Chuyện hai nữ thạc sĩ Nhật ở làng cổ Đường Lâm

15/11/2010 09:26 GMT+7

Inoue Aiko - một thiếu nữ xứ hoa Anh đào thông minh, xinh đẹp, sinh ra và lớn lên giữa Tokyo tráng lệ. Còn Yamaguchi Yoriko hiền hậu, gương mặt trông thuần Việt đến từ Hokkaido, một hòn đảo xa xôi phía bắc Nhật Bản. Cả hai đều đang được coi là “công dân của đất Đường Lâm”, một làng cổ đang hướng tới đề nghị công nhận di sản thế giới.

“Bảo tàng sống” giữa Hà Nội

Gặp ngoài đời, ít ai nhận ra cô Yamaguchi Yoriko, 29 tuổi đến từ một hòn đảo xa xôi của Nhật. Yamaguchi Yoriko tính cách cởi mở, dễ gần, Yoriko nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt: “Tôi sống ở Hokkaido, mùa đông có những ngày nhiệt độ xuống tới âm 20 độ C, lạnh lắm, sang đây thấy nóng quá, có những ngày nóng không chịu nổi.

Nhưng rồi, sống ở Đường Lâm hơn một năm, thấy yêu mảnh đất, khí hậu ở đây và những ngày nắng nóng không còn là vấn đề lớn”. Yoriko sau khi bảo vệ luận án thạc sĩ về bảo tồn di sản ở trường Đại học Tsukuba, Tokyo, đã có một thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa ở Tokyo trước khi quyết định chọn Việt Nam là nơi trải nghiệm kinh nghiệm và kiến thức của mình.

Yoriko đến Hà Nội với tư cách là một tình nguyện viên Hợp tác hải ngoại Nhật Bản (JOCV) của JICA. Làng cổ Đường Lâm (thuộc TX Sơn Tây, Hà Nội), cách trung tâm thủ đô chừng 60km, nơi duy nhất còn lưu giữ một quần thể vẹn nguyên của một làng quê cổ Việt Nam... là nơi Yoriko ở lại suốt hai năm.

Nơi đây, cây đa, bến nước, cổng làng, những nếp nhà cổ trầm mặc với thời gian phủ màu rêu phong. Những ngõ xóm, lối nhỏ lát gạch đỏ, bên những bức tường đá ong xù xì, mộc mạc mà chắc chắn. Những thửa ruộng, gò bãi mấp mô phủ màu xanh mướt của lúa ngô bao bọc lấy làng… Trong mắt Yoriko, làng cổ Đường Lâm - “làng hai Vua” như “một bảo tàng sống”.

Hằng ngày từ nơi ở, Yoriko rong ruổi trên chiếc xe đạp mini, đến những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm nghiên cứu. Tại ngôi làng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia này, tình nguyện viên Yoriko làm những công việc liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật trong trùng tu và bảo tồn các công trình kiến trúc cổ, cũng như công việc thuyết phục người dân giữ gìn, bảo vệ những giá trị cổ.

Chùa Ón, công trình có ý nghĩa tâm linh nằm trước cổng làng Mông Phụ vừa mới được hoàn thành tu bổ. Yoriko là tư vấn kỹ thuật và giám sát, đã đưa ra sáng kiến nắn thẳng bức tường chùa bị nghiêng bằng cách xử lý phần móng mà giữ nguyên kiến trúc cũ. Đây cũng là công trình đầu tiên Yoriko thực hiện sau khi cô có tấm bằng thạc sĩ về bảo tồn di sản.


Yoriko ở ngôi nhà “giả cổ” Đường Lâm

Cùng dân làm du lịch

Sau ba năm làm cán bộ quản lý tại Trung tâm UNESCO ở Bangkok (Thái Lan), Inoue Aiko, Thạc sĩ quản lý di sản văn hóa từ Tokyo đến Việt Nam. Ở làng cổ Đường Lâm, nơi mà lượng du khách trong, ngoài nước đến ngày một tăng này, tình nguyện viên của JICA - Aiko làm công việc hỗ trợ dân làm du lịch, cố gắng sao cho giữ được sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.

Thật khó hình dung, một cô gái đến từ Tokyo tráng lệ những ngày đầu phải sống ở một vùng quê xa lạ trong điều kiện không hẳn là đầy đủ và phù hợp, tiếng Việt lại không sõi. Những ngày nắng nóng, Aiko cũng phải sống trong cảnh thường xuyên bị cúp điện. Nhưng rồi, Aiko cũng dần thích nghi, thậm chí cô còn theo chân những người dân ra đồng cùng gặt lúa, bẻ ngô.

