OTC bừng tỉnh!

06/10/2007 23:36 GMT+7

Thị trường OTC đã nhộn nhịp trở lại nhưng không giống với thời điểm cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Rất nhiều người đang săn lùng CP ngành ngân hàng, bất động sản, và đặc biệt CP của những công ty sắp niêm yết trên sàn... * Cần có “chợ OTC” * Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh * "Thị trường Chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển lành mạnh...

Nhộn nhịp tìm “hàng”

Sáng 5.10, hai chiếc điện thoại của chị Loan - một nhà môi giới OTC được biết đến  nhiều tại “chợ” chứng khoán Nguyễn Công Trứ (TP.HCM) - liên tục reo lên. Chị cho biết trong hai tuần qua, các khách hàng của chị không ngớt gọi điện để tìm “hàng” mua vào. Theo ghi nhận của các công ty chứng khoán, không khí giao dịch trên thị trường  niêm yết “nóng” lên đã lan dần và làm tan băng thị trường OTC.


Bộ phận giao dịch CP các công ty chưa niêm yết tại Công ty chứng khoán Rồng Việt những ngày qua luôn  tấp nập nhà đầu tư  - Ảnh: D.Đ.M

Cổ phiếu “hot” lại khan hiếm Theo yêu cầu của khách hàng, chị Loan đang lùng mua 10.000 cổ phiếu (CP) của Công ty Hoàng Anh Gia Lai. “Tháng trước giá loại CP này chỉ có 80-81 mà năn nỉ hoài không ai mua. Giờ nó lên đến hàng 90x, thậm chí lên đến 100x mà tìm hoài không có hàng. Trong khi khách hàng lại hối mình liên tục”, chị Loan nói. Bên cạnh đó, chị Loan cũng tìm thêm nhiều loại CP  khác nữa như Đạm Phú Mỹ, Xi măng Hà Tiên 1, Xi măng Sầm Sơn... vì khách hàng cũng cần mua. Anh Bình - một nhà đầu tư tại sàn SSI - cũng cho biết mình đang muốn mua CP của các ngân hàng chưa niêm yết. Theo anh Bình, khi hàng loạt CP ngân hàng trên thị trường OTC rớt giá mạnh, anh đã muốn mua vào nhưng vẫn ngần ngại. Nay anh đi tìm mua thì rất khó có người bán ra, nhất là CP của những ngân hàng đang hoạt động tốt. Anh Bình cho rằng các loại CP trên thị trường niêm yết vẫn đang ở xu hướng tăng lên từ nay đến cuối năm thì chắc chắn, giá các loại CP trên thị trường OTC cũng sẽ đi lên.

Mặc dù có những CP trên thị trường OTC vẫn chưa tăng giá hoặc chỉ tăng nhẹ, giao dịch cũng có thể chưa nhiều nhưng rõ ràng là thị trường này đang nóng dần lên. Một số nhà đầu tư có kinh nghiệm cho biết một khi đã thấy dấu hiệu tăng giá trên thị trường OTC thì phải mua ngay. Lý do là vì không bị khống chế biên độ tăng giảm giá như trên thị trường niêm yết, giá CP OTC có thể tăng đến mức không kịp trở tay. Trong bản tin thị trường vừa đưa ra ngày 3.10, Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng thông tin về việc IPO của Ngân hàng Vietcombank được Chính phủ thông qua đã tác động đến CP của ngành ngân hàng trên thị trường OTC. Đồng thời do trước đó, giá của các loại CP này đã giảm quá mạnh như giá CP của Ngân hàng Habubank chỉ còn khoảng 4,8 “chấm”, thấp hơn cả giá bán cho nhà đầu tư chiến lược Deustche Bank là giá 5,6 “chấm”. Vì vậy trong những ngày qua, một số CP ngân hàng đã tăng giá trở lại khoảng 30% so với những ngày giá còn ở mức thấp.

