Người dân lo lắng, cơ quan chủ quản thờ ơ

27/09/2005 22:15 GMT+7

Tuyến đường dây 500 KV Pleiku - Dung Quất - Đà Nẵng ngang qua xã Điện Quang (Điện Bàn, Quảng Nam), được xây dựng từ tháng 12.2002, do Công ty Xây lắp điện 3 thi công và đã bàn giao cho Công ty Truyền tải điện 2. Trong số 10 trụ điện cắm trên địa bàn xã có 4 trụ nằm trong khu vực dân cư, và kể từ ngày đường dây đóng điện (khoảng tháng 4.2005) thì tại khu vực thôn Phú Tây, nơi có ruộng lúa nước, đã xuất hiện tình trạng nhiễm điện theo từng đợt.

Theo ghi nhận của địa phương, 8 nông dân khi sản xuất tại ruộng lúa bên dưới đã bị tê giật và một trường hợp còn lại xảy ra đối với gia súc. Theo ông Trần Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Điện Quang, sau khi thông báo cũng đã có nhân viên của Công ty Truyền tải điện 2 tiến hành kiểm tra và "thông báo miệng" là tình trạng nhiễm điện này nằm ở mức cho phép, song vì chưa có văn bản chính thức nên chính quyền xã và nông dân vẫn hoang mang, lo sợ không dám sản xuất ở đồng ruộng nơi có tuyến đường dây 500 KV đi qua. Nguyện vọng của người dân là công ty phải có văn bản chính thức để có cơ sở pháp lý chứ không nên kéo dài tình trạng như trên. UBND xã Điện Quang (Điện Bàn, Quảng Nam) cũng đã chính thức gửi tờ trình đến các đơn vị và ngành chức năng liên quan đề nghị giải quyết.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, PV Thanh Niên đã đến tận khu vực bị nhiễm điện. Ngày 12.9, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Hà Đông - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 qua điện thoại, thông báo rất cụ thể về tình hình trên và đề nghị cho biết hướng giải quyết của lãnh đạo công ty về vụ việc trên như thế nào để người dân có thể yên tâm sản xuất. Theo ông Đông, ông chưa hề nhận được phản ánh nào từ phía người dân cũng như chính quyền địa phương, đồng thời nói rằng "những việc như vậy xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi, và không thể tin vào báo cáo của người dân". Ông còn trách "PV Báo Thanh Niên đi kiểm tra tình hình sao không báo người công ty đi cùng? Nếu báo giải quyết được cho người dân thế nào thì cứ việc giải quyết cho dân đi, chứ hỏi gì mà hỏi". Thay vì sau khi nghe thông tin cụ thể như vậy, phải kiểm tra tình hình để tìm hướng giải quyết thì ông Đông lại yêu cầu PV "cung cấp tài liệu" người dân bị giật điện và tình trạng nhiễm điện thì mới "xem xét, tìm hướng giải quyết", trong khi nhân viên của công ty đã từng đến kiểm tra tại khu vực này. Thái độ thiếu hợp tác của ông giám đốc cho thấy người dân sẽ phải tiếp tục chờ đợi trong vô vọng mà không nhận được hướng giải quyết khả thi nào từ cơ quan chức năng là Công ty Truyền tải điện 2.

Bài và ảnh: H.X.H - D.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.