Kiếm tiền thật trong thế giới ảo

14/11/2005 21:50 GMT+7

Để mua một chiếc áo giáp, một anh chàng sinh viên tại TP.HCM chẳng ngại ngần móc ra 1.500.000 đồng. Đó chẳng phải là một món hàng cổ quý hiếm mà là áo giáp ảo trong game online Võ lâm truyền kỳ. Những vụ giao dịch như thế này đang diễn ra từng giây từng phút ở khắp nơi trên thế giới trong cái thế giới game online đầy mê hoặc. Có kẻ khốn khổ vì nó nhưng cũng không ít người sống được là nhờ nó.

 

Đào vàng trên game online

 

Trên thế giới hiện có khoảng 20 triệu người đang ngày ngày miệt mài với game online. Dự kiến số tiền trao qua bán lại trên thế giới trò chơi ảo sẽ lên đến ít nhất là 100 triệu USD trong năm nay.
Để tạo tính hấp dẫn và đa dạng cho các trò chơi game online, các nhà thiết kế ngày nay có khuynh hướng để cho người chơi tự tạo nên cá tính hay diện mạo cho nhân vật của mình, tất nhiên là trong một giới hạn nào đó. Nhưng những gì diễn ra trong thế giới ảo đang nhảy ra khỏi màn hình với tốc độ chóng mặt. Tỷ giá hối đoái giữa hàng loạt loại tiền tệ trong các trò chơi điện tử và đồng USD được bắn lên khắp các trang web trên internet. Còn hàng hóa ảo thì đang được buôn bán bằng tiền thật, thậm chí bán trên mạng đấu giá toàn cầu eBay. Gần đây, một hòn đảo ảo đã được mua với giá 30.000 USD !

 

Những món tiền khổng lồ như thế chẳng thể nào khiến con người ta thờ ơ. Không ít người lên mạng chơi game là để kiếm tiền, coi đây là một cái nghề thực thụ. Chuyên nghiệp hơn, hàng loạt công ty đã ra đời, chuyên thuê công nhân để... chơi suốt ngày với mục đích tạo ra những món hàng hoặc những đồng tiền ảo để được bán bằng đồng USD chính cống. I.Aurel, một thanh niên 19 tuổi sống tại Romania được Công ty Gamersloot.net của Mỹ thuê với mức lương 200 USD/tháng. Công việc hằng ngày của Aurel là giết quái vật để cướp đồ dùng. Suốt từ sáng tới tối, Aurel miệt mài với các trò chơi như World of Warcraft hay Guild Wars. Chi nhánh của Gamersloot.net tại Romania hoạt động suốt 24/24 với 3 ca làm việc tất bật. Tất cả công nhân đều là những người... đào vàng hay săn lùng các loại của cải khác để đem bán cho những kẻ muốn phô trương đôi chút cho nhân vật của mình nhưng lại không muốn tốn nhiều giờ lao động vất vả. Còn ở các nhà máy sản xuất vũ khí ảo trên khắp thế giới, các công nhân phải làm việc ngày đêm để cho ra lò những loại vũ khí "độc" nhất, tối tân nhất. Đối tượng khách hàng là những anh hùng chuyên tiêu diệt quái vật hoặc những kiếm khách bôn tẩu giang hồ.

 

Thiết kế thời trang trên game online

 

Second Life là một thế giới cho phép người chơi phát huy tối đa sự sáng tạo. Mỗi sáng tạo của họ đều có thể quy ra thành giấy bạc. Kasi Nafus là một ví dụ. Cô sở hữu một cửa hàng thời trang không có thật, chuyên bán những thứ quần áo không có thật cho những nhân vật không có thật. Nhưng khách hàng của cô lại là người thật và họ trả cho cô bằng đồng đô la thật. Cô đầu tư tất cả công sức và tài năng nghệ thuật của mình cho việc thiết kế những mẫu thời trang thật độc đáo, thật bắt mắt để các cư dân khác của Second Life chịu mua mà diện cho các nhân vật trong game của mình. Với một bộ vest đen sản xuất hàng loạt không tốn lấy một mảnh vải, Nafus dễ dàng bán được 1 USD. Còn những bộ "độc" hơn thì mang lại cho nhà thiết kế khoảng 5 USD. Nguồn hàng của Nafus không bao giờ cạn vì sau khi khách hàng nhấp chuột vào bộ vest và trả tiền, nó vẫn nằm nguyên ở cửa hàng của nhà cung cấp.

 

Second Life có cả một hệ thống tiền tệ ảo với giá trị thay đổi liên tục so với đồng đô la. Người chơi có thể dùng thẻ tín dụng để mua tiền ảo từ các game thủ khác hoặc đổi tiền ảo để lấy ngân phiếu thật. Mỗi tháng, 60 ngàn công dân của Second Life trao tay nhau khoảng 2 triệu USD - tức tương đương với nền kinh tế của cả đảo quốc Tuvalu. Cả trăm người đang ăn theo các dịch vụ của Second Life, trong đó có người thì thiết kế nhà cửa, người khác thiết kế các cử động để giúp nhân vật ảo nhảy điêu luyện hơn...

 

Kiều Oanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.