Ngày 17/10, đã xảy ra 2 trận động đất tại khu vực phía Nam

19/10/2005 00:31 GMT+7

* Hà Nội: Người dân cũng phản ánh về hiện tượng rung động Ngày 18/10, báo Thanh Niên tiếp tục nhận được thông tin từ bạn đọc cho biết, cơn rung động vào sáng 17/10 không chỉ xảy ra ở tòa nhà số 170 Hai Bà Trưng, Q.1, mà còn xảy ra ở một số tòa nhà khác.

Khoảng 8h30 ngày 17/10, tòa nhà Giầy Việt Plaza (số 180 - 182 Lý Chính Thắng, Q.3) cũng bị chấn động mạnh. Cả trăm người đang làm việc trong tòa nhà đã hốt hoảng tháo chạy ra ngoài bằng đường cầu thang bộ và thang máy. Tòa nhà này cao 11 tầng lầu, hằng ngày có hơn 100 người làm việc ở đây (chưa kể khách hàng đến mua sắm). Một số bạn đọc ở Q.3 cũng cho biết, tòa nhà 13A Kỳ Đồng (Q.3) và Hội sở của Sacombank (278 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) cũng có hiện tượng tương tự, làm cho mọi người hốt hoảng, chạy tán loạn. Một nhân viên làm việc tại Sacombank cho biết, đang ngồi làm việc bỗng dưng thấy máy vi tính rung lên và nghiêng sang một bên; còn người thì chao đảo khoảng 8-9 giây.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo và phục vụ - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng cho hay, trong 2 ngày 16 và 17/10, đài liên tục nhận được điện thoại của người dân ở khu vực Q.1 và Q.3 báo tin về hiện tượng rung động của các tòa nhà và hỏi có phải do động đất hay không? Tuy nhiên, cơ quan duy nhất trả lời được câu hỏi này là Viện Vật lý địa cầu ở Hà Nội.

Ngoài ra, trong hai ngày liên tiếp 16 và 17/10, một số bạn đọc tại Hà Nội cũng phản ánh về hiện tượng tương tự trên. Theo đó, tại xã Thụy Phương (Từ Liêm, Hà Nội) khoảng 7h10 sáng 16/10, có hiện tượng một số nhà tròng trành, rõ nhất là bàn ghế, cốc chén bị xê dịch, người trong nhà đứng, nằm, ngồi đều có tình trạng mất cân bằng thoáng qua. Hiện tượng này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, vài chục giây, nhưng lặp lại khoảng 30 phút sau (lúc 7h40) cùng ngày.

Ngày 18/10, TS Nguyễn Ngọc Thủy - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chính thức xác nhận: đã xảy ra hai trận động đất nhẹ tại khu vực phía Nam hôm 17/10. Theo thông tin ghi nhận từ các trạm quan trắc phía Nam, trận động đất thứ nhất xảy ra vào lúc 8h, tại 10,9 độ vĩ Bắc; 107 độ kinh Đông, mạnh 2,9 độ Richter. Trận thứ hai xảy ra lúc 8h28, có cường độ cao hơn với số liệu ghi được là 4,3 độ Richter, tại 10,34 độ vĩ bắc và 108,66 độ kinh đông, gây chấn động bề mặt cấp hai. Các trận động đất này khiến người dân tại một số tòa nhà cao tầng có thể cảm nhận được các hiện tượng mất cân bằng, tròng trành thoáng qua. Hai trận động đất nhẹ này có tâm chấn ngoài khơi Hàm Tân và Vũng Tàu. Độ sâu tâm chấn khoảng 2-3 km. Động đất này thực chất là dư chấn của trận động đất đã xảy ra đêm 5/8, mạnh 4,5 độ Richter, có tâm chấn ngoài khơi Vũng Tàu (với các trận động đất mạnh, dư chấn còn có thể tiếp tục xảy ra trong vòng 6 năm sau đó). Theo Viện Vật lý địa cầu, trận động đất này thuộc hệ đứt gãy Thuận Hải - Minh Hải. Đây là hệ đứt gãy không có khả năng gây động đất mạnh, cấp tối đa là 5-5,5 độ Richter và chấn động bề mặt cao nhất cấp 7/12. Khả năng gây động đất của hệ đứt gãy này yếu hơn nhiều so với một số hệ đứt gãy phía Bắc: Sông Mã, Sơn La, Pu Mây Tun - Sốp Cộp; Lai Châu - Điện Biên.

Cần có kế hoạch đối phó với động đất

Ngày 18/10, ông Lê Tự Sơn, Trưởng phòng Quan sát động đất 1, Viện Vật lý địa cầu cũng xác nhận, những rung chuyển ở TP.HCM vừa qua là do ảnh hưởng của động đất. Chấn tâm chấn động mạnh nhất (lúc 8h30 sáng 17/10) là ở vùng biển đảo Phú Quý, cường độ 4,3 độ Richter. Do ở miền Nam động đất ít và yếu nên rất khó dự báo sắp tới ở TP.HCM và các tỉnh lân cận có dư chấn hay không. Tuy nhiên, miền Nam nằm trong vùng vỏ lục địa ổn định, ít có khả năng xảy ra động đất lớn. Động đất mạnh có thể xảy ra tại vùng biển Vũng Tàu, Nha Trang và ảnh hưởng đến TP.HCM. Riêng tại TP.HCM, vấn đề tại sao chấn động ở xa, với cường độ không lớn lại ảnh hưởng đến thành phố thì cần phải nghiên cứu. Điều này sẽ liên quan đến nền đất cũng như cấu tạo của nền đá tại khu vực thành phố.

Về ý kiến có thể các đứt gãy của vùng TP.HCM và các tỉnh lân cận có dấu hiệu hoạt động trở lại, ông Sơn cho rằng, cần phải nghiên cứu mới có thể kết luận. Các số liệu hiện nay về việc tái hoạt động của các đứt gãy này vẫn chỉ nằm trong giả thuyết với các bằng chứng chưa thật sự thuyết phục, nhưng cũng không thể bác bỏ. Tuy vậy, phần lớn các rung động ở TP.HCM là do lan truyền từ xa đến chứ không phải là các kích động nội tại trong khu vực thành phố.

Ông Lê Tự Sơn cũng cho rằng cần có kế hoạch đối phó với động đất. Trước tiên phải đánh giá độ nguy hiểm động đất tại các tỉnh, thành phố; sau đó là phải tuân theo các quy phạm kháng chấn (Bộ Xây dựng đang chuẩn bị thông qua Quy phạm kháng chấn).

Xuân Hòa

M.Vọng - Đ.Huy - L.Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.