Ôsin ký sự - Kỳ 2: Vú ơi!

21/10/2010 13:07 GMT+7

Nhiều đứa trẻ từ thuở lọt lòng đã nằm trong vòng tay ấm của người giúp việc. Những “vú em” không chỉ ẵm bồng, cho ăn như công việc của người giúp việc bình thường, nhiều người đã dành trọn tình mẫu tử cho đứa trẻ không phải con mình...

Thuở ẵm bồng

“Hiếu không thích ăn thịt mỡ, Hiếu thích canh bí chanh...”. Chị Nguyễn Thị Lượm (37 tuổi, quê xã Bầu Cá, Thống Nhất, Đồng Nai) thường bắt đầu câu chuyện của mình bằng chữ “Hiếu” - chàng trai mà chị đã chăm sóc từ nhỏ. Đã hơn 20 năm nay chị Lượm gắn bó với gia đình chàng trai này. Ngày ấy chị chỉ mới là cô gái đôi mươi, Nguyễn Trung Hiếu còn chưa ra đời. Giờ đây chị Lượm đã qua thời xuân sắc và Hiếu đã cao to phổng phao hơn cả chị.

Thời gian trôi nhanh, nhiều thứ đã thay đổi nhưng có một thứ ngày càng vun đầy thêm, ấy chính là tình cảm như mẹ con giữa chị và Hiếu.

17 tuổi, Lượm đã đến nhà bà Hương - mẹ Hiếu - để giúp việc nhà. Lượm chăm chỉ, tháo vát nên làm gì cũng gọn gàng, sạch đẹp. Vì thế cả nhà bà Hương quý Lượm như một thành viên trong gia đình.

Ngày Hiếu chào đời, tiếng khóc oe oe của Hiếu làm chị Lượm giật mình. “Lần đầu tiên bồng Hiếu tôi run lắm. Thằng nhỏ bé xíu xìu xiu, ngáp lên mấy cái thấy thương gì đâu. Ai ngờ giờ nó như voi, to gấp đôi, gấp ba mình” - chị Lượm tít mắt kể.

Trong câu chuyện của chị, lúc nào cũng ưu tiên kể phần Hiếu. Bản ghi nhớ của chị là chi chít những ngày đặc biệt của Hiếu: ngày sinh nhật, ngày vào mẫu giáo, ngày vào lớp 1, ngày tốt nghiệp cấp III, cả ngày Hiếu có bạn gái đầu tiên. Vậy mà chị không nhớ nổi ngày sinh của mình. Mỗi lần nhắc về Hiếu, chị tự hào lắm: “Hiếu nó hiền lắm, làm lớp trưởng lớp đại học nữa cơ. Nó tốt bụng nữa, ai khó khăn gì cũng giúp...”.

Hoàn cảnh nhiều truân chuyên hơn chị Lượm, chị Lê Thị Phượng từ năm 20 tuổi đã bỏ nghề gánh nước thuê lên TP.HCM bươn chải kiếm sống bằng nghề giúp việc gia đình. Đến nay 44 tuổi, một tuần hai lần người phụ nữ ấy vẫn lặn lội đi về quãng đường từ TP.HCM - Đồng Nai để lo cho người mẹ già. Vật quý giá nhất chị vẫn luôn mang theo bên mình là chiếc túi nhỏ trong đó chứa những hình vẽ ngộ nghĩnh của hai “con” Jon và Linh tặng.

Gắn bó với anh em Jon và Linh từ lúc sinh ra tới lớn lên, chị như một người mẹ thứ hai của chúng. Chị thay ông bà chủ lo từ miếng ăn, giấc ngủ, tới chuyện cắp sách đến trường, làm sao để chúng có thể hòa nhập với bạn bè tốt nhất. “Linh ngoan hơn, học giỏi và vẽ đẹp. Còn Jon thì làm biếng, lúc nào cũng kêu cô giáo phải có bánh mới chịu học”. Lần nào nhắc đến hai đứa nhỏ, chị cũng kể làu làu như thế, mắt sáng lên niềm vui bé nhỏ của tình mẫu tử.

Trong tủ đồ của mình, chị Phượng có cất hai chiếc áo chị mua sẵn làm quà Giáng sinh cho Jon và Linh vào tháng 12 tới. “Không có tiền nên tui để dành vào siêu thị mua dần dần”. Người phụ nữ ấy chưa một lần mua cho mình bộ đồ đắt tiền. Chị luôn nhắc tới hai anh em Jon với nụ cười rạng rỡ.

Chiếc túi kỷ niệm chị cất giữ thật cẩn thận những hình vẽ ba người nắm tay nhau, Jon, Phượng và Linh với dòng chữ “I love you” thật ngộ nghĩnh mà Linh vẽ tặng. Dường như những kỷ niệm đó cất giấu tất cả những khát khao của chị về một mái ấm gia đình, về tình mẫu tử nồng nàn của riêng mình.