Công ty SSI nhận định sau 6 tháng trầm lắng, thị trường OTC đã thức tỉnh. Còn ông Lê Hồng Phong - chuyên viên Phòng Đầu tư tài chính của Công ty chứng khoán Gia Quyền - cũng cho biết “chợ OTC” đang nóng dần lên. “Rất nhiều người đang săn lùng CP ngành ngân hàng, bất động sản. Đặc biệt CP của những công ty sắp niêm yết trên sàn hoặc có thông tin chuẩn bị niêm yết lại càng hút hàng hơn. Ví dụ CP của Đạm Phú Mỹ cách đây 1 tháng chỉ khoảng 55.000 đồng/CP nay đã lên đến hàng 90.000 đ/CP mà vẫn rất ít người bán.  Vì ai cũng biết Đạm Phú Mỹ mới nộp hồ sơ xin niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM... Điều đó đã tạo nên một sự nhộn nhịp trở  lại của thị trường OTC”,  ông Phong nói.  

Đã đến thời điểm mua

Cũng trong bản tin của mình, SSI cho biết sàn giao dịch OTC tập trung sẽ đi vào hoạt động sớm theo kế hoạch của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Điều này sẽ tạo nên một cơ hội để cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường này. Hơn nữa, sàn giao dịch OTC sẽ giảm thiểu được những rủi ro cho nhà đầu tư trong cả mua lẫn bán. “Nếu bạn thích thú với việc đầu tư trên thị trường OTC thì đây chính là thời điểm mua vào”, Công ty SSI đưa ra nhận định. Việc CP của các công ty chuẩn bị niêm yết trên sàn đang thu hút nhà đầu tư không phải là điều khó hiểu. Anh Bình cho rằng họ đang nghĩ đến một viễn cảnh như CP của Vincom (VIC). Trước khi niêm yết, giá VIC dưới 100.000 đồng/CP. Thậm chí, khi ngày đầu lên sàn, giá VIC chỉ mới có 125.000 đồng/CP nhưng đã tăng liên tục và đạt đỉnh 193.000 đồng/CP. Một mức lời khổng lồ nên ai cũng muốn lao vào. Chuyên viên Lê Hồng Phong cũng cho rằng thông thường, giá các loại CP trên OTC đều thấp hơn khi CP này niêm yết chính thức trên sàn. Lý do là một khi CP được niêm yết thì  điều dễ thấy nhất là tính thanh khoản của nó tăng lên. Vì vậy các công ty chuẩn bị niêm yết luôn được nhiều người quan tâm. 

Tuy nhiên, cũng theo nhận xét của các công ty chứng khoán, thị trường OTC đã nhộn nhịp trở lại nhưng không giống với thời điểm cuối năm 2006 và đầu năm 2007. Ở thời điểm đó, CP của bất kỳ công ty nào, thậm chí các công ty chưa phát hành CP hoặc chưa đi vào hoạt động cũng được mua bán nhộn nhịp thì giờ đây, nhà đầu tư đã có sự chọn lọc kỹ hơn. Nhiều loại CP của các công ty thủy điện, các công ty sản xuất, một số công ty chứng khoán... vẫn bị đóng băng và hầu như không có giao dịch. Ngoài việc chọn lựa CP để mua, thì giá cả cũng không còn quá chênh lệch như trước đây. Theo chị Loan, những người trung gian như chị giờ đây cũng chỉ kiếm “chút ít” tiền lời trong mỗi lần giao dịch chứ không còn nhiều như trước nữa. “Nguồn thông tin tham khảo ở khắp nơi nên ai cũng có thể biết được giá mua bán như thế nào. Việc cò kè từng giá một là chuyện bình thường. Vì vậy mình cũng không thể hét giá cao nếu muốn bán được hàng”, chị Loan nói. Thế nhưng, việc chênh lệch và mua giá cao bán giá thấp trên thị trường OTC vẫn xảy ra. Đặc biệt đối với những loại CP ít giao dịch, giá cả không được cập nhật thường xuyên thì nhà đầu tư rất dễ bị “hớ”. Vì vậy các chuyên gia đều cho rằng cũng như khi đầu tư vào bất kỳ đâu, nhà đầu tư đều phải có sự nghiên cứu cẩn thận trước khi đưa ra quyết định của mình. 

 Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.