Ứng xử với các tập đoàn

23/11/2008 23:17 GMT+7

Tại Hội nghị sơ kết thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước, lãnh đạo một tập đoàn đã phát biểu: “Tôi thấy các tập đoàn cũng của Nhà nước, báo chí cũng của Nhà nước, tại sao báo chí lại đi nói xấu các tập đoàn?”.

Ở vế thứ nhất, vị này nói không sai, các tập đoàn kinh tế và báo chí đều là của Nhà nước, đều phục vụ chế độ, phục vụ lợi ích của đất nước và người dân. Nhưng cũng chính vì mục đích đó mà khi ứng xử với các tập đoàn (đang trong quá trình thí điểm) là những thực thể kinh tế lớn của đất nước, với tư cách là cơ quan phản ánh, phản biện và giám sát, báo chí càng phải làm tốt nhiệm vụ của mình. Báo chí không thể "vuốt ve", "chiều chuộng" các tập đoàn; ngược lại cũng không có động cơ gì khi "nói xấu" hay "ghét bỏ" ngoài mục đích phản ánh thông tin, phản biện xã hội nhiều chiều để giúp các tập đoàn phát triển mạnh, bền vững hơn trong nền kinh tế.

Tại sao mô hình thí điểm các tập đoàn Nhà nước lại được báo chí và dư luận quan tâm như vậy? Các tập đoàn kinh tế Nhà nước là những thực thể kinh tế lớn, được giao vai trò chủ đạo nên nắm gần như mọi nguồn lực to lớn của đất nước, từ tài nguyên, vốn đầu tư, đặc quyền kinh doanh, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng... Nó quá quan trọng, quá lớn đối với nền kinh tế này để không thể không quan tâm. Những vấn đề mà báo chí lâu nay nêu, và đặt câu hỏi đều xuất phát từ thực tế đang diễn ra ở các tập đoàn, và trong đa số các trường hợp không phải là không có cơ sở.

Đứng ở phương diện nào thì xã hội đều không cảm thấy yên tâm khi quan sát những thực thể kinh tế lớn như vậy vận hành mà lại không được sự giám sát, theo dõi sát sao. Báo chí cũng như vậy, không thể bàng quan với thực tế này.
Mô hình tập đoàn đang trong quá trình thí điểm nên cần có ý kiến đóng góp thẳng thắn, thậm chí phải chấp nhận cả những ý kiến gay gắt. Nếu chúng ta không đặt vấn đề xem xét mô hình này một cách nghiêm túc, thì sau này nền kinh tế sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Việc trao đổi thông tin giữa các tập đoàn với báo chí cũng cần được tiến hành thường xuyên hơn, để các cơ quan truyền thông có thể tiếp cận các hoạt động của tập đoàn, từ đó dư luận có thể hiểu, và phản biện hiệu quả hơn. Các tập đoàn không nên quá mong đợi và đòi hỏi báo chí phải đóng vai trò sát cánh với họ cùng "ca ngợi thành tích," "khích lệ tinh thần" hay "biểu dương phong trào". Bởi, khi báo chí không còn gánh vác được trách nhiệm của một phương tiện truyền thông khách quan thì không những uy tín của tờ báo mất, mà niềm tin vào các định chế kinh tế như các tập đoàn cũng không còn.

Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.