Chuyện một bà má Nam Bộ

29/10/2008 22:26 GMT+7

Chiến tranh đã kết thúc 33 năm, ký ức của những người lính về chiến tranh cứ lùi dần theo năm tháng. Nhưng tôi thì không thể nào quên được tình cảm của bà má Nam Bộ dành cho tôi.

Đó là gia đình má Đào Thị Kìa và ba Nguyễn Văn Lý, có người con gái tên là Út Kịch, năm đó em 11 tuổi. Quê má Kìa ở Ninh Điền, Châu Thành, Tây Ninh. Tháng 6.1969, Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn BB9 được Bộ Tư lệnh Sư đoàn giao cho đơn vị tôi nghiên cứu đánh cụm địch dã chiến ở Bến Sỏi bằng lực lượng đặc công. Lúc đó tôi là Đại đội trưởng C25 đặc công, đơn vị tôi đến đóng quân tại nhà má ở giáp biên giới Campuchia. Thời gian này vào mùa mưa nên từ chỗ má ở về quê của má nước đã ngập, xa xa có một gò nhà mà bộ đội chúng tôi gọi là “cánh đồng chó ngáp”... Cả cánh đồng mênh mông nước, chúng tôi đi nghiên cứu căn cứ của địch phải lội nước đến ngang thắt lưng. Lúc ở nhà, má lo cho chúng tôi từng bữa ăn giấc ngủ, vì vùng này ở biên giới nên địch không chú ý lắm. Cô em gái Út Kịch thì lúc nào cũng ở bên chúng tôi...

Ngày 21.6.1969, tôi và đoàn cán bộ cùng anh Năm Chiêu (Trưởng ban Đặc công của sư đoàn) lội qua “cánh đồng chó ngáp” đến 11 giờ đêm mới đến căn cứ của địch ở Bến Sỏi. Bên trong căn cứ có lắp hệ thống tia hồng ngoại quan sát được ban đêm, nên chúng tôi bị địch phát hiện. Địch bắn pháo sáng và bắn hỏa lực trong căn cứ ra, tôi đồng chí Truyền (trinh sát) bị thương dìu nhau qua đồng nước về được nhà má, còn các anh em khác đều phải ở lại... Khi gặp chúng tôi, má khóc nhiều, cả ba và em Út Kịch cũng khóc. Má vừa khóc vừa nói: “Má biết lần này các con đi là có chuyện, má thấy thằng Nhàn nó buồn không ăn cơm. Đúng như linh cảm của má, chỉ còn hai con về”.

Chúng tôi chia tay má, về trung đoàn. Cuộc chia tay thật bùi ngùi. Lúc đến thì đông vui, lúc chia tay chúng tôi chỉ còn hai người. Cũng kể từ đó tôi không còn gặp ba, má và Út Kịch, nhưng trong lòng rất nhớ tình cảm má dành cho tôi.
Đến năm 1976, tôi có ý định đi tìm gia đình má, nhưng không ai biết má ở đâu.

Sau đó, tôi về công tác ở tỉnh Tây Ninh, vẫn giữ ý định tiếp tục đi tìm. Nhưng chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, đơn vị tôi lại tiếp tục chiến đấu với Pôn Pốt, nên tôi phải tạm ngưng cuộc tìm kiếm của mình. Sau đó, tôi có hỏi thăm tin tức nhiều nơi thì được biết má đã mất. Đến tháng 8.2008, có một gia đình liệt sĩ vào Nam tìm kiếm con em đã hy sinh ở chiến trường này. Tôi có cho địa chỉ và giới thiệu tìm cô Út Kịch, nếu thấy Út Kịch sẽ biết tin tức người hy sinh đó... Gia đình này đã tìm đến quê Út Kịch, được người thân của dòng họ cho biết cô Út Kịch có chồng cũng là bộ đội đã xuất ngũ. Bây giờ không phải là Út Kịch mà cô đã lấy tên thật là Nguyễn Thị Phương, sống ở giáp bên giới Campuchia, thuộc Tân Châu, tỉnh Tây Ninh...

Khi nghe nhắc đến tên tôi Út Kịch nhớ ngay và gọi điện thoại cho tôi. Tôi cũng nhận ra ngay giọng cô trong điện thoại. Cô nghẹn ngào nói: “Ba má và em tưởng anh đã hy sinh rồi, nay anh còn sống là em mừng lắm. Em mong được gặp anh”. Qua Út Kịch, tôi biết được phần mộ của ba má hiện vẫn chưa xây. Và tôi nhận lời với Út Kịch, người em gái mồ côi khốn khổ này: “Mộ ba má, trong năm nay anh trực tiếp xây để tưởng nhớ ba má đã yêu thương, bao bọc các anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...”.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.