Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân: Sợ luật chưa ban hành đã lạc hậu !

24/10/2007 23:38 GMT+7

Sáng qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ về những điểm còn có nhiều ý kiến khác nhau trong dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân. * Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Mức nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ giảm nhiều so với hiện hành

"Đúng là chưa ban hành đã lạc hậu"

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà nói: "Mức khởi điểm chịu thuế nên xác định theo từng vùng: thành phố, đồng bằng, miền núi", thay vì quy định cứng là 4 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. "Ở nhiều thành phố, đô thị lớn, chi phí sinh hoạt, giá cả rất đắt đỏ nên tôi e rằng mức thu nhập chịu thuế như vậy là không phù hợp, có thể nâng lên 5 hoặc 6 triệu đồng/tháng", ông Hà đề xuất. 

Bà Dao Nhiễu Linh (TP.HCM) phân tích chi ly: "Một người trong sinh hoạt bình thường thì các khoản ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh... tôi cộng thấp nhất mỗi tháng cũng hết 6 triệu đồng. Người phụ thuộc cũng thế: đi lại, học phí... cũng hết ít nhất 3 triệu đồng. Thành ra hết 9 triệu đồng rồi. Cho nên, làm sao mức chịu thuế phải 8-10 triệu đồng mới đúng chứ quy định như dự thảo luật thì đúng là chưa ban hành đã lạc hậu", bà Linh bình luận.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng cũng tỏ ý băn khoăn: "Nếu 2 năm nữa, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân ban hành có hiệu lực rồi thì mức thu nhập chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh như vậy có còn hợp lý không ? Ngày 1.1.2008, Nhà nước sẽ nâng lương tối thiểu, rồi năm 2009 có nâng lương nữa không ? Câu hỏi đó chưa được trả lời trong khi luật đã cột chặt như thế này". Ông Tùng đề nghị: "Nên quy định mức khởi điểm chịu thuế bằng 10 lần mức lương tối thiểu và mức chiết giảm gia cảnh bằng 4 lần mức lương tối thiểu. Như thế sẽ ổn định lâu dài chứ không ta cứ sửa luật hoài". 

Khác với nhiều ĐBQH khác, tiến sĩ Trần Du Lịch (TP.HCM) lại cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh quy định trong dự thảo là hợp lý. "Một người lao động thu nhập 8 triệu: có 1 vợ, 1 con  thì số tiền đóng thuế  chỉ là 80.000 đồng/tháng, có 2 con thì đóng 40.000 đồng... không có gì là cao" - ông Lịch phân tích. Và theo ông, cũng không thể quy định mức khấu trừ cho người phụ thuộc tính theo lương tối thiểu. "Lương tối thiểu điều chỉnh bình quân 20%, không có lẽ ta lại khấu trừâ 20% mỗi năm", ông Lịch lập luận. "Theo tôi, khi hệ số trượt giá cao thì Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ điều chỉnh lại", ông đề nghị.

Đánh thuế kiều hối, nên hay không ? 

Tiêm chủng gặp tai biến được Nhà nước bồi thường

Trong phiên họp buổi chiều, QH đã thảo luận về dự án Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ việc xử lý rủi ro, biến chứng do tiêm chủng và quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh vắc-xin, sinh phẩm y tế... 

Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến này và quy định rõ trong Điều 30 của dự án luật. Theo đó, Khoản 6, Điều 30 quy định: "Khi thực hiện tiêm chủng mở rộng, nếu xảy ra tai biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp xác định được lỗi thuộc về các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, bảo quản vắc-xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng, Nhà nước yêu cầu các tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật". 

M.Q

Nhiều đại biểu tỏ ý hoan nghênh ban soạn thảo đã tiếp thu, quy định rõ thêm các khoản được miễn thuế thu nhập cá nhân như tiền làm thêm giờ của người lao động, tiền ủng hộ từ thiện của các tổ chức, cá nhân... 

Nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau về việc miễn thuế thu nhập cá nhân với kiều hối. Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cho rằng: "Nếu đánh thuế vào kiều hối sẽ không khuyến khích, thu hút được nguồn vốn này. Các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng không bằng mà người gửi tiền về họ sống, làm việc ở nước ngoài thì tính thuế người ta rất vô lý. Khoản này nên miễn thuế lâu dài". 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà lại có ý kiến khác: "Tôi đề nghị ban soạn thảo quy định khấu trừ tiền mua nhà trả góp của các cá nhân trước khi tính thuế thu nhập nhưng không đồng tình với quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với kiều hối". "Các khoản kiều hối mang tính chất quà tặng, ví dụ dưới 7.000 USD thì nên miễn vì nếu không nó cũng lách qua các con đường khác mà Nhà nước cũng không quản lý được nhưng trên 7.000 USD thì cũng nên thu", ông Hà nói. Theo ông, nếu miễn thuế hoàn toàn với thu nhập từ kiều hối sẽ dẫn đến tình trạng "nhiều cá nhân sẽ lách luật, đầu tư vào bất động sản, mua nhà ở VN dưới hình thức kiều hối". 

