đây là biểu hiện thứ hai của sự chuyển động trái chiều lãi suất huy động USD.

Tuy nhiên, việc chuyển động trái chiều của lãi suất huy động USD như trên chỉ là tạm thời và hiện chỉ mang tính cục bộ. “Cục bộ”, vì trong khi một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động USD, thì một số ngân hàng thương mại khác, nhất là những ngân hàng có quy mô lớn hoặc những ngân hàng đang có nguồn cung USD dồi dào thì hoặc là không tăng, hoặc là giảm. Vietcombank hiện giảm lãi suất huy động USD xuống còn 4,6%/năm. Ngân hàng Á Châu (ACB) cắt giảm lãi suất huy động USD sau khi FED 2 lần cắt giảm lãi suất. “Tạm thời”, vì lượng USD đang vào nước ta rất mạnh từ tất cả các nguồn. Nguồn đầu tư nước ngoài tăng tốc ở cả hai kênh: kênh đầu tư trực tiếp thực hiện năm nay đạt kỷ lục mới (lên tới trên 4,5 tỉ USD so với gần 4 tỉ USD trong năm trước); kênh đầu tư gián tiếp hiện đã lên đến 6,2 tỉ USD và hiện còn 4 - 5 tỉ USD đang “mai phục” chờ giải ngân khi các đại gia đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hoặc thị trường bất động sản nóng sốt. Nguồn chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm nay có thể đạt 3,3 tỉ  USD do lượng khách đến tăng và do khách đến từ các nước có chi tiêu cao, ở lại dài ngày hơn. Nguồn kiều hối năm nay có thể đạt 5,5 tỉ USD, cao hơn mức 4,7 tỉ USD đã đạt được trong năm trước... khi nguồn USD tăng, Ngân hàng Nhà nước dừng hoặc giảm việc mua USD, các ngân hàng thương mại đang “ôm” số USD vượt quá tỷ lệ theo quy định, giá USD giảm xuống (hiện đã ở dưới mức 16.000 VND/USD)... thì lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại... sẽ không thể không giảm xuống. Đó là chưa kể, theo dự đoán của các chuyên gia, các định chế tài chính trên thế giới, để hạn chế sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ, FED sẽ còn tiếp tục cắt giảm lãi suất USD.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.