Tình thương không ranh giới

Với mình, chị Nguyễn Thị Lượm chưa một lần được nếm mùi hạnh phúc gia đình. Chị dồn tất cả tâm hồn người mẹ vào bé Hiếu. “Lúc nào tôi cũng muốn thằng Hiếu vui vẻ, khỏe mạnh, nó buồn thì tôi buồn. Tuy tôi không học hành hiểu biết gì, nhưng thằng nhỏ hay kể cho tôi rất nhiều điều. Vậy là đủ hạnh phúc với tôi lắm rồi” - chị Lượm trầm tư chia sẻ. Chị đã lắng nghe “đứa con” ấy bằng cách của riêng mình, để tìm được sự đồng cảm với “đứa con” đang ngày một trưởng thành ấy.

Hiếu còn nhớ rất rõ ngày mình thi trượt nguyện vọng 1 vào Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, cậu trở nên trầm cảm không nói năng gì. Lúc ấy chị Lượm vỗ về tinh thần cho cậu. “Cô Lượm cứ bảo làm đàn ông phải biết vượt qua khó khăn và thất bại, không vượt qua được thì không bao giờ làm đàn ông bản lĩnh được. Trượt lần này thì thi lại hoặc học trường khác có sao đâu. Nghe cô Lượm nói thế Hiếu đã quyết định học nguyện vọng 2 ở ĐH Lâm nghiệp gần nhà. Cũng nhờ vậy mà bây giờ mới thấy mình thật sự phù hợp với ngành này hơn” - đó là những lời bộc bạch đầy cảm mến của Hiếu dành cho bà vú nuôi của mình.

Những năm cuối cấp II Hiếu trở nên béo ra trông thấy, mấy cái áo trở nên chật chội. Mẹ nhất quyết muốn Hiếu giảm cân nên cố tình mua kích thước nhỏ hơn so với khổ người Hiếu. “Cầm những chiếc áo chật trên tay, mình thiếu điều muốn hét lên thật to. Chưa bao giờ thấy ghét thân hình quá khổ của mình đến thế. Ngay cả mẹ cũng không ưa gì thân hình này. Mình ghét những chiếc áo mới chật chội kinh khủng nên đã vứt tất cả vô thùng rác” - Hiếu kể lại. Chị Lượm đã âm thầm nhặt lại những chiếc áo đó và thức cả đêm mở chỉ, nới size toàn bộ ba chiếc áo.

Sáng hôm sau chị Lượm xếp ngay ngắn ba chiếc áo mới trên giường và bắt Hiếu thử. Hiếu nhất quyết không chịu, chị Lượm lại nhẫn nại lặp lại: “Cứ thử đi!”. Đến lần thứ năm Hiếu mới miễn cưỡng thử áo. Chiếc áo vừa vặn với thân hình mập mạp của cậu. Chị Lượm cứ xuýt xoa: “Chà, nhìn phong độ, đẹp trai đấy chứ!”. Chỉ bấy nhiêu thôi mà cậu bé mười mấy tuổi không còn chán ghét bản thân mình nữa. Hiếu tâm sự: “Cô Lượm đâu chỉ là một người giúp việc bình thường, với tôi cô ấy như một người mẹ thứ hai để luôn quan tâm chăm sóc”.

Chị Phượng giờ đã 44 tuổi mà vẫn lủi thủi một mình. Hôm nay, phòng trọ của chị đã vui hơn vì có mấy cô sinh viên vào ở ghép. Câu chuyện của chị cứ loanh quanh giữa nỗi buồn của một người con không thể ở gần để chăm sóc mẹ, và niềm hạnh phúc rạng rỡ khi nhắc về Jon và Linh - hai con của ông bà chủ người Singapore. Gắn bó với gia đình cha mẹ Jon bảy năm, khi sắp sinh lần thứ hai chủ nhà yêu cầu chị ở lại để tiện việc chăm sóc đứa nhỏ. Tuy nhiên vì không ai chăm nom mẹ nên chị đành dứt áo đi tìm việc chỗ khác, dẫu có quyến luyến anh em Jon và Linh như con ruột của mình và không muốn rời xa hai đứa nhỏ.

Buổi chiều hôm gặp gỡ, khi chúng tôi nghe em Hiếu nói về cô Lượm và nghe chị Phượng kể về hai chiếc áo để dành mãi mới mua được cho Jon và Linh thì những giới hạn chủ và người làm trong nghề giúp việc đã bị xóa nhòa. Tình của người vú em đôi khi cũng ngọt ngào như dòng sữa mẹ vậy...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.