Đến Đường Lâm những ngày cuối thu, Aiko cùng Yoriko dẫn chúng tôi qua những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo như hình xương cá vào thăm những ngôi nhà cổ trong làng một cách rành rẽ giống như họ là người lớn lên ở Đường Lâm. Tôi nghĩ, hẳn sẽ có không ít người bị lạc, không tìm được lối ra khi lần đầu đến ngôi làng này.

Như đoán được suy nghĩ của tôi, Aiko cười nói: “Đúng là có nhiều người lần đầu đến làng sẽ bị lúng túng, nhưng đó cũng chính là sự thu hút của ngôi làng cổ này”. Như cô cho hay, cái đẹp của Đường Lâm không phải nơi đây còn nhiều nhà dân cổ mà là còn nhiều cảnh quan và hình thái của một ngôi làng mang tính truyền thống.

Hiện nay, ở Đường Lâm, ngoài gần 1.000 ngôi nhà truyền thống, có khoảng 30 nhà cổ được xếp vào loại một, còn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ, có niên đại trên dưới 200 năm tuổi. Những ngôi nhà cổ này phần lớn không quay mặt thẳng ra đường, kiến trúc trong khuôn viên thường theo kiểu chữ nhất, chữ nhị, chữ đinh và chữ môn. Bước chân vào nhà anh Nguyễn Văn Hùng, một trong 12 nhà cổ được công nhận di tích lịch sử cấp thành phố. Ngôi nhà năm gian rộng trăm mét vuông nằm trong khuôn viên 420m2.

Như một hướng dẫn viên du lịch, Aiko giới thiệu, nhà cổ được xây dựng chủ yếu bằng đá ong, gạch mộc, gắn kết bằng đất trộn với trấu, kết hợp với gỗ giúp cho nhà mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Cột trụ và trần nhà được làm bằng gỗ xoan, gỗ mít. Gian chính giữa ngôi nhà là nơi thờ gia tiên, hai gian bên là nơi mẹ chồng, nàng dâu ở. Ngôi nhà 400 năm tuổi này cách đây hai năm được chọn là công trình nhà cổ phục dựng, bảo tồn đầu tiên, với sự hỗ trợ của JICA và Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch.


Aiko rán nem phục vụ khách du lịch tại nhà anh Hùng

Mỗi khi có đoàn khách nước ngoài đến, nhất là đến từ Nhật Bản, Aiko thường tình nguyện làm hướng dẫn viên. Cô gái Nhật sinh năm 1979 này xuống bếp cùng vợ chồng nhà chủ chuẩn bị bữa ăn trưa cho khách. Thưởng thức bữa trưa ngay tại ngôi nhà cổ, thường có cơm gạo mới, bánh tẻ, gà mía, nem rán, rau muống luộc chấm tương, nước chè tươi Cao Lâm, hay nụ vối trong bát mộc, chè lam... mang hương vị ẩm thực đặc trưng làng cổ Đường Lâm. “Để trở thành một điểm đến văn hóa đặc sắc, điều quan trọng đối với dịch vụ chính là phải phát huy đặc sản vùng mình, và coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm” - Aiko nói.

Hôm ăn trưa ở nhà anh Hà Nguyên Huyến, chủ nhà cổ xây dựng từ năm 1848, công tác ở báo Văn Nghệ, được coi là người “làm du lịch chuyên nghiệp” từ cách đây hơn mười năm ở Đường Lâm, Aiko cũng xắn tay phụ giúp hướng dẫn các đoàn khách vào ngồi mâm. Anh Huyến cho rằng, các chuyên gia Nhật Bản cùng tình nguyện viên JICA như Aiko, Yoriko đã giúp một phần để nhiều người dân nơi đây thấy hết giá trị thực của ngôi nhà mình, của làng mình đang ở.

Họ không chỉ tham gia bảo tồn mà vào cuộc với dự án hỗ trợ nông dân làng cổ làm du lịch, cải thiện đời sống qua khai thác tiềm năng. Làng cổ Đường Lâm đang hướng tới được công nhận là di sản thế giới. Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho rằng: “Đường Lâm là một ngôi làng “sống” với những người dân vẫn đang sinh sống. Do vậy, cần thiết phải có chính sách vừa đảm bảo kinh tế, vừa bảo tồn môi trường sống cho người dân, và ưu tiên số một vẫn là bảo đảm cuộc sống sinh hoạt cho người dân”.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.