Phát hành phim hậu liên hoan phim: Có lặp lại thành công của Đời cát ?

17/11/2004 22:03 GMT+7

Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 14 đã hâm nóng sự chú ý của công chúng đối với các tác phẩm điện ảnh trong nước. Nhưng sau LHP, các bộ phim sẽ được đưa đến người xem hay lại nằm im lìm trong kho ?

Với Đắk Lắk, dư âm của LHP vẫn còn nóng hổi. Cục Điện ảnh đã ưu ái cho Trung tâm Phát hành và chiếu bóng Đắk Lắk mượn các bản phim trong vòng nửa tháng để chiếu miễn phí tại các rạp và vùng sâu, vùng xa. Còn các công ty phát hành phim, các rạp và các hãng phim đều rất muốn "tranh thủ" ảnh hưởng của LHP để tiếp tục đẩy mạnh việc phát hành phim VN trên toàn quốc, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Công ty Phát hành phim Việt Nam (Fafim), nơi chiếm khoảng 50% thị phần phát hành phim toàn quốc đã có trong tay gần hết những phim tham dự LHP. Khi được hỏi về kế hoạch "hậu LHP", ông Lưu Danh Hùng - Giám đốc Fafim cho biết: "Dù rất muốn nhưng chúng tôi chưa thể thực hiện ngay được vì hiện nay các bản phim vẫn đang lưu hành trên tuyến (tức là các bản phim hiện vẫn đang chiếu tại một số địa phương - TN)". Cũng phải nói thêm rằng, cơ chế phổ biến hiện nay với các phim có tài trợ của Nhà nước là các hãng sản xuất rồi giao cho Fafim phát hành. Fafim mua lại, thực chất là hỗ trợ thêm cho mỗi phim khoảng 150 triệu đồng, đồng thời tự bỏ tiền in thêm 2-3 bản phim (khoảng 20 triệu đồng mỗi bản), rồi phát hành trong cả nước. Trong kế hoạch phát hành "hậu LHP", Fafim không dám in thêm các bản phim nữa vì "biết chắc là lỗ" - ông Hùng cho biết. Trước đó, doanh thu khá hơn cả của Fafim là Người đàn bà mộng du và Hàng xóm cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng một phim.

Với Trung tâm Chiếu phim quốc gia, kế hoạch hậu LHP có vẻ sáng rõ và sôi động hơn nhiều bởi trung tâm đã tự tạo ra một chương trình thường niên cho phim VN với cái tên mang tính "chiến lược": Điện ảnh VN nhìn lại. Ra mắt từ tháng 10/2002, hằng tuần Điện ảnh VN nhìn lại có 1 suất chiếu trong khán phòng 100 chỗ. Ông Trần Thanh Hùng - Giám đốc trung tâm cho biết: "Trong 10 tháng đầu năm nay, buổi chiếu nào khán giả cũng gần kín rạp. Tính ra, một số phim VN mới phát hành hiệu quả không bằng những phim sản xuất trước đây. Chưa có lãi nhưng chúng tôi hoàn toàn có thể cân đối được trong tổng doanh thu. Quan trọng hơn, phim VN đã có được một "địa chỉ đỏ" chứ không bị mốc meo trong kho nữa". Kế hoạch phát hành hậu LHP đã được trung tâm xúc tiến trong khuôn khổ chương trình, mà ưu tiên số một là Người đàn bà mộng du. Khi được hỏi tại sao trung tâm không phát hành một đợt "rầm rộ" như Đời cát - phim mà trong đợt phát hành hậu LHP trước, trung tâm đã đạt doanh thu hơn 300 triệu đồng - ông Hùng nói thẳng: "Không thể được. Bởi so với Đời cát, mọi thứ của Người đàn bà mộng du đều dưới cơ". Riêng Thời xa vắng, dự kiến trung tâm sẽ hợp tác với Hãng phim Giải Phóng để công chiếu vào ngày 17/12 tới.

Hãng phim truyện VN thì không có động thái gì đối với 8 bộ phim vừa tham dự LH, bởi đó đều là những phim do Fafim phát hành. Hiện hãng đang trông chờ nhiều vào bộ phim "tự phát hành đầu tay" trong dịp Tết này, cũng là phim đầu tay của một đạo diễn rất trẻ - Đào Phúc, là Chiến dịch trái tim bên phải. Còn Hãng phim Giải Phóng, với những cú đột phá đầy ngoạn mục trong việc tự phát hành Gái nhảy và Lọ lem hè phố đã rất tự tin trong kế hoạch hậu LHP. Dự kiến Thời xa vắng - phim gây ấn tượng mạnh trong LHP sẽ được phát hành trong tháng 12 này. Ông Thái Hòa - Phó giám đốc phụ trách phát hành của hãng hy vọng diễn viên - hoa hậu Nguyễn Thị Huyền sẽ là một yếu tố thu hút khán giả. Đây là phim hợp tác nước ngoài với số vốn khá lớn: tiền kỳ là 3 tỉ đồng và hậu kỳ tại Pháp là 600.000 USD. Ông Hòa cho rằng khả năng hoàn vốn tại VN là rất khó, nhưng việc thu lại được số vốn hãng bỏ ra - khoảng 500 triệu đồng là hoàn toàn có thể. Riêng với Mê Thảo, doanh thu thời gian qua là hơn 200 triệu đồng, không thể coi là hoàn vốn nhưng đó là thành quả đáng khích lệ đối với dòng phim thể nghiệm nghệ thuật.

Phạm Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.