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đồng quan điểm: "Kiều hối về nước ngày càng nhiều, tinh thần là phải khuyến khích nhưng không đóng thuế thì không công bằng. Trong nước, cho, tặng chiếc xe máy vài ba triệu đồng cũng phải chịu thuế".

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Mức nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ giảm nhiều so với hiện hành"

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh (ảnh) đã trả lời rất nhiều thắc mắc của các PV về thuế thu nhập cá nhân bên ngoài phiên thảo luận sáng qua. Ông nói: 

- Có ý kiến đề xuất rằng hễ có thu nhập là đóng thuế, mức thuế suất thấp thôi, để mỗi người đều thấy vinh dự được đóng góp cho xã hội. Nhưng ở ta, việc đó chưa phù hợp lắm. Cho nên ở đây quy định từ 4 triệu đồng trở lên mới phải chịu thuế. Tại sao lại là 4 triệu ? Thứ nhất là căn cứ vào lương tối thiểu. Giả sử bình quân mỗi năm Nhà nước tăng lương 20% thì đến năm 2009 vào khoảng 1 triệu đồng/tháng. Hệ số lương bình quân hiện nay của chúng ta khoảng 2,34, tức là lương bình quân lúc đó khoảng 2 triệu. Thứ hai là nếu theo thống kê có tính cả trượt giáá thì cũng vào mức đó. Thứ ba, nếu tính theo GDP thì chúng ta phấn đấu năm 2009 thu nhập đầu người khoảng 1.000 USD, có nghĩa cũng khoảng 1,1 triệu đồng/tháng. Hơn nữa với mức thuế suất như đề nghị thì mức thu cũng là rất nhỏ. Ví dụ một người thu nhập 5 triệu đồng mà độc thân thì phải nộp 50.000 đồng/tháng, nếu có một người phụ thuộc thì không phải nộp đồng nào; có thu nhập 10 triệu mà có 2 người phụ thuộc cũng chỉ phải nộp 160.000 đồng/tháng.

*Có ý kiến đề nghị là không nên quy định mức khởi điểm "cứng" để chịu thuế mà nên đánh thuế theo số lần lương cơ bản, ví dụ thu nhập gấp 10 lần lương cơ bản sẽ phải chịu thuế chẳng hạn ?

- Thì tinh thần lần này cũng là thế thôi, đến khi thu nhập xã hội cao lên, mức 4 triệu đồng là phổ biến thì sẽ hạ mức thuế suất xuống còn 2-3% chẳng hạn, gọi là có đóng góp thôi cho đúng nghĩa với thuế thu nhập cá nhân. Chứ  quan điểm là không cần sửa luật.

*Khi luật này có hiệu lực (năm 2009) có bao nhiêu người sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật ?

- Hiện có khoảng 300.000 người là đối tượng của Pháp lệnh Thuế thu nhập cao và có khoảng hơn 1 triệu người kinh doanh cá thể, số lượng có thể cũng sẽ chỉ thế thôi, không tăng ngay, thậm chí nhiều người đang chịu thuế thu nhập cao sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. So với quy định hiện hành thì số tiền mà các đối tượng này phải nộp sẽ giảm đi - mà sẽ giảm rất nhiều do có phần giảm trừ gia cảnh; có cùng thu nhập nhưng mỗi người có hoàn cảnh gia đình khác nhau sẽ nộp thuế khác nhau. Các mức thuế suất tương ứng cũng đều giảm so với hiện hành.

*Khi triển khai luật thuế này, theo Bộ trưởng có cần tăng biên chế cán bộ ngành thuế không?

- Tôi không có ý định nào về việc tăng cán bộ thuế. Ngành thuế từ nhiều năm nay, công việc tăng rất nhiều nhưng biên chế hầu như không tăng. Ban đầu sẽ có thể lúng túng, mất thời gian nhưng sẽ phải làm tốt. Trước mắt với số đối tượng chịu thuế thu nhập cao chúng ta đã có dữ liệu, giờ chỉ cần bổ sung. Ví dụ chuyện người phải nuôi dưỡng (để giảm trừ gia cảnh), cơ quan thuế sẽ phải làm động tác là mỗi người nộp thuế kê khai gia cảnh, sau đó sẽ được cấp mã số thuế, như vậy sẽ kiểm soát được gia cảnh người nộp thuế, sẽ tránh được trùng lắp về người ăn theo. Sẽ mất thời gian nhưng phải làm.

An Nguyên (ghi)

Mạnh Quân - Tuyết Nhung -  Xuân Toàn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.